Khi cô sinh viên mười chín tuổi Hana đem lòng yêu thương gã người sói Ookami lạnh lùng cô độc, khán giả đã ngỡ mình đang được chứng kiến phiên bản hoạt hình của “Chạng vạng”, vẫn dành cho tuổi teen, song được cải biên theo hướng dành sự ưu ái cho Jacob. Tuy nhiên, câu chuyện nhanh chóng rẽ sang hướng khác khi Ookami bất ngờ chết đi, để lại Hana với hai đứa con thơ.
Ở “Wolf Children”, không có những phe phái ma cà rồng và người sói gầm ghè nhau. Chỉ có bờ vai gầy guộc của người mẹ trẻ một mình lo lắng cho hai đứa trẻ “khác” với những đứa trẻ bình thường, mỗi khi hưng phấn hoặc ức chế liền biến thành chó sói. Đặc điểm này chẳng mang lại siêu năng lực gì cho lũ trẻ ngoài việc đặt ra cho bà mẹ một nan đề: khi con ốm, nên mang chúng đến bác sĩ nhi hay bác sĩ thú y? Khổ sở vì phải che giấu bí mật của bọn trẻ giữa Tokyo, Hana quyết định dọn về miền núi, nơi hai chị em Yuki (Tuyết) và Ame (Vũ) có thể tự do sống giữa thiên nhiên và tránh được ánh mắt soi mói của người đời.
Đã từng có hai cô bé con (“My Neighbor Totoro”), một thiếu nữ (“A Letter to Momo”), và một phụ nữ độc thân (“Only Yesterday”) từ thành thị quay về nông thôn, để rồi tìm được ở đây những giá trị nguyên thủy nhất của cuộc sống. Hana là người mẹ đầu tiên, và khác với những nhân vật kia, cô trở về với một tâm thức rõ ràng, một ý chí kiên định, và một nghị lực phi thường. Nhiều phụ nữ hiện đại có lẽ sẽ mỉm cười khi thấy hình bóng của mình ở Hana: hoàn toàn không có kinh nghiệm nuôi con (và nuôi sói) cũng như làm nghề nông, cô chỉ biết dựa vào sách vở. Suốt hành trình dài, gian khó, lẻ loi này, Hana phải đối mặt với không ít vấp váp và thất bại. Nhưng tình yêu, đức nhẫn nại của người mẹ, và có lẽ cả sự hiếu thắng của tuổi trẻ, đã giúp cô vượt qua. Chính ở đây Hana đã cảm nhận được ân tình hồn hậu từ cộng đồng những người nông dân sống quanh cô.
Dưới sự chăm sóc và yêu thương của Hana, Ame và Yuki lớn lên giữa vùng cao nguyên hồn nhiên như cây cỏ. Nếu cách nuôi con của Hana làm ta cảm thông thì cách dạy con của cô đáng để ta nghiêng mình kính phục. Hiếm người mẹ nào lại thuận theo tự nhiên, khai mở, nâng niu và trân trọng cái “thiên tính” của con cái như Hana. Chưa bao giờ cô bắt con phủ nhận hay chối bỏ dòng máu sói, mà còn tạo điều kiện cho chúng tìm hiểu và học hỏi những kỹ năng và giá trị của giống loài này. Sói, với Hana, cũng như một nền văn hóa khác – cô muốn đem các con tìm về với nguồn cội của người cha đã khuất, một tâm nguyện tự nhiên, bình dị không khác gì của những phụ nữ lấy chồng ngoại quốc có cùng hoàn cảnh như cô. Có thể nói Hana đã là người hướng đạo tuyệt vời cho hai đứa trẻ trong hành trình đi tìm bản ngã. Cô chị Yuki lúc nhỏ hiếu động bao nhiêu thì lớn lên lại dịu dàng, nữ tính và “người” bấy nhiêu; trong khi cậu em Ame ngày bé yếu đuối và nhút nhát là thế mà sau này lại quyết liệt đi theo tiếng gọi của đại ngàn đến vậy. Và trong cả hai trường hợp, khi hai đứa trẻ chưa hoàn toàn trưởng thành nhưng đã kịp rẽ về hai ngả – một đường sói, một lối người – Hana vẫn dành cho cả hai tình yêu và sự ủng hộ không điều kiện, không điều kiện như tình yêu nồng nàn không toan tính mà tuổi trẻ của cô từng dành cho cha chúng.
Bên cạnh dòng chảy chính của thứ tình yêu tự nhiên đầy bản năng trong huyết quản Hana, “Wolf Children” còn một mạch ngầm khác, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Hayao Miyazaki, bậc thầy anime Nhật Bản: tình yêu thiên nhiên, môi trường sống. Thiên nhiên trong bộ phim được Hosoda chăm chút đến từng khuôn hình, từng mảng màu và nét cọ, dù đó là cánh đồng hoa trong giấc mơ của Hana, hay triền tuyết trắng phau nơi ba mẹ con cùng nô giỡn. Và hình ảnh con sói trẻ Ame nhẹ nhàng bay vút trên vách núi nghiêng nghiêng, có lẽ nào không làm người ta nhớ đến Moro, con sói trắng khổng lồ của công chúa Mononoke?
Bài: Nham Hoa