Vùng đất thiêng giữa sa mạc

Bảo tàng trên vách đá

Nằm trên vách núi Minh Sa giữa sa mạc Gobi, hang Mạc Cao được hòa thượng Lạc Tôn phát hiện một cách ngẫu nhiên vào năm 366 sau Công nguyên. Trong lúc tìm nơi nghỉ ở chân núi Tam Nguy – Đôn Hoàng, ông trông thấy cảnh tượng kỳ lạ khi ánh hoàng hôn tỏa ra vầng hào quang lấp lánh, vị hòa thượng tin rằng đây là miền đất lạ. Ông tìm cách thuyết phục những thương gia qua lại trên con đường tơ lụa và thuê người tiến hành đục chạm hang động trú ngụ – tu hành đầu tiên. Trải qua mười triều đại, từ Đông Tấn (mười sáu nước) cho đến nhà Đường, quần thể hang động Mạc Cao lên tới hơn 1.000 hang động và trở thành chùa hang đá lớn nhất Trung Quốc.

 Pho tượng Phật nhập Niết Bàn nổi tiếng với chiều dài hơn 15m.

Tượng Phật và các vị Bồ Tát được tạo tác từ triều đại nhà Đường (thế kỷ 8-9) – thời kỳ nghệ thuật điêu khắc đạt trình độ cao nhất.

Hành lang Hà Tây

Vị trí của hành lang là ở đoạn đầu tiên của con đường tơ lụa, kéo dài từ Trường An quan Lan Châu, Vũ Uy, Tửu Tuyền, Đông Hoàng, Gia Dục Quan, Ngọc Môn Quan… tới miền Trung Á, Tây Á và sang tận Địa Trung Hải. Gia Dục Quan nằm ở điểm hẹp nhất phía Tây của hành lang Hà Tây.

Thiên Phật Động (tên gọi khác của động Mạc Cao) được xem như một bảo tàng trên vách đá. Với chiều dài 1.610m, chứa hơn 3.000 pho tượng và khoảng 45.000m2 tranh trên vách đá. Hãy hình dung, khi nối các bức bích họa sẽ tạo được một bức tranh khổng lồ dài tới 30km. Năm 1900, một vị sư đạo Lão đã phát hiện một mật thất lưu giữ hơn 500.000 bảo vật gồm sách kinh, văn thư, đồ thêu, bích họa… Nhiều bảo vật trong số đó có niên đại lên đến cả ngàn năm tuổi. Phát hiện này từng gây chấn động giới khảo cổ đầu thế kỷ 20, nhiều học giả đã đi những quãng đường dài từ Châu Âu tới tận Mạc Cao để chiêm ngưỡng. Trong chưa đầy 20 năm, họ đã lần lượt lấy đi hàng ngàn cuốn kinh, các bức bích họa, điêu khắc… gây tổn thất lớn cho Mạc Cao.

Hiện nay, hang Mạc Cao chỉ mở cửa một phần trong tổng số 500 hang động. Dù chỉ được đặt chân đến một vài hang, song những tác phẩm nghệ thuật ở đây luôn khiến người xem phải trầm trồ, thán phục. Đó là những bức họa về các nàng Phi Thiên thon thả, bay bổng trong các điệu múa, về sự tích Đức Phật và các vị Bồ Tát, về sinh hoạt hàng ngày của xã hội ngày ấy như đi săn, hay lễ hội trong thành Đôn Hoàng… Hàng ngàn người thợ, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, trong suốt 1.000 năm, đã treo mình trên những vòm hang dốc đứng và vẽ dưới ánh sáng yếu ớt từ ngọn đèn dầu. Khi ánh sáng đèn pin rọi lên pho tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn dài 15m, với khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt khép hờ, thiêm thiếp vào giấc ngủ, phía sau là 72 hóa thân Bồ Tát và các Phật tử tiếc nuối khóc than, như rất nhiều du khách khác, tôi lặng người ngả mũ trước đôi tay tài hoa của những con người từng sống trên tuyến đường hùng mạnh ngày ấy.

Dãy núi Minh Sa chạy vòng ôm lấy một phần sa mạc trên cao nguyên Hoàng Thổ ở ngoại ô Đôn Hoàng – nơi đây khai quật được vô số hang động cao thấp khác nhau thuộc quần thể hang Mạc Cao nổi tiếng. 

Nổi bật nhất trong hệ thống hang động Mạc Cao là hang 96, còn được gọi là hang chín tầng nằm ở trung tâm sườn núi phía Nam, với mặt ngoài là một tòa lầu 5 gian, cao 7 tầng, mái lợp ngói.

Ngôi thành xưa đã gần 700 năm tuổi với tháp canh hiên ngang giữa cát bụi sa mạc.

Gia Dục Quan – Pháo đài của 99.999 + 1 viên gạch

Theo dấu chân của Trương Khiên (đời Hán) và Huyền Trang (đời Đường) trong những chuyến Tây du nổi tiếng, tôi bước chân đến Gia Dục Quan. Con đường nối Đôn Hoàng và Gia Dục Quan vẫn như cả ngàn năm trước, với đá, cát phơi mình dưới nắng gió sa mạc, khác chăng là đường thiên lý ngày ấy giờ là tuyến cao tốc 4 làn, với những cánh đồng tua-bin điện khổng lồ chạy dọc hai bên.

Gia Dục Quan là cửa ải nằm ở cực Tây của Vạn Lý Trường Thành, được xây năm 1372 (thời nhà Minh) để chống lại các cuộc tấn công của hoàng đế Thiếp Mộc Nhi, người sáng lập triều đại Timurid (1370–1405) ở Trung Á. 

Vọng gác trên các lớp thành lũy – nơi có thể phóng tầm mắt ra xa biên ải.

Gia Dục Quan là một tổ hợp kiến trúc với những mái ngói lầu gỗ cong vút.

Với cấu trúc hình thang, Gia Dục Quan có diện tích trên 33.500m², chiều dài 733m và cao 11m, gồm 3 tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước. Dạo bước trên quan đạo (đường dành riêng cho quan lại trong thành), lát những phiến đá mang nhiều vết lõm của thời gian, tôi cố hình dung ngược về quá khứ của gần 700 năm trước, khi những phiến đá này oằn mình ghi dấu quan binh tấp nập ra vào thành. Ngoài quan đạo, trong thành còn các lối đi khác như dân đạo lát nền đất dành cho dân chúng trong thành và mã đạo – con đường đá cho ngựa chạy lên mặt thành khi chiến đấu.

Truyền thuyết nổi tiếng nhất về Gia Dục Quan là câu chuyện 99.999+1 viên gạch. Theo đó, Dịch Khai Chiêm, nhà toán học lỗi lạc thời ấy, được giao nhiệm vụ thiết kế quan ải. Ông đã ước lượng chính xác số gạch cần xây thành là 99.999 viên. Tuy nhiên, viên quan coi thành nghi ngờ ước tính của ông. Để chiều lòng quan, Dịch Khai Chiêm đã thêm vào 1 viên gạch. Khi Gia Dục Quan hoàn thành, chính xác còn 1 viên gạch sót lại. Viên gạch thừa ấy vẫn được đặt trên cổng thành cho đến ngày nay.

Những nhân tượng to bằng người thật mô tả các quan văn, võ tại nha môn lên kế hoạch thủ thành.

Trải qua gần 700 năm, câu chuyện xây thành từ 99.999+1 viên gạch của Dịch Khai Chiêm vẫn khiến bao người ngưỡng mộ. Thành được củng cố vô cùng vững chắc; thêm nữa, may mắn là nơi đây chưa từng xảy ra chiến trận nên mọi thứ còn gần như nguyên vẹn. Giai thoại về Gia Dục Quan chắc chắn sẽ còn được lưu truyền mãi cho hậu thế chừng nào viên gạch thừa – “chứng nhân lịch sử” – còn nằm im trên bức tường thành.

Khu doanh trại đồng thời là thao trường dành cho binh sĩ.

 

Vạn Lý Trường Thành 

Đây là công trình được xây dựng để bảo vệ Trung Hoa khỏi các cuộc tấn công của người Hung Nô, Mông Cổ và các bộ tộc du mục khác. Thành bằng đất và đá, được xây dựng liên tục từ thế kỷ 5 TCN tới thế kỷ 16 SCN và có chiều dài 6.352km, chạy từ bờ biển Bột Hải tới Tân Cương. Thời Minh, Vạn Lý Trường Thành kéo dài 500km qua 9 tỉnh, 100 huyện và kết thúc ở cực Tây, Gia Dục Quan. Vạn Lý Trường Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới năm 1987.

Nhiều quan ải nổi tiếng dọc theo Vạn Lý Trường Thành, cùng Gia Dục Quan, có 2 ải quan đáng nhớ khác là Sơn Hải Quan và Nhạn Môn Quan. Sơn Hải Quan là cửa ải đầu tiên, gắn với sự kiện người Mãn vượt Trường Thành vào Trung Quốc, đánh dấu sự sụp đổ của nhà Minh và vai trò quân sự của Vạn Lý Trường Thành. Nhạn Môn Quan là cửa ải nổi tiếng trong “Thiên Long bát bộ” của Kim Dung, nơi được xem là đường ranh giới giữa Trung Quốc và Mông Cổ, địa thế hiểm yếu mà ngay cả chim nhạn cũng phải bay men theo vách núi để qua ải.

 

Bài & ảnh: Trọng Chính

logo


From the same category