Biến thể Delta nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.
Ngày 18/6, nhà khoa học hàng đầu tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 có thể trở thành biến thể gây ra phần lớn số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.
Phát biểu họp báo, bà Swaminathan cho biết: “Biến thể Delta đang dần trở thành biến thể chiếm lĩnh trên toàn cầu do khả năng lây lan của nó ngày càng gia tăng.”
Hiện WHO phân loại biến thể Delta ở mức “biến thể đáng lo ngại.” Trong báo cáo đầu tháng này, WHO cảnh báo Delta đang tiếp tục lây lan nhanh chóng và ngày càng có nhiều quốc gia báo cáo các đợt bùng phát liên quan đến dòng biến thể này.
Biến thể Delta hiện chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh, Đức và Nga.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới Frank Ulrich Montgomery cảnh báo biến thể Delta rất dễ lây lan và có thể gây bùng phát các đợt dịch mới nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó.
Biến thể này nguy hiểm ở chỗ những người bị nhiễm có lượng virus rất cao trong cổ họng trong một thời gian ngắn và dễ dàng lây sang người khác trước khi họ nhận ra mình bị nhiễm bệnh.
Ông Montgomery cảnh báo rằng chừng nào chưa đạt đủ tỷ lệ số lượng người được tiêm phòng thì cần phải hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cuộc sống hằng ngày. Do vậy, chắc chắn người dân cần tiếp tục đeo khẩu trang FFP2 khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong các cửa hàng và các khu vực trong nhà khác.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa thế giới kêu gọi các nước cân nhắc lại việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch của nước mình và cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ để đảo ngược xu hướng nới lỏng này nếu số lượng các ca nhiễm biến thể Delta gia tăng.