Khi ba luồng sáng: người viết nhạc, kẻ làm thơ, thanh âm người hát, phím đàn người chơi nhạc, tập trung vào nhau… Nhật thực. Khi một vài mảng sáng khác, có khi mãnh liệt, có khi đang lịm đi lại cứ muốn rướn lên tìm một chút huy hoàng… Nhật thực 2?
1. Âm nhạc Ngọc Đại là một điểm sáng, một thế giới riêng biệt, chẳng lẫn lộn, cũng chẳng “loang” vào ai… Gọi là world-music thì không ổn chút nào, dân gian hiện đại cũng chẳng xong. Sẽ thật dị ứng khi phải bó buộc âm nhạc của Ngọc Đại trong bất cứ một thể loại nào, nên chăng tạm gọi đó là “không gian Ngọc Đại”. Đó là một không gian mở được nới rộng bởi cá tính sáng tạo đến lập dị của chính người khơi ra nó. Nơi mà mọi quy luật đều bị thách thức, đẩy lùi. Là không gian của những mảnh giai điệu được phơi bày trong hình dạng phôi thai, chưa được trau chuốt để ấp giữ mọi cảm xúc trong trạng thái “bản năng”. “Vô điệu thức”, tức phi giai điệu và vô hình thức, là thuật ngữ thường được nghe khi nhắc đến nhạc Ngọc Đại. Nhưng thử xem, nếu nhạc Ngọc Đại thật sự phi giai điệu thì làm sao ca sĩ hát? Hoàn toàn vô hình thức thì nhạc sĩ hòa âm có thể viết ra bản tổng phổ hoàn chỉnh được chăng? Gạt bỏ khái niệm “vô điệu thức”, dễ dàng nhận thấy một công thức chung được Ngọc Đại trung thành vận dụng trong sáng tác: sự đối nghịch với những tiêu chuẩn phổ thông, để chỗ cho những lầm tưởng về một thứ âm nhạc vô điệu thức thêm tăng dần. Cấu trúc bài hát bấp bênh, không nằm trong khuôn khổ truyền thống A-B-A-B. Những câu nhạc ngắn bất thường, lúc được kéo dài lê thê để hình thành cách hát “tụng kinh”. Rất bạo tay và phóng túng trong những đoạn chuyển hành âm, ca khúc vừa dễ gây phản cảm, vừa tạo cảm giác chênh vênh. Nhưng tất cả các xảo thuật trên đều sẽ bị lu mờ bởi một điểm nhấn cố định, hiện hữu trong mọi sáng tác của Ngọc Đại. Đó là một khúc nhạc (thường là ở đoạn điệp khúc, nếu có) dễ nhớ dễ thuộc, ấn tượng trong giai điệu lẫn ca từ. Và một đoạn cao trào đập vào tai người nghe, làm tỏa sáng cả bài hát sau những chuỗi nốt u tối, rườm rà. Cách viết của Ngọc Đại ấy có thể coi như một lối tư duy âm nhạc mở rộng, một vầng sáng trong không gian Nhật Thực (NT).
2. Khánh Linh, cũng là một vầng sáng vốn được kỳ vọng trong tương lai vươn đến hàng ngũ ca sĩ đẳng cấp. Diva-wannabe với giọng hát cao vút, trong trẻo và lung linh. Nhưng khi vầng sáng của Linh gặp ánh sáng Ngọc Đại thì Linh lại nhật thực. Trong NT II, cách hát đẹp, sạch sẽ của họa mi bị bóp méo cố tình để biến thành chất giọng đàn bà mà cô phải hóa thân vào. Linh tự quét một màu u tối lên những thanh âm trong vắt quen thuộc, rồi những lời thủ thỉ dịu dàng được vực dậy như bão tố. Cô chứng minh khả năng biến hóa của mình, nhưng lại chìm nghỉm trong cái bóng của Hà Trần, thậm chí của cô bạn cùng lứa Ngọc Khuê, những người đã thành công khi thể hiện nỗi khát khao của người con gái mới lớn. Không phải Khánh Linh đã không lột tả trọn vẹn nhân vật của cô, nhưng những gì mang đến đều là sự lặp lại. Nhất là khi Linh lại dùng cả phần bè “rất Hà Trần” trong những phiên bản mới của “Dệt tầm gai” (Đợi chờ), “Nghi ngại” (Hết duyên). Tiếc thay cho “Giọng mưa đàn bà” và “Thinh không”- hai bài bị bỏ, Khánh Linh thật sự bứt phá, tìm được lối thoát khỏi cái bóng Hà Trần, qua cách xử lý cao trào với một độ tưng mãnh liệt khó lường của một giọng hát kỹ thuật cao…
Tùng Dương – sao mai sáng nhất, cũng đã vùi mình khi gặp ánh sáng Ngọc Đại. Tương tự Khánh Linh, Dương bị lu mờ không phải bởi những khiếm khuyết kỹ thuật, mà do tự dẫm chân lên bóng tối khi lầm bước vào một con đường đã có người đi. Dương là một giọng ca thông minh, biến báo tài tình, nhưng không có nghĩa là anh sẽ thành công khi hát những sáng tác mà từ âm vực đến tâm trạng thực chất được viết riêng cho giọng nữ. Dương đã không thiếu biểu cảm trong Tự tình hoặc Mơ, nhưng một cảm giác phi tự nhiên vẫn thoắt lộ ra khi “hôn anh môi em ủ lửa”, “hoang vào loang vào em”. “Phía ngày nắng tắt”, được xem là bài đinh trong liveshow NT- Hà Trần, thì Cuối đêm của Dương còn rời rạc, không liền mạch cảm xúc để tạo được một dòng chảy. Với nhạc Ngọc Đại, Dương không nắn nót từng âm thanh để vạch trần cái bản năng mãnh liệt trong giọng hát. Do đó, anh cũng đánh mất luôn những nét tinh tế đáng quý của mình.
Khi đồng hành với Ngọc Đại, Tùng Dương và Khánh Linh đều biết quá rõ rằng, họ sẽ khó tránh khỏi sự so sánh với Trần Thu Hà, một “hào quang” cũ nhưng vẫn có sức ém giảm sự lan tỏa của ánh hào dương và quầng sáng lung linh.
3. Và cuối cùng, chính Ngọc Đại cũng không thoát khỏi hiện tượng nhật thực mà anh đã tạo ra. Chính anh cũng đang vùng vẫy trong khối sáng của chính mình. Sau những tuyên ngôn mạnh bạo về cá tính sáng tạo của thương hiệu NT, NT II lại chẳng mới cho lắm. Những con mắt khắt khe, sẽ gọi nó là phiên bản mới của NT I với 5 ca khúc cũ được viết lại lời (đôi khi nghe… như nhạc chế, vì những ấn tượng gai góc trước kia vẫn còn nguyên trong lỗ tai). Cuối đêm, Đợi chờ, Hết duyên, Mơ và Tự tình với phần ca từ được viết lại, đều phản chiếu khoảng bóng tối còn đọng lại trong lần NT đầu tiên. Cuộc chiến giữa các ego buộc nhạc sĩ phải loại bỏ nguồn cảm hứng khai sinh ra bài hát của NT. “Dệt tầm gai” bây giờ hiện thực trần trụi hơn trong Đợi chờ. Không còn ai Cài then tiếng khóc của em bằng đôi môi anh… hoặc Trần trên cát, chúng mình tìm nhau… (Mơ). Nghe NT II, mới hiểu rõ hơn vì sao cách đây 2 năm, Ngọc Đại lại cương quyết thà bỏ hai bài Mơ và Tự tình chứ không chịu sửa lời? Vẫn chung cách dụng từ táo bạo, nhưng ca từ của Ngọc Đại không giàu sức biểu tượng bằng Vi Thùy Linh, thậm chí vẫn còn nguyên những chất Vi Thùy Linh. Đâu phải dễ mà Ngọc Đại “đốt lên thành lửa ném lên trời” được tất cả đâu. Phần ca từ chỉ được in tên Ngọc Đại mà những dòng thơ đậm chất Vi Thùy Linh vẫn còn được giữ nguyên, như một khoảng tối trong tính cách chuyên nghiệp của NT nói riêng và trong cuộc tranh đấu bản quyền cho giới nghệ sĩä nói chung.
Thật khó hiểu khi Ngọc Đại loại bỏ bớt 3 bài sáng giá, ít ảnh hưởng NT Trần Thu Hà – Vi Thùy Linh nhất. Độc thoại tháng Giêng, bài song ca duy nhất, là nỗ lực tôn vinh khí nhạc trong một ca khúc Việt, dài tận 9 phút 45, vượt qua khuôn khổ thông thường một ca khúc nhạc nhẹ, minh chứng cho cách làm không giống ai của tác giả. Giọng mưa đàn bà là một đột phá trong lối phối khí của Đỗ Bảo, với tiếng đàn bầu biến hóa. Khác với những bản phối hàn gắn cấu trúc hỗn loạn của Ngọc Đại, lần này Bảo không vun đắp mà cũng nổi loạn, hoang theo giai điệu phóng túng của Ngọc Đại. Cuối cùng là Thinh không, thiển nghĩ đặc trưng nhất cho âm nhạc không gian của Ngọc Đại, với đoạn nhạc ráp nối không có kết thúc, lạc lõng trong không gian…
Bóng tối đã trùm xuống khi những nguồn năng lượng cọ sát, va chạm nhau, NT II đã thật sự bị che lấp. Những vầng sáng khi hòa nhập vào nhau lại sinh ra những vũng tối, mà ngay cả Khánh Linh, Tùng Dương vẫn chưa đủ sức để phục sinh ánh hào quang của 2 năm về trước. Nhưng có lẽ chính vì vũng tối ấy mà NT mới sống đúng theo ý nghĩa nguyên thủy của nó. Để mong những lần sau sớm trở thành một ấn tượng, một hiện tượng âm nhạc như nó đã từng…
(Phong Trần)