Vũ công Đào Phi Hải: Người thầy đặc biệt của ba đứa trẻ mồ côi mẹ

– Chưa đầy 20 tuổi, nhận nuôi cùng lúc 3 đứa trẻ – ngoài tình yêu thương bản năng có còn vì điều gì khác?

– Không có gì ngoài yêu thương bản năng. Tôi đã không nghĩ đến điều gì khác ngoài việc thấy mình cần phải mang 3 đứa nhóc này về nuôi, khi mẹ chúng qua đời và trước đó có cầm tay tôi gửi gắm con mình. Tất nhiên, sự ủng hộ của gia đình cũng rất quan trọng để tôi có thể đưa 3 đứa trẻ về sống chung một nhà.

– Không dễ để một người mẹ quyết định trao con cho người khác. Bạn có biết điều gì ở mình khiến mẹ lũ trẻ quyết định như thế?

– Lúc còn sống, cô ấy xem tôi cũng như con mình, dù chỉ biết nhau một thời gian ngắn. Cô luôn nói tôi là người rất nhiệt thành trong mọi việc. Có những mối gắn kết rất lạ giữa người này với người kia, ngay từ lần đầu gặp gỡ mà tôi không giải thích được.

– Vừa làm anh, làm bố và cả làm thầy truyền nghề vũ công cho bọn trẻ, không chỉ có tình yêu thương là đủ mà cần thêm nhiều kinh nghiệm. Bạn chuẩn bị cho những điều đó ra sao?

– Nuôi dạy 3 đứa trẻ đang tuổi lớn, đúng là không đơn giản chút nào. Tôi đang là một chàng độc thân, chưa có nhiều kinh nghiệm nên ba mẹ vẫn luôn bên cạnh để giúp đỡ tôi. Thấy điều gì chưa đúng, mẹ nhắc liền và hướng dẫn để tôi làm cho đúng. Đó cũng là những bài học để mình nhớ sâu hơn.

– Bạn đảm bảo về mặt kinh tế cho bọn trẻ bằng cách nào?

– Điều này là lo lắng đầu tiên khi tôi nhận nuôi 3 đứa nhỏ. Tuy nhiên, tôi may mắn luôn có nhiều người thương. Bản thân tôi cũng có nhiều người anh xem mình như em trong nhà, đó là thầy Hùng, anh Huy và các bạn trong nhóm tập… Mọi người hay giúp đỡ cả về tinh thần lẫn kinh tế và hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc nuôi các bé. Cứ tới tháng, mọi người lại góp tiền cho tụi nhỏ. Nhờ vậy, hiện tại, tôi có thể tập trung vào tương lai của mình để mọi thứ tốt hơn, việc nuôi dạy tụi nhỏ cũng sẽ tốt hơn.

– Khó khăn lớn nhất khi phải kiêm nhiều vai đối với những đứa trẻ bỗng nhiên gắn với cuộc đời mình là gì?

– Lo lắng về kinh tế lúc đầu, giờ đã được giải quyết. Từ khi có nhiều người biết chuyện này, mọi sự tốt hơn cho tôi và cả 3 bé. Tụi nhỏ có nhiều show hơn để diễn; có nhiều người còn mua giày dép, quần áo, dụng cụ học tập cho các bé nữa… Vì vậy, khó khăn còn lại là nuôi dạy làm sao để tụi nhỏ biết sống tử tế với mọi người.

– Bạn có thấy mình được gì khi nhận nuôi 3 đứa trẻ?

– Niềm vui. Lúc đầu chưa quen vì tự nhiên có thêm rất nhiều tiếng nói cười, cãi vã, giành đồ chơi trong nhà. Nhưng giờ, ngày nào không gặp tụi nó là rất nhớ.

– Bạn đã chuẩn bị cho việc sau này mình cũng sẽ có một gia đình và những đứa con?

– Tôi chưa dám hình dung đến ngày đó, dù bây giờ đã có bạn gái. Tôi nghĩ mình cần xây dựng sự nghiệp trước. Tuy nhiên, bạn gái tôi cũng rất thương tụi nhỏ. Lúc mới hẹn hò, tôi luôn phải dẫn theo Hào vì bạn gái rất thích Hào. Cô ấy cũng là người trong nghề, làm diễn viên múa nên chúng tôi có thể chia sẻ niềm đam mê này cùng nhau, cùng 3 đứa nhỏ.
Đào Phi Hải
– Nghề nghiệp: Vũ công
– Một trong những thí sinh nổi bật tại cuộc thi “Thử thách cùng bước nhảy 2015”

– Kinh nghiệm nào mà bạn có được sau lựa chọn chia sẻ cuộc sống của mình với những người hoàn toàn xa lạ?

– Khi quyết định làm việc gì, hãy hỏi trái tim muốn gì trước, rồi mới tới lý trí. Cho dù trái tim có thắng lý trí theo cách mang đến nhiều bất lợi cho mình thì vẫn không có gì ngần ngại. Khi làm bằng trái tim, bạn sẽ nhận được những điều không bao giờ ngờ tới.

– Nếu một ngày không còn làm bố của 3 nhóc nữa…?

– Tôi không có suy nghĩ giữ 3 đứa nhỏ bên mình suốt đời mà mong tụi nó rồi cũng sẽ trưởng thành, có thể tự lo cho cuộc sống của mình tốt nhất có thể.

Những người đưa đò đặc biệt

Có những ngôi trường mà mỗi ngày bố mẹ đón con về không cần hỏi câu quen thuộc: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Có những học trò mà mỗi ngày đến trường, ngoài con chữ còn nhận được điều lớn hơn là “sự sẻ chia, để thấy mình không lạc lõng giữa thế giới này”. Có những lớp học mà học trò và thầy giáo chỉ ngang bằng tuổi, vừa học vừa đập tay cười nói rộn ràng như ở trong một thế giới thần tiên nào đấy.

Đó là những lớp học đặc biệt được tạo ra bởi những người thầy đặc biệt. Đẹp đã tìm đến những nơi ấy để hiểu thêm về hai chữ “Làm thầy” và nhận ra thầy giáo nhí của hàng ngàn học trò – Đỗ Nhật Nam – đã đúng khi cho rằng: “Nội hàm của chữ ‘Thầy’ ngày càng được hiểu rộng ra”, để thấm thía lời bà giáo già 83 tuổi đã 18 năm cặm cụi với một lớp học tình thương dành cho trẻ em khuyết tật: “Tôi thấy mình đang sống!”, khi được hỏi: “Bà nhận được gì?”.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, xin được vinh danh họ – những người đưa đò đặc biệt!

Bài cùng chuyên đề:
– Thầy của kình ngư Ánh Viên: “Thầy trò chúng tôi đều không phải là tài năng”

 Đỗ Nhật Nam: “Tôi nghĩ mình chưa  đạt được đến chữ  ‘Thầy’ cao quý”
– Bà giáo già 83 tuổi Hồ Hương Nam: “Tôi biết mình đang…sống”
 Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thảo Vi: Làm thầy của những học viên áo sọc
– Mr. Luc Gheysens: “Không gì tuyệt vời hơn là giúp đỡ trẻ em học”
 Góc nhìn hài hước của đạo diễn Lê Hoàng: Thầy phải già và phải nghèo!


From the same category