Trong khu vườn nghệ thuật đầy sắc hương, chúng ta dễ dàng bị thu hút bởi “đóa hồng” Lê Khanh tỏa rạng trên sân khấu kịch và màn ảnh rộng. Dù ở vai diễn nào đi chăng nữa, khán giả vẫn thấy NSND Lê Khanh toát lên phong thái tự tin cùng nét duyên dáng độc bản khi hóa thân vào nhân vật. Như nhà văn Emile Zola từng viết: “Nghệ sĩ chẳng là gì nếu thiếu tài năng, nhưng tài năng chẳng là gì nếu không trau dồi”. Đằng sau sự đa tài, đa sắc của nữ diễn viên là tinh thần sống hết mình với tình yêu và đam mê, không ngừng “thoát kén” để nhất tâm đi tìm cái mới, cái đẹp trong nghệ thuật.
Chào chị Lê Khanh. Nhân buổi chụp hình về chủ đề “tình yêu”, chúng ta cùng ngồi xuống chia sẻ đôi điều về tình yêu đối với diễn xuất của chị nhé. Là con nhà nòi trong gia đình có truyền thống 4 đời làm nghệ thuật, chị cho rằng tình yêu với diễn xuất của mình được di truyền hay được nuôi dưỡng theo năm tháng?
Tôi nghĩ là cả hai yếu tố trên đều đúng và còn hơn thế nữa (cười). Ban đầu, diễn xuất đối với tôi là bản năng, đến từ gen di truyền của một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, niềm đam mê với diễn xuất cũng thôi thúc tôi muốn khám phá nhiều hơn về bộ môn này và không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bản thân từng ngày. Tình yêu nghệ thuật đem đến cho tôi năng lượng về thể chất và tinh thần để tiếp tục sống, cống hiến và luôn tiến về phía trước.
Chạm ngõ với điện ảnh trước, nhưng chị lại lựa chọn 10 năm “tu nghiệp sân khấu”. Liệu có phải tình yêu dành cho sân khấu của chị lớn hơn tình yêu với điện ảnh không?
Không hẳn. Tôi nghĩ gọi đó là sự lựa chọn phù hợp với mình thì đúng hơn. Sân khấu là nền tảng cơ bản giúp tôi mở rộng biên độ nghệ thuật. Diễn viên sân khấu có thể diễn điện ảnh. Ngược lại, nếu chỉ thuần khiết về điện ảnh thì người diễn viên ít có khả năng diễn sân khấu. Bởi vì sân khấu mang tính ước lệ, nên diễn viên phải tôi luyện về cả giọng nói, ngôn ngữ hình thể, trí tưởng tượng… để hóa thân vào đa dạng tuyến nhân vật. Vì vậy, việc lựa chọn theo đuổi diễn kịch trong giai đoạn đầu giúp tôi có được cả hai tình yêu với nghề – sân khấu và điện ảnh.
Đồng hành cùng NSND Lê Khanh trong chiến dịch “With Love” chính là các thiết kế nữ trang thuộc bộ sưu tập (BST) Tiffany Lock và Tiffany HardWear đến từ Tiffany & Co.
Bí quyết giúp chị giữ lửa đam mê với nghệ thuật, ngay cả ở trong những giờ phút tuyệt vọng và chán nản nhất, là gì?
Đó là thực tế và đam mê. Đầu tiên là tính thực tế, làm nghệ thuật tạo ra nguồn tài chính phục vụ cho cuộc sống gia đình. Thứ hai là đam mê, nó giúp tôi phấn đấu trau dồi kỹ năng diễn xuất nhiều hơn dẫu phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Với hàng trăm vai diễn đa sắc suốt nhiều thập kỷ, có nhân vật nào khi hóa thân đã để lại trong chị nhiều cảm xuất nhất không?
Đối với tôi, vai diễn nào cũng đặc biệt, vì cuộc đời của mỗi nhân vật đều không giống nhau. Nhưng có những nhân vật đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp diễn xuất của tôi. Với sân khấu, “Juliet” (1982) là vai diễn biểu tượng về tình yêu đầu tiên của tôi. Vai Jan’Da năm 1986 giúp tôi đột phá biên độ tính cách nhân vật. Năm 1997, vai Vua Lý Chiêu Hoàng đánh dấu sự trưởng thành nhận thức của tôi về nhân tình thế thái. Cuối cùng, vai bà già điếc năm 1998 là cánh cổng đưa tôi lấn sân sang mảng Hài kịch.
Còn ở điện ảnh, vai chính đầu tiên của tôi là cô thanh niên xung phong Tuất trong phim “Từ một cánh rừng” (1978). Năm 1988, vai Hân của “Ám Ảnh” đánh dấu sự trở lại với màn ảnh sau 10 năm diễn sân khấu. Tiếp đến, phim “Bản tình ca cuối cùng” (1990) với vai Thoa giúp tôi mở rộng phạm vi hoạt động nghệ thuật trong miền Nam. Với vai Lan trong phim “Chuyện tình bên dòng sông” (1991), tôi đoạt giải thưởng truyền hình đầu tiên là “Nữ diễn viên chính xuất sắc”. Sau đó 20 năm, nhân vật Thái Tuyết Mai trong “Gái già lắm chiêu 3” đánh dấu sự tái xuất của tôi với điện ảnh. Gần đây nhất, vai Lý Lệ Hà là màn hóa thân đột phá về mặt tính cách nhân vật. Cuối cùng, nhân vật Khanh trong phim “Mùa hè chiều thẳng đứng” (1998) của Đạo diễn Trần Anh Hùng khiến tôi cảm tưởng như mình đang sống cuộc đời của mình trên màn ảnh vậy. Vì nhân vật này không chỉ cùng tên với tôi, mà còn đều là con thứ trong gia đình có 3 chị em gái nữa.
Biên độ vai diễn trải rộng từ cô thanh niên xung phong Tuất hồn nhiên với nụ cười vô tư lự ngay trong “Từ một cánh rừng” đến một Lý Lệ Hà quyền lực, quý phái nhưng đầy mưu mô tính toán trong sự nghiệp của phim “Gái Già Lắm Chiêu V”, chị có đặt ra cho mình tiêu chí lựa chọn vai diễn không?
Thật ra, tôi không có tiêu chí cụ thể nào cả. Biên độ vai diễn rộng chỉ đơn thuần xuất phát từ mong muốn khám phá cuộc đời muôn hình muôn vẻ của các nhân vật mới mà thôi. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi khán giả đã cảm nhận được thế giới của các nhân vật giống như những gì tôi muốn truyền tải. Thật sự tuyệt vời và xúc động!
Được lấy cảm hứng từ chiếc trâm cài hình ổ khóa bằng vàng thuộc kho lưu trữ di sản của nhà Tiffany, BST Tiffany Lock tượng trưng cho sự bảo vệ mãi mãi và lời hứa luôn trân quý những điều quan trọng nhất. Thiết kế hình ổ khóa được thiết kế khéo léo ôm trọn cổ tay người đeo một cách hoàn hảo. Móc cài sáng tạo, tinh xảo xoay chuyển duyên dáng và luôn khớp đúng vị trí. Các nhà thiết kế của Tiffany đã phải mất hơn một năm mới hoàn thiện được chiếc móc cài này.
Chị có nghĩ rằng các vai diễn của mình vô hình trung tạo nên một hình tượng phụ nữ đậm chất Lê Khanh trên màn bạc lẫn sân khấu: đa diện, bản lĩnh và không ngại thách thức?
Không phải phụ nữ nào cũng như vậy sao (cười)? Họ có nhiều góc độ bí ẩn: có thể nhẫn nại và kiên cường, đôi khi yếu mềm và nghị lực, cũng có lúc nhỏ nhen và cao cả… Tùy theo từng hoàn cảnh mà cái này ẩn, cái kia hiện. Cũng chính vì như vậy mà phụ nữ hiện đại ngày nay hay nói: “Hãy biết yêu và trân trọng giá trị của mình”. Tôi yêu, thương, cảm phục và trân trọng người phụ nữ hơn mỗi khi có thêm một nhân vật đi qua đời mình.
Bàn thêm một chút về nhân vật Lý Lệ Hà trong “Gái già lắm chiêu V”, một phụ nữ có nhan sắc, có tài năng nhưng phải chịu cuộc đời bất hạnh vì rơi vào tình yêu với một kẻ bội bạc. Nhưng chẳng phải chỉ có trong phim, hẳn đâu đó ta cũng bắt gặp nhiều những Lý Lệ Hà ngoài đời. Chị có nghĩ rằng trong tình yêu, phụ nữ nên dè chừng một chút để tránh bị tổn thương?
Tôi nghĩ niềm tin cũng là một nền tảng của tình yêu. Hai yếu tố này cùng song hành với nhau: đã yêu là phải tin và có tin thì mới yêu. Hãy cứ giữ một niềm tin trọn vẹn, chứ nửa tin nửa ngờ thì bản thân sẽ luôn thấy khổ tâm và chẳng còn gì lãng mạn nữa. Người ta hay nói đùa với nhau rằng: “Yêu là chết ở trong lòng một ít”, nhưng không yêu có lẽ sẽ chết nhanh hơn (cười).
Sự vô tư trong tình yêu giống như vitamin giúp ta vui, khỏe, đẹp, thông minh và có năng lượng phi thường. Sự dè chừng cũng cần phải có, nhưng chỉ ở mức độ là đừng ngộ nhận về một tình yêu hoàn hảo. Nó có những vấn đề rất thực tế khi đặt vào cuộc sống, buộc chúng ta phải bình tĩnh đối mặt và xử lý. Vì đôi khi đó chính là kháng sinh liều cao giúp mình hồi sinh, thậm chí tái sinh ngoạn mục. Hãy cứ yêu hết mình, vì đến thần tình yêu Cupid còn bị bịt mắt nữa mà (cười). Nhưng cũng đừng quên trân trọng bản thân nhé!
Dường như hình ảnh người phụ nữ trong nghệ thuật thường gắn với tình yêu, dễ thấy nhất là tình yêu đôi lứa, rồi đến tình yêu với gia đình. Liệu theo chị, tình yêu sự nghiệp và đam mê của phụ nữ đã được khắc họa rõ nét trên màn ảnh chưa?
Tôi nghĩ rõ nét như thế nào phụ thuộc vào dụng ý thể hiện của mỗi đạo diễn. Có đạo diễn lựa chọn mượn khía cạnh sự nghiệp để kể câu chuyện tình yêu. Như “Muôn vị nhân gian” của đạo diễn Trần Anh Hùng giành giải “Đạo diễn xuất sắc” tại LHP Cannes vừa rồi, phần lớn nói về Văn hóa Ẩm thực. Nhưng nó là vẫn là một bộ phim khắc họa tình yêu. Hai nhân vật chính có chung ý nghĩ, đam mê và niềm hạnh phúc khi được chăm sóc người khác, vừa hiểu nhau đến tận cùng song vẫn đầy bí ẩn. Sự hòa hợp giữa họ có lúc hữu hình, có khi vô hình. Đó là một thủ pháp phi minh họa cụ thể mà vẫn đầy trữ tình, đẹp như tranh vẽ và đậm chất điện ảnh.
Chị từng chia sẻ rằng: “Đam mê nghệ thuật ngang bằng hạnh phúc gia đình”. Nhưng có lẽ người diễn viên khó có thể cân bằng được hai điều đó?
Đúng vậy! Không ít lần tôi đã chọn gia đình, chọn làm mẹ, và tiếc nuối từ chối dự án điện ảnh mà mình mong ước được tham gia. Nhưng bù lại, tôi đã có những khoảnh khắc quý giá mà nghệ thuật không thể cho được. Hầu hết thời gian, tôi vẫn có thể duy trì tốt cả hai vai trò như xưa nay vẫn vậy. Bản năng người mẹ giúp tôi biết cách chọn và khéo léo sắp xếp hai việc này một cách hợp lý theo điều kiện thời gian và sức khỏe. Cả gia đình và nghệ thuật đều là nguồn oxy bất tận duy trì sự sống trọn vẹn trong tôi.
Mới đây, chị đã cùng bộ đôi đạo diễn – nhà sản xuất Namcito và Bảo Nhân thành lập Học viện Nghệ thuật Điện ảnh (Cinematic Arts Academy – CAA) với vai trò giảng viên chính. Điều gì đã thôi thúc chị đưa ra quyết định này?
Đào tạo là lĩnh vực mà tôi muốn làm từ khi còn trẻ. Vì vậy, tôi đi học đạo diễn và lấy bằng Thạc sĩ ngay sau khi được phong tặng danh hiệu NSND. Tôi yêu nghệ thuật nên muốn truyền nghề cho các bạn có cùng niềm đam mê. Tôi cảm thấy có lỗi với tổ nghề vì không truyền dạy những kinh nghiệm đúc kết trong nghề cho thế hệ sau. Giảng dạy tuy mất sức nhưng bù lại, tôi được chứng kiến thành quả trưởng thành từ nhân cách đến sự nghiệp của các học trò. Quả thực không gì sung sướng bằng.
Theo chị, có bao giờ là quá muộn để phụ nữ theo đuổi đam mê?
Với những người luôn có tinh thần tích cực, giàu năng lượng thì không bao giờ là muộn để theo đuổi đam mê. Bất kỳ lúc nào cũng là điểm khởi đầu, và khởi đầu bao giờ cũng đẹp nhất. Tôi nghĩ sướng nhất là khi thấy bản thân vẫn trẻ khi đã già, đừng để mình già từ khi còn trẻ.
Chị có lời khuyên nào dành cho những người phụ nữ trong hành trình tìm kiếm và vun đắp đam mê?
Đừng sợ, đừng ngại, hãy dũng cảm bước qua những giới hạn của bản thân. Nếu không cố gắng thì bạn không thể biết mình xuất sắc đến nhường nào.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị Lê Khanh!
Creative Director: Hà Đỗ
Photographer: Mạnh Bi Art
Art Director: Chi Lemon
Videographer: Luân Nguyễn
Producer: Chí Văn
Make up & Hair: Tùng Châu Trần
Lighting: Từ Tạp
Video assistant: Trần Minh Nghĩa
Production assistant: Nguyễn Bảo
Jewelry: Tiffany & Co.
Fashion: HUONG Boutique, TINH Atelier Global
Words: Kim Thanh
WITH LOVE
hân hạnh mang đến cho bạn bởi Đẹp và Tiffany & Co.
Tình yêu luôn là chủ đề bất tận của nhân loại ở bất kỳ thời đại nào. Và tình yêu cũng là nguồn cảm hứng, là trái tim của thương hiệu kim hoàn Tiffany & Co. thông qua mỗi bộ sưu tập. Mạnh mẽ hơn cả, Tiffany & Co. khởi động chiến dịch toàn cầu “With Love, Since 1837” như một cách tôn vinh tình yêu, nghề thủ công và di sản. Ấn tượng với chiến dịch này, tạp chí Đẹp và Tiffany & Co. mời bạn cùng bước vào hành trình ngập tràn sự yêu thương thông qua chiến dịch “With Love”, để cùng lắng nghe câu chuyện tình yêu của những nhân vật đặc biệt. Đó là tình yêu vô bờ dành cho nghệ thuật của NSND Lê Khanh, là tình mẫu tử ngọt ngào của GĐST Hà Đỗ với con trai, là đam mê âm nhạc bất tận của nữ ca sĩ Amee và sự “tôn thờ” điện ảnh vĩnh cửu của đạo diễn Leon Quang Lê cùng diễn viên Liên Bỉnh Phát. Đẹp tin rằng, dù ở bất kỳ hình hài nào, tình yêu sẽ mãi là nguồn sống của chúng ta. Như cách mà Tiffany & Co. luôn tin tưởng và theo đuổi kể từ năm 1837.
Theo dõi các bài trong chiến dịch “With Love”:
#WithLove – Ca sĩ AMEE: “Âm nhạc giúp tôi bớt ‘overthinking’!”
#WithLove – NSND Lê Khanh: “Gia đình và nghệ thuật là nguồn oxy duy trì sự sống trọn vẹn trong tôi”
#WithLove – GĐST Hà Đỗ: “Con là niềm cảm hứng và động lực lớn nhất của tôi”
#WithLove – Thánh đường điện ảnh của Leon Quang Lê và Liên Bỉnh Phát