Vụ nổ Big Bang trong làng thời trang - Tạp chí Đẹp

Vụ nổ Big Bang trong làng thời trang

Thời Trang

45 năm sau, tại liên hoan phim Cannes, “Le smoking” vẫn tiếp tục gây “rắc rối”. Lần này, nạn nhân là những vị khách nữ bị từ chối tham dự bữa tiệc tối long trọng vì trang phục của họ “là của nam giới”.

“Cớm” thời trang

Sự cố thời trang tại Cannes làm người ta lại nhớ đến bà Nan Kempner, người đàn bà giàu có sống ở New York, khách hàng và là nhà sưu tập đồ haute couture nổi tiếng. Năm 1968, bà bị bảo vệ nhà hàng Le Côte Basque, quán ăn sành điệu của giới nhà giàu tại Manhattan chặn lại trước ngưỡng cửa vì trang phục của bà du nhập mốt mới nhất từ Paris – áo tunic mặc với quần dài. Bà Kempner cởi quần (gắn mác Yves Saint Laurent) đưa cho chồng, mặc chiếc áo tunic như váy ngắn để vào quán ăn tối. “Tôi cẩn thận lấy rất nhiều giấy ăn lót ghế và không dám cúi người xuống một lần nào”, bà nói.

Tại Paris, Xuân – Hè 1967, khi Elle hết lời ca ngợi phong cách mới của “le smoking”, bản thân các nữ biên tập viên thời trang của tạp chí lại không được phép mặc quần khi đến tòa soạn làm việc. Cũng đúng năm đó, Yves Saint Laurent lăng xê complê sọc có áo gi-lê và quần âu (3 piece suits) – đồng phục ban ngày với quần âu đầu tiên cho phụ nữ. Về sau này, ông cũng là người đầu tiên xóa đi ranh giới giữa trang phục bình thường ban ngày và lễ phục buổi tối.


Luật… cấm quần

Có lẽ ít ai biết chuyện năm 1799, cảnh sát trưởng Paris đã ra quy định rằng, bất cứ phụ nữ Paris nào muốn “giả trai”, tức là mặc quần tại nơi công cộng đều phải đến đồn công an để xin giấy phép đặc biệt. Quy định này được nới lỏng năm 1892 với ngoại lệ: phụ nữ được mặc quần nếu cầm dây cương cưỡi ngựa trên tay. Một lần nữa, vào năm 1909, quy định nói trên có thêm điều khoản: phụ nữ đi xe đạp hay cầm ghi-đông xe đạp cũng được mặc quần.

Rõ ràng là “quyền mặc quần” của phụ nữ được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của công nghiệp và thời đại, cụ thể là phương tiện giao thông. Nhưng điều thú vị hơn cả, về mặt pháp lý, cho đến bây giờ, quy định cấm phụ nữ mặc quần của cảnh sát Paris vẫn còn hiệu lực.

Tất nhiên là khi có luật thì cũng sẽ có người phá luật. Vào thập kỷ 1930, khắp nơi tại châu Âu, từ Paris, London đến Berlin, người ta có thể thấy rất nhiều các nữ sinh viên trẻ mặc bộ complê nam (có lẽ là họ noi gương minh tinh màn bạc người Đức Marlene Dietrich) để sánh vai cùng các bạn gái của mình. Đây cũng là lúc câu lạc bộ đầu tiên dành cho những người đồng tính nữ xuất hiện. Trang phục của họ hoàn toàn mang tính androgyny, xóa đi rào cản thời trang nam và nữ. Quần áo nam thể hiện định hướng giới tính. Các cô gái trẻ này “thật sự giả trai” khi khoác lên người bộ complê của nam giới.



Celine Dion gây sốc với chiếc áo khoác trông như mặc ngược

Tuy xuất hiện lần đầu tiên năm 1966 nhưng trong tiềm thức chung, “le smoking” được gắn với bức ảnh đen trắng nổi tiếng của Helmut Newton đăng trên Vogue năm 1975. Ông chụp cô gái trẻ đứng trên con phố vắng ban đêm, một tay đút túi quần, một tay cầm điếu thuốc lá, mái tóc cắt ngắn bóng mượt, rẽ ngôi. Cô mặc bộ complê với quần ống loe, cả trang phục lẫn cử chỉ giống hệt một quý ông sành điệu. Chỉ có chiếc áo sơ mi trắng cổ thắt nơ có thể làm cho người xem hơi do dự về giới tính của người trong ảnh. Thực ra, đây là bộ complê sọc màu đen, chứ không phải “le smoking”.

Phải sau một thời gian rất dài và hàng chục thiết kế “le smoking” muôn hình muôn vẻ của Yves Saint Laurent, chuyện phụ nữ mặc đồ nam giới dự tiệc buổi tối mới thật sự được chấp nhận. Còn “le smoking” trở thành hình tượng của sự sexy “bất chấp giới tính”.

Nửa kín, nửa hở

Khác với thời trang unisex bình đẳng nam nữ, ví dụ như bộ safari năm 1968 hay complê với quần âu mặc ban ngày năm 1967, mặc “le smoking” tức là mặc đồ đàn ông, nhưng phải cực kỳ sexy kiểu đàn bà. Điều này đòi hỏi một sự dũng cảm và phom người nhất định. Ví dụ như cô cựu người mẫu người Tiệp nổi tiếng Eva Herzigova trên thảm đỏ của Cannes vừa qua, trong bộ “le smoking” đen với quần soóc siêu ngắn. Dưới vạt áo vest không cài khuy, chiếc áo sơ mi ren trắng của cô đủ trong suốt để người ta nhìn thấy chiếc coóc-xê màu đen tương phản.
 

Trang phục Valentino trong bộ hình “Art & Commerce” trên tạp chí W tháng 10/2009.

Betty Catroux, người phụ nữ Pháp được Yves Saint Laurent gọi là “cô em sinh đôi”, kể rằng bà không cần bất cứ đồ dùng gì khác, thậm chí cả trang sức, khi diện bộ “le smoking” dự tiệc buổi tối. “Tôi mê vẻ bề ngoài đàn ông của chiếc áo vest, vuốt ve làn da, cơ thể của tôi”. Bà Betty Catroux cao dong dỏng, trông như một thiếu niên, được coi là cô gái với phong cách androgyny đã đem lại cho nhà thiết kế cảm hứng để thiết kế những trang phục phi giới tính. Bà là hình mẫu tượng trưng cho các cô gái trẻ của thập kỷ mới, trái ngược với hình ảnh những phụ nữ đầy đặn, vai thanh mảnh, ngực và hông tròn trịa của Dior.

“Le smoking”, cuộc chơi với giới tính trong thời trang, kết thúc giai đoạn ảnh hưởng của thầy Christian Dior lên trò Yves Saint Laurent – siêu sao sáng nhất trên bầu trời thời trang mới.

 Lukaz Nguyễn

Thực hiện: depweb

08/08/2011, 11:16