Vùng tối dưới chân đèn - Tạp chí Đẹp

Vùng tối dưới chân đèn

Sống
Đang mơ màng, đến đoạn nhân vật chính mang gương mặt David Beckham trong áo body ba lỗ, cưỡi tuấn mã, đem hoa hồng đỏ tới trước cửa sổ nhà tôi, huýt sáo rõ to, và sẵn sàng nghênh chiến với hai con béc–giê rất to cùng dăm ba fan cuồng đã ngấp nghé xếp gạch giữ chỗ từ chiều tối… thì tôi choàng dậy bởi tiếng cánh cổng sắt khẽ rít nhẹ, tiếng bánh xe nhẹ nhàng lướt trên những viên sỏi nhỏ, vào garage.

Tiếng chân, không phải của đôi hia bảy dặm dũng mãnh mà từ đôi giày hiệu LV, nhẹ nhàng bước lên cầu thang, vào phòng. Tiếng xả nước trong phòng tắm rất gợi cảm, tiếng súc miệng, đánh răng, mùi nước hoa và nước cạo râu Burberry và sau đó là… tiếng bàn phím máy tính lách tách.

11 giờ đêm. Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu trong 15 năm làm vợ, làm mẹ của tôi?

Ai cũng bảo tôi đẻ bọc điều: chồng giỏi, con xinh, gia đình hai bên đều nền nếp, nhìn vào mọi thứ cứ sáng bừng, lung linh như một chiếc đèn phòng khách của những hãng đồ nội thất danh giá.

Nhưng ít ai biết 15 năm qua tôi đã sống như thế nào. Và chẳng ai ngoài tôi ra thấm thía cảm giác chống chếnh mỗi bình minh, nhìn vết lõm in trên chỗ nằm bên cạnh vì người đồng sàng đã khe khẽ dậy, xách gậy rời nhà ra sân golf từ sáng sớm.

Chúng tôi cưới nhau khi cả hai còn là sinh viên. Anh ấy năm cuối, còn tôi năm thứ ba. Làm chủ một gia đình, đã được nhập hộ khẩu thành phố, một căn nhà tập thể nho nhỏ của bố mẹ tôi cho làm của hồi môn giúp anh trở nên đáng tin cậy hơn hẳn so với các ứng viên khác cùng nộp hồ sơ dự tuyển vào văn phòng Bộ. Đường công danh của anh cứ lên như diều, kể từ dạo đó.

hôn nhân, cuộc sống vợ chồng 

Anh học tiếp cao học, rồi tu nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài, trở về, được bổ nhiệm một chức vụ không tồi trong một Bộ, rồi trở thành tổng giám đốc một liên doanh. Vài năm nay, công ty của anh làm ăn phát đạt, anh trở thành một hình mẫu trí thức – doanh nhân thành đạt, thường xuyên được mời đi nói chuyện với sinh viên mấy trường đại học, lên ti vi hay tham dự các hội thảo. Anh là cao thủ golf và huấn luyện viên võ thuật với rất nhiều người hâm mộ, ngoài ra còn là sáng lập viên một hội từ thiện. Ai cũng khen anh là con người đa năng, hoạt động không mệt mỏi với những đam mê rất nam nhi và khát vọng đóng góp cho xã hội.

Con tôi nhìn thấy bố trên ti vi nhiều hơn gặp ngoài đời. Ngày thứ Bảy anh đi đánh golf với sếp và các cộng sự. Ngày Chủ nhật, nếu không đi từ thiện, đến câu lạc bộ về thăm song thân, hay rẽ về quê thăm viếng họ hàng cho xứng danh trưởng họ, thì anh cũng cố thủ trong phòng làm việc với những cuốn sách và giáo án điện tử. Mẹ con tôi chỉ còn nhận biết sự hiện diện của anh qua tiếng gõ bàn phím lách tách.

Còn tôi nghỉ học từ năm thứ ba để làm mẹ và làm dâu: sinh liên tiếp 2 đứa con và phụng dưỡng bố mẹ anh từ quê ra. 15 năm liên tục, tôi không đến trường sở, cơ quan hay tham gia bất kỳ một hoạt động xã hội nào. Anh luôn nói với mọi người: tôi là hậu phương vững chắc của anh, nhưng hầu như ít khi nào anh mang theo “hậu phương” tới những nơi anh thường tụ họp.

Có cảm tưởng tôi bị kẹt lại thế kỷ 20, còn anh sống trong thế kỷ 21.

Trên ti vi hay trên mạng xã hội, anh hồ hởi tràn trề năng lượng bao nhiêu thì khi về nhà, anh mệt mỏi, cáu kỉnh, xa cách bấy nhiêu. Anh không nặng lời với tôi bao giờ nhưng hai vợ chồng càng ngày càng khó nói chuyện. Một năm, anh dành khoảng 2 tuần cho cả gia đình đi nghỉ ở nước ngoài, nhưng đến nơi, hai đứa trẻ con tự chơi với nhau, anh nằm thư giãn, đọc báo, lướt web xem tin tức hay cập nhật thông tin lên facebook. Anh bảo: “Cả năm đã mệt rồi, giờ là anh đi nghỉ, phải thực sự là nghỉ”.

Về kinh tế, mẹ con tôi chẳng thiếu thứ gì. Tôi có thể thuê tài xế nhưng thích tự lái xe đưa con đi học mỗi sáng, sau đó lang bang lượn phố vài vòng shopping trước khi trở về với đống phim bộ ở nhà. Nhưng tôi chả có cơ hội chưng diện dù áo quần đầy tủ. Có ai mặc đồ dạ tiệc, trang điểm thật đẹp chỉ để soi gương rồi nằm khoèo xem phim bộ?

Hai đứa con tôi cách nhau năm một, đều học trong trường quốc  tế, vắng nhà từ sáng tới chiều. Từ 9-10 tuổi, tụi nó bắt đầu chuyển sang nói tiếng Anh với nhau ở nhà, còn tôi không biết thêm từ nào ngoài hello, goodbye, see you…, nghiễm nhiên thuộc về hành tinh khác.

Khái niệm bạn bè của tôi đúng là xa xỉ. Vì tôi chẳng đi làm nên không có bạn đồng nghiệp. Mấy cô bạn thân thời đi học thì ngại đến nhà tôi chơi, phần vì gia cảnh của họ khác xa cuộc sống của tôi, phần vì họ sợ uy… chồng tôi. Những người đàn ông thành công thường hay thích kể chuyện của mình, và ít khi muốn lắng nghe người khác nói. Lúc đầu các bạn tôi còn tỏ ra hứng thú nghe chồng tôi nói, nhưng dần dần mọi chuyện trở nên nhạt nhẽo.

Có một cô bạn trong số đó mà tôi rất thích nhưng chồng tôi lại rất dè chừng. Tôi thấy cô ấy độc lập, có cá tính, hài hước, dám nghĩ dám làm, nhưng anh gần như ngăn cấm tôi kết bạn với cô này, vì sợ tôi nhiễm tư tưởng “phá rào” của cô ấy. Trong mắt anh, cô ấy là người phụ nữ hư hỏng.

Tôi cũng nghe mọi người hay lâng lâng cảm xúc khi nhắc về chuyện “tình cũ người xưa”, nhưng tôi chẳng có “người xưa”, cũng chẳng có tình yêu bọ xít thời ô mai ô sấu. Thì đã bảo chồng tôi có phẩm chất của một người đàn ông sự nghiệp từ thuở ấy, nghĩa là anh như một xạ thủ nhanh chóng xác định mục tiêu, nhận biết ngay ra người nào anh cần lấy làm vợ, đảm nhiệm tốt vai trò làm dâu, làm mẹ, thế là cưới, chẳng có màn vòng vèo tán tỉnh cò cưa lãng mạn.

Tôi mất luôn khả năng hờn dỗi vì cái gì cũng phải ưu tiên cho công việc của anh ấy, kế đến là ông bà và hai đứa nhỏ. Có những đêm nhạc hay, bộ phim hấp dẫn, muốn được mặc thật đẹp, xỏ đôi giày thật cao, trang điểm thật lộng lẫy, khoác tay chồng đến nhà hát, nhưng hình như suốt 15 năm nay, những dịp đó chưa đếm hết hai bàn tay, còn phần lớn là hẹn hụt, phút chót anh gửi một cái tin ngắn gọn: họp đột xuất hay bận tiếp khách.

Tôi không đủ dũng khí để nói thẳng với chồng, rằng cuộc sống cần phải khác đi một chút, chứ như hiện nay thì tôi không chịu nổi, vì chắc anh chẳng chịu nghe hết câu mà hỏi ngược lại tôi: “Như vậy với em chưa đủ sao? Vậy em thực sự muốn gì?”.

Nhưng dù anh có tán thành đi nữa thì thú thực tôi cũng không biết phải thay đổi thế nào? Đập vỡ ra, xếp lại, liệu có còn được như hiện tại? Điều này làm tôi hoang mang.

Đôi lần trong một vài cuộc tiếp xúc tình cờ, tôi bắt gặp ánh mắt trìu mến và sự ngưỡng mộ kín đáo mà anh dành cho các nữ đồng nghiệp. Họ nam tính, họ thông minh nhưng mới duyên dáng làm sao, vẻ quyến rũ toát lên từ sự tự tin vào bản thân, vào những hiểu biết xã hội và những thành quả lao động thực sự chứ không phải nét đẹp ngoại hình.

Tôi cũng ngưỡng mộ họ. Nhưng tôi thấy giữa tôi với họ là một khoảng cách tính bằng thế kỷ. Họ là cây nến tự cháy bằng niềm tin, nỗ lực bản thân, để phát ra một thứ ánh sáng dù nhỏ nhoi nhưng rất riêng biệt. Còn tôi tình nguyện chung thân dưới ánh sáng của chồng. Tôi có sự ổn định, an toàn mà họ không có được.

Nhưng dưới ánh sáng lung linh của một ngọn đèn bàn lớn trong phòng khách lộng lẫy, ít ai để ý đến vùng sẫm tối của chiếc chân đèn.

Trớ trêu làm sao khi ở tuổi 35, tôi chợt nhận ra mình chính là vùng tối dưới chân chiếc đèn ấy…

Bài: Thiên Nhai 

 

Thực hiện: depweb

18/10/2013, 18:05