Các bé gái với biểu ngữ chống lại hủ tu j cắt bỏ âm vật. (Nguồn: stopfgmmideast.org)
Theo ước tính của WHO, 200 triệu phụ nữ và bé gái đã bị cắt âm vật trên toàn thế giới.
Những nạn nhân này sẽ phải đối mặt với một loạt các hậu quả nghiêm trọng như chảy máu, đau khi tiểu tiện, cực kỳ khó chịu trong quan hệ tình dục, chịu nhiều biến chứng có thể gây tử vong khi sinh nở và các tổn thương tâm lý sâu sắc.
FGM khá phổ biến ở châu Phi, với khoảng 30 quốc gia thực hiện hủ tục này đối với phụ nữ và các bé gái bất chấp sự lên án rộng rãi trên toàn cầu. Ngoài ra, hủ tục này cũng tồn tại tại một số nước châu Á và Trung Đông.
Trong khi đó, WHO cho biết các bác sỹ tại những khu vực và cả bác sỹ ở các nước phát triển đều thiếu kinh nghiệm điều trị cho nhóm bệnh nhân này.
Theo WHO, cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu đã mang vấn đề này tới các nước phương Tây, nơi mà các chuyên gia y tế thiếu sự chuẩn bị để điều trị cho các bệnh nhân FGM.
Nhiều bác sỹ thường không biết cách xử trí khi gặp một bệnh nhân bị FGM và việc thiếu kinh nghiệm về chẩn đoán khiến quá trình điều trị không hiệu quả, thậm chí dẫn đến các trường hợp tử vong.
Theo tính toán của tổ chức này, hơn 500.000 phụ nữ và bé gái tại Mỹ đã là nạn nhân FGM hoặc phải đối mặt với nguy cơ này, trong khi con số này tại Anh là 66.000 người.
WHO nhấn mạnh các nhân viên y tế thường không lường hết được những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của người bị FGM và rất nhiều người không được đào tạo đầy đủ để phát hiện và điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân FGM.
Hậu quả là bệnh nhân có thể phải chịu đau đớn vô ích, thậm chí với những thai phụ bị cắt âm vật, thai nhi có thể bị tử vong vì mắc kẹt trong tử cung trong quá trình sinh nở.
Ngoài các thủ thuật và chăm sóc y tế, bản hướng dẫn của WHO cũng kêu gọi các nạn nhân FGM nên tiếp nhận sự hỗ trợ tâm lý cần thiết và những khuyến cáo từ bác sỹ liên quan tới sản khoa.
Các chuyên gia thuộc WHO nhấn mạnh việc thiếu dữ liệu cụ thể khiến việc phát triển các hướng dẫn điều trị cho nạn nhân FGM vô cùng phức tạp.
Theo VietnamPlus