Vườn xinh xanh tươi rau quả sạch trên sân thượng của cô giáo dạy Toán - Tạp chí Đẹp

Vườn xinh xanh tươi rau quả sạch trên sân thượng của cô giáo dạy Toán

Sống

Với diện tích sân thượng rộng khoảng 30m2, chị Mai Lam đã tạo cho gia đình mình một không gian xanh tươi ngập tràn các loại rau quả sạch, giúp mọi người không chỉ an tâm hơn về bữa ăn hàng ngày, mà còn giúp chốn đi về của mình thêm trong lành, thư giãn.

Không gian xanh tươi cây cối của gia đình chị Mai Lam

Chị Mai Lam hiện đang là giáo viên dạy Toán tại Tp.HCM

Vào tháng 6/ 2012, chị Mai Lam sinh bé thứ hai cũng là lúc chị nghỉ ngơi ở nhà. Một phần vì khá rảnh rang, một phần vì tình trạng thực phẩm bẩn liên tục được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nên chị đã nghĩ đến kế hoạch sẽ quy hoạch lại sân thượng của gia đình để có diện tích trồng rau cho con ăn dặm và cho gia đình thưởng thức mỗi ngày. Nghĩ là làm, chị đã lên kế hoạch cụ thể, tự mình dọn dẹp sân thượng và bắt đầu tìm hiểu cách trồng rau, cách trồng các loại quả sạch. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng chị mới bắt đầu sự nghiệp trồng trọt của mình. Tính đến nay cũng đã được 4 năm, và 4 năm chị trồng rau trên sân thượng là quãng thời gian giúp gia đình được an tâm hơn khi được ăn rau quả sạch tự trồng.

Một góc sân thượng xanh tươi, mát mắt của gia đình chị Mai Lam

Để đảm bảo đủ lượng rau ăn hàng ngày, chị Mai Lam đã trồng thêm rau ở các tháp rau

Theo chị trồng rau trên tháp khá tiện lợi

Rau trồng tươi tốt trên tháp

Chị có thể bỏ rác hữu cơ trực tiếp vào lõi tháp để rác tự phân hủy

Rau cải trồng trên tháp rau

Rau càng cua xanh tươi trên tháp

Chị Mai Lam kể lại, ban đầu nhà chị không có lối lên sân thượng. Vì bất cập này chị đã bàn bạc với chồng để thiết kế cầu thang inox tạo lối đi thuận tiện và chắc chắn cho việc lên xuống chăm sóc rau cỏ hàng ngày cũng như đưa các vật liệu, dụng cụ trồng rau lên sân thượng. Để tận dụng tối đa diện tích sân thượng cho việc trồng trọt, chị Mai Lan không chỉ chọn giải pháp trồng cây trong chậu, trồng trong tháp rau mà còn nhờ ông xã thiết kế hệ thống giàn bằng thép không gỉ để trồng các loại cây leo ăn quả. Sau khi tạo giàn, chị Mai Lan muốn tạo thêm hệ thống bọc lưới chống côn trùng như cách trồng rau sạch trong nhà kính của các doanh nghiệp. Tuy nhiên khi thực hiện chị lại chưa tìm được công ty chuyên về lưới nên đã tạm ngưng kế hoạch này.

Khi đã hoàn thành phần khung, chị Mai Lam lại vấp phải khó khăn về việc lắp đặt hệ thống tưới nước. Tuy nhiên, chị lại khá may mắn khi chồng làm bên ngành cấp thoát nước nên chị đã nhờ anh thiết kế vòi phun và hệ thống tưới nhỏ giọt giúp việc trồng cây trên sân thượng được thuận lợi hơn.

Giàn bầu ra quả đếm không xuể

Chị trồng khá nhiều loại bầu

Bầu chuẩn bị được thu hoạch

Bầu hồ lô trên giàn

Chị Mai Lam cho biết, chị đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm làm đất của các cô chú, anh chị trồng rau trên sân thượng ở Tp.HCM. Vì vậy, chị cũng dễ dàng định hình được những thành phần cần mua để có được một vườn rau tươi tốt. Ban đầu chị ước tính bỏ ra khoảng 5 triệu để mua 30 thùng xốp, mua đất sạch, phân bò khô, tro trấu, xơ dừa, 3 tháp rau, 1 thùng xử lý rác và hệ thống vòi tưới, vòi nhỏ giọt. Để đất trồng đủ dinh dưỡng cho cây cối phát triển tươi tốt, chị Mai Lam đã chia sẻ bí quyết trộn đất gồm các thành phần: 1 bao phân bò, 1 bao đất sạch, 1 bao tro trấu xơ dừa. Khác với mọi người sau khi thu hoạch một đợt rau sẽ mang đất ra trộn và phơi để cải tạo đất, chị Mai Lam lại chọn phương án bổ sung chất dinh dưỡng vào mỗi chậu trồng rau. Hàng ngày chị tưới nước phân chiết từ hệ thống xử lý rác. Bên cạnh đó, cứ 1 tháng chị lại bón phân hữu cơ một lần để cây cối luôn tươi tốt.

Chị Mai Lam trồng đậu đũa xanh và tím

Thành quả chăm sóc sớm khuya của chủ nhân sân thượng

Chị tận dụng lan can sân thượng để tạo giàn trồng khổ qua

Hiện tại sân thượng nhà chị Mai Lam trồng khá đa dạng các loại rau quả. Chị sử dụng hệ thống giàn để trồng các loại cây leo như mướp, dưa leo, bầu (bầu tròn, bầu dài, bầu hồ lô), khổ qua, thiên lý, sương sâm lá trơn, sương sâm lá láng. Chị trồng các loại rau xanh như cải ngọt, cải xanh, rau ngót, rau mồng tơi, rau xà lách, rau hẹ,rau khoai lang, cây sâm đất… ở các chậu nhựa và thùng xốp. Các loại cây gia vị như ngò gai, lá lốt, bạc hà, cây lá cẩm, cây lộc quế, húng lủi, lá diếp cá, gừng, sả, nghệ… Không những thế, chị còn trồng thêm vài loại cây ăn trái cho sân thượng thêm đa dạng như mận, cóc, khế, sơ ri, chanh, ổi, táo Thái… Chị Mai Lam cho biết, mỗi khi rảnh rỗi chị lại ghé qua tiệm bán hạt giống rau quả trên đường Hoàng Văn Thụ để chọn mua các loại giống rau lạ về trồng thử.

Giàn mướp sai quả

Chị trồng đa dạng các loại rau quả để tăng thêm nhiều lựa chọn cho bữa ăn gia đình

Dưa chuột

Đậu bắp tím

Giàn hoa thiên lý mát mắt xanh tươi trên sân thượng

Hoa thiên lý được thu hoạch quanh năm

Cũng vì khá bận bịu với công việc dạy học nên chị không có nhiều thời gian chăm sóc, vun trồng cho khu vườn của mình. Cũng bởi thời gian hạn hẹp nên chị Mai Lam đã chọn hạt giống khá kỹ, mang về chị thường gieo trực tiếp lên đất trồng. Trước khi gieo hạt chị bón lót phân hữu cơ tan chậm (phân Úc) vào dưới đáy chậu, sau đó phủ một lớp đất rồi gieo hạt. Khi cây lớn chị chỉ tưới nước phân ủ từ thùng ủ xử lý rác hữu cơ. Sau khi thu hoạch chị lại tiếp tục thực hiện theo quy trình trên để cây lứa sau luôn tươi tốt, đủ chất dinh dưỡng để phát triển.

Rau mồng tơi xanh tốt

Lá to hơn bàn tay

Giàn mồng tơi mát mắt ở một góc sân thượng

Chị Mai Lam cũng trồng khá nhiều rau lang

Rau khoai mơn mởn

Chị Mai Lam cho biết, trên sân thượng của gia đình được chị trồng khá nhiều hẹ vì đây là loại rau mà hai cô con gái của chị thích ăn nhất. Chị thường dùng hẹ để nấu canh trứng, canh đậu hũ, trộn chung trứng và chiên lên. Hai cô con gái của chị khá hào hứng và thích thú khi được thưởng thức những món ăn được chế biến từ loài rau này. Chị cho biết, hẹ cũng là loại khá dễ trồng. Chỉ từ một bụi nhỏ sau có thể thành một thùng to bằng cách tỉa nhánh, tỉa cây con để trồng. Mỗi lần thu hoạch chị lại tiếp tục bổ sung phân hữu cơ tan chậm rải đều và dùng cào xới nhẹ cho rơi xuống đất để giữ vệ sinh cho rau khi thu hoạch. Mặt khác phân hữu cơ tan chậm dễ tạo lớp màng nên khi bón nên trộn phía dưới đất.

Rau hẹ xanh um

Hai cô con gái của chị rất thích ăn rau hẹ mẹ trồng

Rau ngót

Gừng

Ớt

Chị Mai Lam chia sẻ, để các loại cây ăn trái nói chung được sai quả, phát triển tốt, chị thường bón lót ban đầu, khi cây ra chồi non chị lại tiếp tục bón bổ sung các loại lân, kali, đạm. Khi bón ở giai đoạn này cần chú ý lượng lân và đạm nhiều hơn. Khi cây ra hoa, kết trái thì bón tương tự nhưng lượng kali nhiều hơn. Sau khi thu hoạch trái chị lại tiếp tục bổ sung phân hữu cơ tan chậm xung quanh gốc và trong quá trình cây phát triển vẫn tưới phân từ thùng xử lý rác hữu cơ.

Khế trồng trên sân thượng quả trĩu trịt

Từng chùm khế níu cong cành

Quả không đếm xuể

Sơ ri đang ra hoa và bắt đầu đậu trái

Táo

Chủ nhân khu vườn xanh tươi chia sẻ, công cuộc trồng rau sạch của bất kỳ ai cũng đều gặp phải vấn đề sâu bệnh. Khi rau trồng xuất hiện sâu, chị thường bắt trực tiếp. Khi rau bị nặng, chị thường sử dụng rượu ngâm với gừng, ớt, tỏi để trị. Chị cũng chuẩn bị sẵn dung dịch này với liều lượng: 1 lít rượu, 3 lạng ớt xay, 3 lạng tỏi xay, 3 lạng gừng giã nhuyễn, ngâm hỗn hợp này trong khoảng 1 tuần. Mỗi lần cần trị sâu bệnh chị hòa một muỗng cà phê với 1 lít nước để phun lên rau. Để trị rầy trên cây bầu, bí, mướp, chị cũng thường “chữa” bằng nước hòa loãng với nước rửa chén. 

Chanh

Ổi

Việt quất

Sung Mỹ

Để có nguồn phân bón hữu cơ cho rau củ quả, chị Mai Lam đã đầu tư một thùng chuyên đựng rác, xử lý rác hữu cơ và một thùng xử lý mai cua. Hệ thống thùng ủ rất tiện lợi trong việc trồng rau sân thượng, vừa tiết kiệm cho phí phân bón trong việc trồng rau, vừa tận dụng được nguồn rau thừa, rác dọn dẹp trên sân thượng mà không mất công vứt bỏ.

Thùng xử lý rác hữu cơ

Chị thường lấy nước chiết từ thùng để bón cho rau quả

Thùng xử lý mai cua

Lục Bảo

Thực hiện: depweb

13/07/2016, 20:36