Trang sức đẹp nhất của người phụ nữ không phải chiếc nhẫn kim cương hay mặt dây chuyền sáng lấp lánh mà chính là nụ cười. Đó là lý do khiến Vũ Ngọc Anh quyết định làm một cuộc “cách mạng” với hàm răng của mình, dẫu cô đã được nghe không ít lời dọa dẫm: “Làm răng đau lắm!“
1. Niềng răng hay bọc răng sứ?
Hàm răng là chi tiết rất quan trọng trong việc quyết định dung mạo của một người, đó cũng là nơi phản ánh nhiều về tình trạng sức khỏe nhưng lại thường bị người Việt chúng ta lãng quên. Tiếp xúc với nhiều người nước ngoài, tôi thấy họ thật sự rất quan tâm đến răng miệng chứ không chăm sóc qua loa mặc kệ răng xô lệch hay xỉn màu.
Răng của tôi không quá khấp khểnh, nhưng tôi muốn nó hoàn hảo hơn, nên 2 năm trước, ở tuổi 24, tôi đã cậy nhờ đến nha khoa. Ban đầu, tôi định tiến hành nẹp kéo trong khoảng 1 năm đến 1 năm rưỡi, sau đó là tẩy trắng.
Nhưng vì tính chất công việc không thể đợi gần hai năm để có hàm răng đẹp, Ngọc Anh quyết định bọc răng sứ thay vì niềng răng. Thật ra nếu bạn có nhiều thời gian thì vẫn nên chọn phương pháp niềng. Bởi bọc răng sứ có thể đẹp ngay sau một tuần nhưng răng lại không sắc bén như răng thật và hơi ê buốt. Sau khoảng 10 năm, nếu như bạn không vệ sinh kĩ kẽ răng, chân răng, chất sứ sẽ bị ố, chuyển màu vàng, đen, xanh trông rất kinh khủng. Lúc ấy bạn buộc phải đi làm lại.
Ưu điểm của cả bọc răng sứ và niềng răng là trong chớp mắt, bạn sẽ có khuôn mặt đẹp hơn nhiều, bởi bác sĩ sẽ nắn khuôn hàm để tạo hình khuôn răng. Nếu bạn bị hô hay móm, thì đây chính là cơ hội tốt để khắc phục cấu trúc khuôn hàm. Nhưng cũng tùy vào từng cơ sở nha khoa vì không phải bác sỹ nha nào cũng biết cách và có thể làm đẹp. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên khi chỉnh nha là tìm được bác sĩ không chỉ có tay nghề tốt mà còn phải có mắt thẩm mỹ cao.
Tiếp theo, bạn phải xác định: đụng đến răng là giá rất đắt. Ngọc Anh chọn loại sứ tốt nhất: 8 triệu cho 1 chiếc răng. Tính thêm tiền lấy tủy, thăm khám, bọc sứ cho 20 chiếc răng, tốn khoảng 165 – 170 triệu. Hiện nay có rất nhiều địa chỉ làm răng với đủ loại giá cả nhưng bạn phải thật tỉnh táo. Đừng ham rẻ mà chọn chất liệu rởm, khiến răng nhanh ố vàng hoặc lõi không tốt thì đau lắm. Có người không chịu nổi, buộc phải nhổ hết răng, cắm răng giả vào mới cứu được.
2. Không đau nhưng mệt mỏi
Có nhiều người hỏi Ngọc Anh: “Bọc răng sứ thì có đau không?”. Tôi khẳng định là bọc răng sứ không hề đau mà chỉ mệt thôi. Mệt ở chỗ trong vòng 3 ngày mình cứ phải đi đi lại lại từ nhà đến phòng khám, và ngày nào răng cũng phải động đến máy móc.
Ngày đầu tiên khá vất vả, tôi phải khám tổng thể, thử máu, kiểm tra răng, chụp hình và bác sĩ làm cho tôi một cái khuôn răng giả. Ngày thứ hai, họ lấy tủy, tạo hình mẫu răng tương lai. Ngày thứ ba là ngày đáng sợ nhất: tôi bị mài răng. Do có tiêm thuốc tê nên tôi không cảm thấy đau nhưng chỉ cần nghe tiếng máy mài là tôi đã thấy lạnh người. Thời gian nằm mài cũng rất lâu, tôi phải há miệng hơn ba tiếng. Khi kết thúc, nhìn vào gương trông tôi rất mắc cười với bộ răng y xì của loài chuột.
Ngay sau đó, tôi được lắp hàm tạm thời do bác sỹ chuẩn bị từ hôm đầu tiên. Mấy ngày đầu, tôi vẫn ăn uống bình thường, nhưng nói thật, chỉ nhai như thói quen chứ không có cảm giác mình đang ăn cái gì.
3 – 4 ngày sau thì khuôn hàm chính thức được làm xong. Nếu là nơi tốt, bác sĩ sẽ tỉ mỉ lắp từng chiếc răng vào chứ không phải lắp ba răng một lần. Như vậy hàm mới không bị cứng và trông tự nhiên. Cuối cùng, tôi cũng có thể tự tin nhoẻn môi cười và thưởng thức được hương vị các món ăn như trước. Quan trọng hơn hết là quá trình sau đó, tôi luôn nhắc bản thân không được lơ là, dù là răng giả nhưng mình vẫn phải chăm sóc cẩn thận thì mới duy trì được màu răng.
Tùy vào nhu cầu của mỗi người, bạn có thể chọn niềng răng, tẩy trắng hay bọc răng sứ. Gần đây, Ngọc Anh còn nghe đến kỹ thuật tráng răng sứ. Đó là phương pháp mới nhất trong chỉnh hình nha khoa, chúng ta sẽ không cần mài răng, vừa giữ được răng thật vừa có được màu răng trắng sáng. Bạn thử tìm hiểu và cân nhắc xem sao nhé!