Warszawa: Nơi kém may mắn của lịch sử? - Tạp chí Đẹp

Warszawa: Nơi kém may mắn của lịch sử?

Sự Kiện

Con đường di sản văn hóa

Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.

Người Đức nổi tiếng đúng giờ, nên tôi rất yên tâm rằng chuyến tàu Berlin – Warszawa sẽ khởi hành đúng 6 giờ sáng theo lịch. Nhưng khi tới ga mới được thông báo là tàu sẽ khởi hành muộn 45 phút. Tệ hơn, tàu chỉ lăn bánh lúc 8 giờ sáng, nghĩa là muộn những hai tiếng! Thì ra đó là một chuyến tàu Ba Lan, thảo nào! Nhìn quanh toa tàu có nội thất sơ sài, tôi thấy hơi ngán ngẩm. Không biết Warszawa có gì hay ho không đây?

Nghe nói thành phố được xây dựng trên đống gạch vụn sau chiến tranh ấy chẳng có gì đáng xem cả. Song tôi không ngờ rằng những gì tai nghe mắt thấy trong hai ngày ngắn ngủi sau đó lại rất thú thấy trong hai ngày ngắn ngủi sau đó lại rất thú vị. Đáng nhớ hơn cả là cuộc dạo chơi cùng mấy người bạn quanh thành cổ Warszawa.

Đêm tháng bảy ở đây trời mát dịu trở lại sau một ngày nóng nực lạ thường. Một đoạn của con đường Hoàng Gia, nhìn từ phía nhà thờ Mến Thánh Giá về cung Vua, dọc theo phố Krakowskie Przedmiescie, tỏa ánh sáng vàng huyền ảo, tựa dải ngân hà thu nhỏ. Tôi vẫn thích lối chiếu sáng của những khu phố cổ châu Âu, khi đèn đóm được hắt từ dưới lên, làm các bức tường và các tòa nhà rạng rỡ như những viên đá phát sáng muôn hình vạn trạng. Chúng kết thành những chuỗi trang sức  đường phố, mà không chuỗi nào giống chuỗi nào. Nếu như thung lũng Elbe từng được mệnh danh là chiếc hộp trang sức của nước Đức, thì thành cổ Warszawa trông giống như một tủ kính bày những món cổ vật tinh xảo nhất của Ba Lan.

Những ai chỉ đi qua đây một lần như tôi hẳn không thể nhớ chính xác đâu là đâu. Đâu là quảng trường có tượng nàng tiên cá và cung điện màu hồng sẫm trong buổi hoàng hôn? Rồi đâu là cột tháp tưởng niệm vua Zygmunt III, hiên ngang trên nền trời, hay những bậc thang bằng đá tảng mà hoàng đế Pháp Napoleon đã từng dạo qua?

 

Tượng đồng Nàng tiên cá (Syrena Staromiejska), biểu tượng của Warszawa ở Quảng trường Thành cổ, phiên bản của bức tượng đúc năm 1855, nay đứng trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Ba Lan. 

Và chắc cũng như tôi, nhiều du khách nghĩ rằng toàn bộ khu phố cổ, với những tượng đài cùng những thánh đường nguy nga, vẫn có đó bao thế kỷ rồi. Thực ra, khu thành cổ còn lấp lánh ánh chiều ấy chỉ mới được tái thiết cách đây hơn nửa thế kỷ, sau cuộc tàn phá kéo dài suốt Thế chiến II.

90% các tòa nhà bị bom, mìn và đạn pháo đánh sập. Số khác bị thiêu trong biển lửa, trong cơn điên cuồng của Hitler sau thất bại của hai cuộc khởi nghĩa ở Warszawa vào năm 1943 và 1944. Hitler đã ra lệnh san phẳng Warszawa thành bình địa.

Vậy mà trên chính bình địa ấy, thành cổ Warszawa lại mọc lên như trong cổ tích. Nhiều người cho rằng công cuộc tái thiết này chỉ phục vụ cho mục đích tuyên truyền trong thời kỳ chiến tranh lạnh, và là sự kết hợp không ăn ý giữa giải pháp kiến trúc hiện đại và các phác thảo không gian đô thị cận đại. Nhưng chỉ khi nhìn tận mắt, tôi mới hiểu lời cô bạn người Việt, đã sống ở đây từ thuở học trò, rằng việc tái thiết Warszawa trước hết là một kỳ tích. Công cuộc ấy thể hiện tài năng và trí tuệ phi thường của người dân Ba Lan.

Nếu ai đó còn chưa tin chắc rằng những công trình văn hóa không chỉ vinh danh những người xây nên chúng, mà còn vinh danh những người biết yêu quý, bảo vệ và khôi phục chúng; rằng di sản văn hóa trước hết lưu dấu khát vọng trường tồn của sáng tạo, qua những thử thách hiểm nghèo nhất của lịch sử, xin một lần dừng chân ở thành cổ Warszawa, xin một lần dừng chân dưới tượng đài nhà thơ Adam Mickiewicz hay những hàng cột của nhà thờ Mến Thánh Giá, nơi cất giữ trái tim nhạc sĩ Fryderyk Chopin, để mường tượng phần nào những gì lịch sử đã trải qua.

Nóc nhà thờ Mến Thánh Giá (Kościół św. Krzyża) về đêm, nơi lưu giữ bình đựng trái tim của nhạc sĩ Chopin.

Bức tượng đồng cao 4,2m, từng được đúc rất công phu ở Ý và dựng năm 1898 trên bệ hồng thạch Ý, để kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ lãng mạn lớn nhất Ba Lan, đã bị quân đội Quốc xã đập tan ra làm trăm mảnh. Sau chiến tranh, các mảnh tượng, trong đó có đầu và nhiều phần thân thể, được lần lượt mang về từ Hamburg qua nhiều thập kỷ. Phiên bản của bức tượng được nhà điêu khắc Jan Szczepkowski hoàn thành vào năm 1950. Mickiewicz nay đứng trầm tư và bình thản, như chưa từng chết đi sống lại bao giờ.

 

Tượng đài nhà thơ Adam Mickiewicz được đúc lại sau Thế chiến II 

Việc xây lại nhà thờ Mến Thánh Giá còn tỏ ra nhiều công khó hơn. Tòa kiến trúc Baroque này đã bị quân Quốc xã dùng hai khối thuốc nổ điều khiển từ xa phá hủy mặt tiền vào cuối năm 1944, rồi tiếp tục phá nốt vào tháng giêng năm 1945. Nhà thờ hiện nay, do kiến trúc sư B. Zborowski chủ trì, được hoàn tất sau ba thập kỷ. Tuy nhiều chi tiết chạm trổ và các họa tiết Baroque không được phục chế, nội thất tối giản so với trước, nhà thờ ngày nay vẫn là công trình đẹp và gây ấn tượng mạnh.  

Dạo bước qua nhiều công trình được phục chế hay xây lại rất công phu khác đã làm nên diện mạo khá bề thế và cổ kính của thành cổ Warszawa ngày nay, tôi chợt hiểu rằng mọi lý do cho việc một công trình nào đó không được bảo tồn đều không xác đáng. Chính phủ Ba Lan sau chiến tranh ưu tiên trước hết xây dựng nhà ở, các cơ sở công nghiệp, và không mặn mà gì với việc tái tạo hình ảnh cũ của Warszawa. Nhưng chính người dân, các kiến trúc sư, nghệ sĩ và nhà khoa học Ba Lan đã làm cho thành cổ Warszawa sống lại. Từng viên gạch cũ, các bản vẽ cũ, kể cả bản vẽ của sinh viên được đem ra sử dụng. Đó là chưa kể đến sự đóng góp vật chất của các cá nhân và các tổ chức phi chính phủ.

Hơn nữa, việc tái thiết thành cổ Warszawa không đơn thuần là những sao chép nhàm chán. Bernardo Bellotto, họa sư  người Venezia, đã phác thảo nghệ thuật cho nhiều thành cổ châu Âu thế kỷ 18, trong đó có Dresden và Warszawa. Giới chuyên môn cho rằng dáng dấp thành cổ Warszawa ngày nay giống với những tác phẩm của ông hơn chính nó trước năm 1939, nghĩa là tinh tế và bay bổng hơn. Dù chưa thống nhất về mức độ thành công của việc tái thiết thành cổ Warszawa, hầu như tất cả đều cho rằng công cuộc ấy đã giúp trường phái bảo tồn kiến trúc Ba Lan trở nên lừng lẫy trên thế giới. Sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vào năm 1980 và sau vụ việc ở thung lũng Elbe, đây là quần thể kiến trúc được tái thiết duy nhất có danh hiệu này. Nếu không tới để tận mắt nhìn, chắc khó “tâm phục khẩu phục” rằng dân Ba Lan thực ra hay và giỏi đến vậy.

Quảng trường Thành cổ Warszawa ban đêm

Tôi nhớ những vồng hoa rực rỡ dưới ánh đèn dọc con đường Hoàng Gia, có những bảng tên phố dài dặc và rất khó nhớ ấy. Nhớ tiếng lao xao cười nói, tiếng nhạc vui tươi phát ra từ những tiệm cà phê và quán hàng nhỏ nhắn chỉ cao có hai tầng dọc theo phố Nowy Swiat. Những bồn hoa đỏ thắm, những cột đèn sắt mảnh mai như muốn níu chân người. Cảm giác “déjà vu” cứ quẩn quanh, vừa mới vừa cũ, gập ghềnh theo nhịp xe trên con đường lát đá ra khỏi thành cổ. Tôi sẽ mang về những gì đây nhỉ? Khi thời gian thật thiếu thốn, chẳng kịp mua một món lưu niệm to tát nào.

Nhưng tôi biết chắc Warszawa và Dresden sẽ gửi theo tôi một trải nghiệm quý giá, ngoài vài tấm ảnh chụp vội, chiếc đĩa sứ có in hình cô gái Dresden bưng sô cô la nổi tiếng và bức phù điêu nhỏ có chân dung Chopin. Lòng thầm mong ước làm một điều gì đó, dù nhỏ bé, cho quê hương mình. Đi qua một con đường đang được sửa ống nước, thấy từng viên đá cổ được người ta xếp cẩn thận để lát lại, tự nhiên nhớ nhà. Giá Hà Nội, Huế hay Sài Gòn của mình cũng vậy thì tốt biết bao!

Staszic Palace: Một đoạn con đường Hoàng Gia ở Warszawa, nhìn về phía Staszic Palace.Cung điện được xây từ đầu thế kỷ 17 đã bị đập phá trong cuộc bao vây Warsaw năm 1939 và san phẳng sau Khởi nghĩa Warsaw năm 1944. Tòa nhà hiện nay được xây dựng lại theo đúng phong cách Tân cổ điển của tòa cung điện cũ và trở thành trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học.

Kỳ III – Đi trong miền cổ tích xứ Bavaria

Bài: Lã Hoa

Ảnh: Anh Ngọc


Thực hiện: depweb

14/12/2012, 09:52