Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích một cách bí ẩn sau khi biến mất khỏi màn hình radar theo dõi khi đang trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Kể từ đó, không một dấu vết nào về chiếc máy bay được tìm thấy.
Tuy nhiên, các dữ liệu cho thấy máy bay đã đổi hướng và bay suốt 7 tiếng đồng hồ trước khi đâm xuống Ấn Độ Dương.
Hàng chục giả thuyết nhằm giải thích về sự mất tích kỳ bí này đã được đưa ra. Tuy nhiên, tổng thư ký Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), ông Raymond Benjamin cho rằng, nếu không tìm thấy máy bay, chúng ta không thể nào biết được nguyên nhân xảy ra tai nạn.
“Chúng ta không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra trong khoang lái, vì thế chúng ta cũng không thể biết đã có sự cố về an ninh hay an toàn bay. Chúng ta cũng chưa bao giờ gặp tình huống máy bay bay tới 7 tiếng đồng hồ trước khi đâm xuống. Nếu không tìm thấy xác máy bay, chúng ta không thể biết được gì,” Raymond Benjamin nói với Ibtimes.
Hồi tháng 5 vừa qua, chính phủ Australia cho biết sẽ tiếp tục bỏ ra 63,4 triệu USD để tìm kiếm chiếc máy bay MH370 trong vòng hai năm nữa, nếu cuộc tìm kiếm hiện thời không gặt hái được kết quả. Malaysia, Trung Quốc và Australia sẽ vẫn là các quốc gia lãnh trách nhiệm truy tìm. Tính tới thời điểm hiện tại, cuộc tìm kiếm đã kéo dài 16 tháng và tiêu tốn tới hơn 110 triệu USD.
Thiết bị dò sóng siêu âm do công ty Fugro của Hà Lan cung cấp cho cuộc tìm kiếm từng bị nhiều người cho rằng đã bỏ sót các dấu vết của xác máy bay rơi do chất lượng hình ảnh thu về càng lúc càng thấp khi chiếc máy xuống sâu hơn dưới biển.
Tuy nhiên, ông Paul Kennedy, giám đốc công ty Fugro đã bác bỏ những chỉ trích này và khẳng định các thiết bị đều sử dụng công nghệ tân tiến.
Theo: Mai Nguyễn/Vietnamplus