“Vũ trụ nghệ thuật kịch nói” của nghệ sĩ Ái Như: Sáng tạo chính là say đắm mà đi

Một mình đứng giữa những hàng ghế trống phải đến trăm nghìn lần – khi thì ở vai trò đạo diễn tổng duyệt chương trình, khi thì đóng vai một người kinh doanh sân khấu muốn trải nghiệm cảm giác của khán giả để cải thiện chất lượng vở diễn, khi thì là khán giả; dường như lần nào, nghệ sĩ Ái Như cũng nghe trái tim ngân lên giai điệu cảm xúc mãnh liệt. Dường như đối diện với chúng tôi không còn là một người phụ nữ tuổi ngoài 60 với bao phen quyết liệt sống chết cùng nghiệp diễn mà là một cô thiếu nữ với tất cả tình thương, lòng say mê và nhiệt huyết, luôn bị thôi thúc bởi ánh đèn sân khấu, không ngừng dấn thân, không ngừng sáng tạo.

Thương chứ không chỉ là yêu

Cánh cửa sân khấu mở ra, một hàng dài khán giả chậm rãi di chuyển vào khán phòng. Nghệ sĩ Ái Như đứng ngay tại lối ra vào, nở nụ cười chào từng người một. Quá nửa họ là những người độ tuổi trung niên, còn lại là các bạn trẻ đi theo đôi, theo nhóm, số ít đi cùng gia đình. Vài khán giả thân quen trao cho chị những ánh nhìn trìu mến, những cái bắt tay ấm áp, những vòng ôm chân tình.

Tối đó, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh diễn vở “Nửa đời hương phấn” chuyển thể từ tuồng cải lương nổi tiếng cùng tên của hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng. Nghệ sĩ Ái Như diễn một vai chiếm thời lượng rất ít nhưng có sức nặng: mẹ của cô The – nhân vật chính, do nghệ sĩ Hồng Ánh sắm vai. Trước mỗi vở diễn, chị thường đến sớm để kiểm tra các công tác hậu kỳ và chủ ý đợi khán giả. Bất kỳ ai cũng sẽ cảm nhận được tình thương của chị dành cho sân khấu. Thương, chứ không chỉ là yêu hay đam mê. Tiếng Việt có chữ “thương” nghe sao mà ấm áp! Khi đã thương điều gì, đó nhất định phải là điều mình khắng khít và thân thuộc đến nỗi tình cảm xảy ra một cách tự nhiên, âm thầm và lặng lẽ.

Một vở diễn giống như bức tranh bốn mùa với sự biến chuyển của thời tiết. Khi cầm một kịch bản ưng ý trên tay, người nghệ sĩ vừa lo lắng, vừa ôm ấp nhiều hy vọng. Khi bắt tay vào chuẩn bị cho vở diễn, gặp chuyện không như ý sẽ không tránh khỏi thất vọng, buồn bực. Đến giai đoạn tập luyện, các nghệ sĩ sẽ trở nên hào hứng, tràn đầy năng lượng sáng tạo. Sau đó là thời kỳ khổ luyện với bao niềm trăn trở làm sao để cân bằng kỹ thuật biểu diễn và cảm xúc. Nghệ thuật sân khấu vừa ngẫu hứng lại vừa nghiêm khắc. Nghệ sĩ Ái Như trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc từ lúc bắt đầu đến khi tấm màn sân khấu mở ra, nhưng điều ở lại sau cùng với chị chính là cảm xúc thăng hoa trong đêm diễn. Người ta vẫn thường nói đùa nghề sân khấu là nghề “ăn hương ăn hoa” vì ngoài cái khoảnh khắc thăng hoa trên sân khấu ấy ra thì không còn gì khác – danh tiếng không, tiền bạc không. Chỉ bằng tình thương, sân khấu mới có thể tồn tại. Tình thương của nghệ sĩ dành cho sân khấu và khán giả; cũng như tình thương của khán giả dành cho vở diễn và nghệ sĩ.

Gia đình là điểm tựa

Tình thương của Ái Như lớn đến nỗi lan sang những người thân bên cạnh. Thật hiếm có một gia đình gồm các thành viên không theo đuổi nghệ thuật mà lại toàn tâm toàn ý ủng hộ người vợ, người mẹ sống với đam mê.

Những khó khăn của nghệ thuật kịch nói nhiều vô số kể. So với các bộ môn nghệ thuật khác, kịch nói xuất hiện ở nước ta khá muộn, những năm gần đây lại đang dần trở nên xa rời với khán giả trước cơn bão công nghệ. Từng có giai đoạn sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh nơi chị công tác tưởng như phải đóng cửa. Giờ đây, sân khấu hoạt động với các suất diễn theo mùa thay vì cố định hàng tuần. Cách thức hoạt động này giúp thu hút khán giả vào một thời điểm nhất định nên lượng vé bán ra tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn khác phải đối mặt. Ví dụ như ngày trước, tác giả và đạo diễn có thể thong thả hoàn thành kịch bản rồi mới mời các diễn viên tham gia. Nhưng bây giờ, trong lúc làm kịch bản, chị đã phải tính toán lịch diễn và ngắm nghía xem diễn viên nào phù hợp để gửi lời mời từ sớm, bởi diễn viên ngày nay còn có nhiều lựa chọn công việc khác.

Tình thương của Ái Như lớn đến nỗi lan sang những người thân bên cạnh.

Con gái chị là Hoài Như tâm sự: “Không rõ vì tôi thương mẹ nên thương luôn cả sân khấu, hay vì thương sân khấu qua tình thương của mẹ rồi mới thấy thương mẹ hơn. Có một lần, mẹ té xuống từ trên bục sân khấu cách mặt đất khoảng một mét rưỡi, bị nứt đốt sống. Chỉ cần chỗ bị chấn thương nghiêm trọng hơn một chút thôi là đã có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc ảnh hưởng đến khả năng vận động. Gia đình tôi lo sợ và bất an, nhưng biết làm sao được! Cả gia đình đều chứng kiến bao chông gai mẹ từng phải vượt qua để có thể tiếp tục gắn bó với nghề nên hiểu giá trị tinh thần của nghệ thuật kịch nói đối với cá nhân mẹ nói riêng và xã hội nói chung. Điều ấy vượt lên trên tất cả!”.

Khi nhắc lại những kỷ niệm thương đau (theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen), nghệ sĩ Ái Như vẫn vô cùng xúc động nhưng kể bằng giọng nhẹ bẫng: “Có những lúc mình rất là mệt, cạn kiệt từ tinh thần, thể xác đến túi tiền. Gia đình mình tuyệt vời không cần phải bàn, nhưng mà gia đình ủng hộ là một chuyện, mình đi được hay không lại là một chuyện khác. Khi mình vấp phải những khó khăn trong nghề nghiệp thì phải học cách chấp nhận, ngồi xuống bình tĩnh rồi tìm con đường mình sẽ đi. Gia đình là điểm tựa vững chắc, nhưng người làm nghệ thuật chỉ có thể đứng trên đôi chân của mình”.

Sáng tạo là say đắm mà đi

“Đối với tôi, sáng tạo chính là say đắm mà đi. Nếu không có lòng say đắm với điều mình làm, không có đủ hứng thú và sự yêu thích thì làm sao mình rơi vào trong đó với tất cả sự bay bổng và thảnh thơi được. Sự sáng tạo trong vở diễn không chỉ nằm ở một điểm nào mà giống như một cái cây từ dưới đất mọc lên và lớn dần. Trong cái lớn dần đó, cây sẽ đâm chồi nảy lộc, phân nhánh. Mỗi chi tiết mang một vẻ đẹp riêng ai nấy đều công nhận, nhưng nếu mình tách ra từng phần thì đó không còn là cái cây nữa. Cái cây nghệ thuật phải là một tổng thể hài hòa. Nếu kịch bản hay nhưng diễn viên không được tập kỹ càng, diễn xuất chưa đủ tốt, sân khấu chỉ dựng lên tạm bợ, không truyền tải được bối cảnh không gian của kịch bản đó thì cũng bằng không. Mình phải sáng tạo làm sao để cho khi người ta bước vào mấy chục thước vuông của sân khấu, người ta hình dung đó là một thế giới khác. Tất cả mọi thứ trên sân khấu từ kịch bản, bối cảnh đến diễn xuất đều cần sáng tạo.

Riêng đối với vai trò diễn viên, nguyên tắc nằm lòng của tôi là phải tuân thủ ý đồ dàn dựng bởi đạo diễn. Tôi phải tìm hiểu rất kỹ kịch bản. Sáng tạo không nhất định là tạo ra cái mới hoàn toàn mà có thể là tìm cách làm nhiệm vụ của nhân vật sao cho tinh tế nhất. Lúc tôi mới theo học ở trường nghệ thuật, thầy dạy là lúc nào cũng phải ám ảnh với nhân vật. Và ngay bây giờ, khi dạy học trò, tôi cũng nhắc học trò như vậy: phải luôn suy nghĩ về tác phẩm, ăn và ngủ cùng nhân vật. Nhưng mà, qua thời gian, khi việc diễn xuất đã trở thành lẽ tự nhiên, tôi luôn giữ tinh thần mình thật thoải mái khi bước vào và bước ra khỏi từng vở diễn, bởi vì đầu óc sạch sẽ, mình mới có không gian và thời gian cho nhiều ý tưởng mới” – Ái Như chia sẻ.

Vở “Nửa đời hương phấn” được chuyển thể từ cải lương sang kịch nói. Có một số khán giả sau khi xem kịch thì tìm nghe vở cải lương và cảm thấy ngạc nhiên vì hai phiên bản khác nhau nhiều, chỉ có một số lời thoại phù hợp với kịch nói được giữ lại. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển thể, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh vẫn giữ tinh thần cốt lõi của tuồng cải lương ngày xưa. The là cô gái ở miền quê lên thành phố mưu sinh, bị kẻ xấu hãm hại và bám riết khiến cô dẫu quyết tâm làm lại cuộc đời bao nhiêu lần cũng đều thất bại. Phân cảnh người mẹ sau những tháng ngày đau đáu ngóng tin con, gặp lại và phát hiện ra bí mật của con gái ở đoạn cuối của vở diễn chính là phân cảnh gây đau đớn nhất. Nghệ sĩ Ái Như chỉ xuất hiện trong chốc lát, nói vài câu bằng chất giọng vừa trong trẻo vừa khàn đục, ôm mặt khóc rưng rưng cũng đã khiến cho bao nhiêu khán giả phải lặng lẽ chùi nước mắt. Hai yếu tố chính làm nên nhân vật là suy nghĩ bên trong và hành động bên ngoài được Ái Như thể hiện chừng mực, tinh tế, gợi những cảm xúc vô cùng sâu lắng.

Hai yếu tố chính làm nên nhân vật là suy nghĩ bên trong và hành động bên ngoài được Ái Như thể hiện chừng mực, tinh tế, gợi những cảm xúc vô cùng sâu lắng.
Tác phẩm ra đời trong niềm hân hoan

Nghệ thuật kịch nói là một môn nghệ thuật dạy cho người nghệ sĩ sự khiêm nhường. Đối với nghệ sĩ Ái Như và tất cả những cộng sự của chị, điều quan trọng nhất luôn là làm sao để những tác phẩm được ra đời. Ra đời trong sự hân hoan chờ đón của khán giả cũng như trong sự thuận hòa – từ tác giả đến đạo diễn, diễn viên đều chấp nhận làm việc cùng nhau vì một tác phẩm tốt. Do đó, câu chuyện dẫn dắt như thế nào, chị và các cộng sự sẽ đi theo thế ấy chứ không cần phải cân đo đong đếm giữa cái tôi của người này với người kia.

Để làm được như thế, nghệ sĩ Ái Như vô cùng nghiêm khắc với bản thân: “Khi đọc kịch bản của một tác giả nào đó, đầu tiên, tôi phải thấy bị thu hút thì trong đầu mới lập tức xuất hiện những hình ảnh để chuyển thể từ ngôn ngữ trên văn bản sang nghệ thuật sân khấu. Sau đó, tôi sẽ phải làm việc song song với tác giả để đào sâu và cân chỉnh kịch bản. Khi tôi tự viết kịch bản hoặc đồng hành cùng viết kịch bản với tác giả khác cũng như thế, phải liên tục đưa ra phản biện để làm sao xây dựng được kịch bản sau cùng thú vị nhất có thể. Đôi khi, đi được nửa đường, chúng tôi buộc phải dừng lại vì chưa trả lời được những câu hỏi đặt ra trong việc thể hiện các tình huống trong vở diễn. Giai đoạn lên sàn tập là quá trình chính thức để tất cả mọi người hòa mình cùng nhân vật. Làm sao thuyết phục và biện giải để những người diễn viên thâm nhập vào nhân vật một cách thoải mái, yêu thích nhân vật như chính mình yêu thích kịch bản đó.

Trong trường hợp đọc kịch bản tác giả gửi đến mà tôi cảm thấy mình muốn làm việc khác, có nghĩa là tôi chưa bị thu hút. Những lúc như vậy, tôi thường ghi chú những điểm mà mình cảm thấy chưa ổn hoặc chưa phù hợp với quan điểm cá nhân tôi rồi trình bày với tác giả. Sau đó, chúng tôi có thể cùng nhau làm việc tiếp trên kịch bản, hoặc không. Viết một kịch bản rất khổ sở, tôi hiểu vì mình đã trải qua, nên khi ai đó muốn gửi gắm tác phẩm của họ đến sân khấu Hoàng Thái Thanh, tôi không muốn làm điều mà họ thấy không vui. Đó là cách tôi tôn trọng những đồng nghiệp của mình”.

Sân khấu kịch nói là nơi những xung đột trong đời sống được đẩy lên đến đỉnh điểm. Đó không phải là một nơi bình thường để ai cũng có thể bước vào hoặc bước ra. Hình ảnh Ái Như ngồi giữa những hàng ghế trống phản ánh trọn vẹn tâm hồn của người nghệ sĩ – độc lập, tự do, nhưng lắm nỗi cô đơn, có lúc quyết liệt, có khi yếu mềm. Không chỉ với việc sáng tạo mới cần “say đắm mà đi”. Ái Như say đắm ngay cả khi chị chỉ đứng yên nơi những hàng ghế trống và không làm gì cả!

FEATURE: TÂM HỒN KHÔNG TUỔI

Vẻ đẹp của xúc cảm, sự sáng tạo, lòng nhân từ, vẻ đẹp của ý chí kiên định, can đảm dấn thân…, những vẻ đẹp tâm hồn ấy hiển nhiên không có tuổi vì kể từ khi bắt đầu chớm hé trong người phụ nữ, chúng sẽ không bao giờ phai tàn mà theo thời gian, chỉ càng thêm nở rộ. Càng tuyệt vời hơn nữa khi người phụ nữ có thể uyển chuyển lưu dấu vẻ đẹp tâm hồn họ trong những trang sách, những thước phim, những tác phẩm nghệ thuật.

Thực hiện: Lê Ngọc – Ngọc Ánh

Đạo diễn – Nhà văn Xuân Phượng: “Trái tim nếu giữ được niềm ao ước sẽ không bao giờ già đi”
“Vũ trụ nghệ thuật kịch nói” của nghệ sĩ Ái Như: Sáng tạo chính là say đắm mà đi
Đạo diễn Diệu Linh: “Quá trình làm phim giúp tôi dần chạm vào hai chữ ‘tự do'”


From the same category