Vũ Cát Tường: “Tôi không cố gắng để giống đàn ông”

Tôi là chúa do dự

– Vừa được xướng tên tại hạng mục “Nghệ sỹ mới của năm” của giải Cống Hiến, bạn có nghĩ đó là một dấu cộng đáng kể của mình trong sự nghiệp, kể từ sau The Voice?

– Đúng như tên gọi của nó, tôi quả thật là một người mới đến. Mới vừa đi ra khỏi một game show, đang thử sức và đứng trước một con đường có hai nhánh rẽ. Một là trở thành một kỹ sư y sinh, hai là một người hát và viết nhạc – mà giờ đây, tôi biết rằng không thể chỉ xem nó là một cuộc chơi đơn thuần được nữa. Tôi không thể chọn 1 trong 2, mà để có cả 2, chắc là mệt đây!

– Đó là do bạn “tham”, hay không biết cách dứt khoát?

– Đúng là tôi rất kém khoản dứt khoát và chính xác là chúa do dự. Cho đến khi buộc phải chấp nhận đó là hai con đường song song. Khi không thể “dứt tình” thì tốt nhất là chung sống và tìm cách dung hòa.

– Ngày trước, vì sao bạn lại chọn ngành y sinh nhỉ? Âm nhạc đến muộn hay vì bạn muốn trải mình trên hai thái cực?

– Âm nhạc không hề đến muộn, thậm chí nó đến lúc tôi chỉ mới 11, 12 tuổi. Nhưng lúc đó làm sao đủ gan chọn cả hai. Thật ra, lúc đầu tôi muốn theo ngành y nhưng nghĩ tới 7-8 năm học thì hơi khó cho mình, hoàn cảnh của mình, lại cũng không thích làm ở bệnh viện nữa. Nên tới lúc tìm được một ngành học có tính giao thoa mà không vướng phải mấy cái làm mình lấn cấn kia, lại linh cảm nó sẽ là một ngành mũi nhọn trong tương lai nên tôi mới chọn.

Vũ Cát Tường

– Vì sao gia cảnh khó khăn mà bạn lại chọn một trường quốc tế?

– Tại tôi luôn thích được học và làm việc trong một môi trường có yếu tố nước ngoài. Dù khi nhập học, mẹ tôi đã phải hớt hải chạy đi vay tiền. Nhưng tôi hứa với mẹ, chắc chắn tôi sẽ giành được học bổng, mà phải là học bổng toàn phần để không làm khổ mẹ. Thật ra, lúc đó tôi hứa liều cho mẹ yên tâm chứ cũng chưa biết chắc mình có làm nổi không. Nhưng cuối cùng, tôi đã làm được.

Bài ca “Đi học” là bài hát khó khăn nhất đấy nhỉ?

– Cho đến lúc này thì những khó khăn của tôi nói chung đều chủ yếu liên quan đến… tiền. Đã có lúc tôi từng nghĩ: kể mà mình có nhiều tiền hơn, chắc mọi thứ sẽ khác, đường đi của mình cũng sẽ được rút ngắn hơn. Nhiều lúc muốn đi tiếp mà bị tiền làm khó, thấy bức bối bất an lắm chị! Đáng nhẽ ra được đi thẳng cho nhanh thì lại buộc phải đi vòng, cực chứ! Nhưng tới lúc nhìn sang mấy người bạn có tiền, mà họ cũng vẫn loay hoay tìm đường, hoặc không buồn tìm đường, thì mình lại thấy tiền không phải là thứ quyết định.

– Bạn nghĩ, cái gì mới là quyết định?

– Là nội lực bên trong mình. Chính chị Nhung (ca sĩ Hồng Nhung – PV) khi định hướng âm nhạc cho tôi cũng từng khuyên tốt nhất nên đi lên bằng chính những thứ bên trong mình, thì mới mong tìm được cái riêng và mới có thể đi được đường dài. Đó cũng là lý do tôi chọn cho mình phong cách tomboy từ hồi The Voice đến giờ.   

– Điều đáng kể nhất bạn học được từ vị HLV The Voice của mình là gì? Sự khôn khéo chăng?

– Thật ra tôi không đủ tuổi để dùng từ “khôn khéo” với thầy mình. Rất nhiều điều đáng để học từ chị Bống. Nhưng cái làm tôi nhớ nhất, đó là chị ấy rất hay sử dụng một động tác đặc biệt khi đứng trước khán giả, nó thể hiện sự trân trọng khán giả vô cùng. Chỉ là một tiểu tiết, nhưng học được, rất khó.  

– Bạn vừa nói, sẽ tự vẽ chân dung của mình bằng chính những thứ bên trong mình kia mà, thay vì… bắt chước?

– Lắng nghe mình không đồng nghĩa với việc chỉ biết có mình. Để làm một người của công chúng, tôi nghĩ mình còn cần phải học nhiều thứ lắm. Học cách dứt khoát. Học cách trân trọng. Cách mở lòng. Và đôi lúc, cả cách giấu đi cảm xúc của mình. Không phải lúc nào cũng nên sống đúng với tình cảm của mình. Ngay cả cái đó cũng phải học. Nghe thì dễ, nhưng với một người rất ít giao du với bên ngoài như tôi, chắc là khó.

Rất tốn thời gian… “nghiên cứu bản thân”

– Ngoài những gì mọi người có thể thấy, bạn thường tiêu tốn thời gian vào những việc gì?

– … Nghiên cứu bản thân (cười). Mình là ai, mình muốn gì, mình mạnh về cái gì, tại sao mình lại thường hành xử như vậy, sao mình lại không thích ra ngoài… Câu hỏi thì nhiều lắm. Nhưng tóm lại chỉ cần một câu trả lời chung cho tất cả. Đó là do cái “cung” của mình: Cung Thiên Bình. Thấy bảo mấy người sinh vào quãng đó, ngày đó, giờ đó… thường có thiên hướng sống khép mình hơn người khác thì phải!

– Biết vậy sao còn dấn thân vô showbiz? Một cách “lấy độc trị độc”?

– Ít nhiều nó cũng là sự cân bằng. Vì so với việc cắm đầu cắm cổ học trong phòng lab, có thêm mấy vụ đi show… cũng đỡ. Đôi khi cũng phải học cách thoát ra khỏi một cái gì đó. Ngay cả cái cung của mình, vì dù sao đó cũng chỉ là bước sơ khởi thôi. Hiểu, chỉ là để biết mình biết người. Còn thì, nếu cần, vẫn phải học cách thay đổi…

– Một đôi lần, Facebook của bạn bộc lộ vài dòng status khá là “tâm trạng”. Có một sự thất vọng khó nói nào đó, đúng không?

– Thật ra thì đó không phải là những cú sốc. Chưa đủ. Mà chỉ là, có đôi lúc mình cảm thấy không tin vào sự thật thà của con người, giữa đời sống này. Lúc này rất khó tìm được những người thật thà với mình. Chính vậy mà khi làm nhạc, tôi chỉ muốn mang đến những điều thật thà.

Vũ Cát Tường

– Đó là cơn cớ của những bản tình ca? Thật thà mà có nhiều ở đó sao?

– Chứ không lẽ có ở chốn tiền bạc? Có đúng là có hai nơi cần đến sự thật thà nhất không? Một là tình yêu, hai là tiền bạc. Mà tiền bạc đưa vào âm nhạc thì khô quá đi! Nên chỉ có thể là tình yêu (cười).

– Yêu tới độ nào rồi mà đã dám nghĩ đến chuyện “nhận chân giá trị”?

– Kinh nghiệm thì thực ra không có nhiều. Bù lại là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, muốn nữ sẽ được là nữ, muốn nam thì sẽ là nam. Đến nỗi, suốt ngày đi nhận làm “quân sư quạt mo” như thật. Nói chung tôi thường rất khoái cái món… “nghiên cứu con người” (cười).

– Khuyên bảo có ăn thua không?

– Thật ra, người ta tìm đến mình, chủ yếu là để được trải lòng hơn là cần lời khuyên. Chị sẽ không chịu đi tập thể dục cho đến khi bác sỹ bảo chị béo quá. Sẽ không ai nghe lời khuyên của chị trước khi họ trực tiếp nếm trải. Tình cảm thì phải tự mình trải nghiệm, không ai có thể sống hộ ai. Tốt nhất là tự mình. Dù an toàn ra là nghe mấy người đi trước họ khuyên mình. Nhất là những người thành công, rồi họ kêu mình nên tránh chỗ này chỗ nọ. Ừ thì mình tránh, nhưng thực ra mình đâu có vui. Dù mình có thể được an toàn.

– Nghĩa là sẽ vẫn quyết lao đầu vào cửa tử, dù có trầy da tróc vẩy?

– Chuyện gì phải đến nó sẽ đến, không sớm thì muộn, một khi đã là “vận số” của mình. Không tránh được đâu chị!

– Bạn tin vào số phận?

– Tin hay không không quan trọng. Quan trọng là thái độ sống của mình, cách mình đối diện với nó thế nào, để khi việc xảy đến, dù thế nào thì cũng không quá quan trọng nữa.

Biết đâu sẽ có người giúp tôi tìm được nữ tính?

– Trông bạn thật ra rất khó đoán tuổi!

– Ừ, và thường là đoán sai. Có hôm tôi ăn vận như con nít, còn bị đoán là học sinh… lớp 3!

– Và còn khó đoán cả… giới tính nữa (xin lỗi, nếu như bạn không phiền!)

– Ô, không! Tôi thích là đằng khác. Như đã từng rất thích cái từ “xuyên giới tính” mà chị Hồng Nhung tặng tôi. Chị khuyên tôi: Em không cần biết mình là nam hay nữ, mà chỉ cần biết mình là Cát Tường, thế là đủ. Chị đã nói đúng cái điều mình thường cảm thấy mà không gọi tên ra được. Và đúng là chỉ cần biết thế, là đủ, để ít ra, nhận biết được mình là ai trong âm nhạc.

– Vậy trong âm nhạc, “mình” là ai?

– Thì đấy, là Vũ Cát Tường!

– “Mình là ai” trong âm nhạc có đồng thời “mình là ai” trong cuộc sống?

– Với tôi thì nó là một. Phải là một thì mình mới có thể sống thật được với chính mình và có thể thuyết phục được mọi người tin rằng mình chân thành. Không tạo dựng được lòng tin ấy, tôi nghĩ, khó mà đi được đường dài, với trường hợp của tôi.

– Sự chân thành giữa một thế giới màu mè ấy hả? Bạn tin sao?

– Chân thành phải kèm theo tinh tế, chứ không phải là khù khờ. Phải khéo léo cho người khác biết mình có cái gì, đấy mới là tinh tế. Và cái đó, cũng lại phải học.

Vũ Cát Tường

– Tới giờ này, bạn thấy công thức lựa chọn nào là ổn nhất?

– Là làm những gì mình cảm thấy mình được hạnh phúc nhất, mong muốn có được nó nhất – như mẹ tôi từng khuyên, lúc tôi đứng ở ngưỡng cửa chọn nghề. Một khi mình đã suy nghĩ kỹ, thì dù đúng dù sai cũng đừng quan tâm nữa. Vì lúc đó mình đâu còn con đường nào khác, ngoài việc gắng mà đi đến cùng những gì mình đã lựa chọn. Sống phải có chính kiến, nếu không chẳng hóa mình đi sống cuộc sống của người khác à? Rồi Trời sẽ không phụ lòng mấy người quyết liệt đó đâu, tin tôi đi!

– Bạn có thấy mình… đẹp trai không?

– Kể mà tôi không thấy thế thì với hình ảnh tomboy mà tôi tạo dựng, người ta cũng nghĩ vậy (cười)! Nên thôi, tôi không quan tâm. Cũng không trách họ được. Chỉ là cái cớ thôi mà!

– Vì sao lại phải tạo cớ?

– Vì tôi không sống cho mấy người đó. Tôi không cố gắng để giống đàn ông. Cũng như không cố gắng để khiến mình tràn đầy nữ tính. Có sao thì sẽ là vậy. Tôi chỉ đơn giản là làm những việc mình thấy thích.

– Và đẹp trai thật là thú vị?

– Ô, rất thú vị! Nghĩ coi, tự dưng được khen: Ô, sao hôm nay mày đẹp trai dữ vậy! OK, sao cũng được, miễn có từ “đẹp” là được rồi! Trai hay gái không quan trọng. Quan trọng là mình tự biết mình là ai.

– Nhưng đôi lúc, thấy cái bọn “nữ tính đầy mình” được chiều, bạn có thấy… thèm?

– Hay! Một chữ “thèm”! Thèm thì tôi không có thèm. Vì thực ra, mấy cậu bạn của tôi họ cũng chiều tôi dữ lắm, cũng galant như thường. Nhưng là, như chiều… một đứa trẻ con!

– Xuyên giới tính, rồi nhân tiện, xuyên luôn… tuổi tác?

– Ờ, hiện tại thì đành “chơi” cách đó vậy! Mà hiệu quả ra trò nghe chị! Có mấy người còn kêu: Ô, sao em… dịu dàng vậy (cười)!

– Nhưng cái cảm giác được một người đàn ông che chở, nó khác với việc được mấy ông anh che chở chứ?

– Biết thế! Nhưng biết đâu trong tương lai, sẽ có một người đàn ông đánh bật được cái “con bé đẹp trai” ấy và giúp mình tìm ra nữ tính (còn lẩn quất đâu đó) ở mình?

– Sợ là quả trứng phải có trước con gà kia! Sao không tự mình đánh bật nó đi cho rồi?

– Mình đánh bật thì rồi người khác thất nghiệp à? Phải để mấy người yêu mình họ có việc mà làm chứ, nếu như họ thực sự yêu mình.

– Bạn không quá đánh giá cao sự che chở của người đàn ông, một phần có phải vì bạn và mẹ đã từng sống thiếu điều đó?

– Hồi nhỏ, tôi từng hơi hận ba, và thường tự hỏi: Sao ba lại làm thế được, sao ba lại có thể bỏ đi? Và từng hạ quyết tâm sẽ chỉ gặp lại ba khi mình đã ít nhiều có được thành công, để nói với ba rằng: Con đã lo được cho mẹ. Nhưng Tết rồi, tôi đã đi gặp ba mình không phải để nói điều ấy. Đã đến lúc tôi hiểu được: Người lớn, họ có những cái lý của họ, nhất là trong chuyện tình cảm. Và khi hiểu ra rồi thì chỉ cần một cái nhún vai: Ồ, thì ra là vậy! Rồi tha thứ.

– Nhưng không như một “vết mưa”, mỗi nỗi đau đi qua sẽ để lại trong mình, ít nhất, một vết xước. Có quá khó để quên không?

– Khó đấy! Nhất là mình vốn là đứa sống rất tình cảm. Những vết xước, nhiều khi làm mình bị xuống tinh thần ghê gớm, và phải mất một thời gian dài để hồi phục. May sao, mình còn có âm nhạc để nhờ đó mà không bị những vết xước làm cho mờ mắt.

– Cặp kính cận có khi lại hay, nhìn đời mờ mờ ảo ảo?

– Không, trái lại, tôi lại luôn muốn nhìn đời rõ ràng. Càng rõ ràng càng tốt.

– Để tự vệ một cách tốt nhất?

– Cách tự vệ tốt nhất không phải là biết trước người ta sẽ làm gì với mình mà là kể cả biết trước, mình vẫn thấy bình thản trước họ và khiến cho họ cảm thấy khó mà làm gì được mình…

Bài: Thư Quỳnh
Ảnh: Thiên Minh

logo

>>> 5 tiếng. Chính xác là 5 tiếng. Cộng với 1 tiếng ngồi chờ. Cựu Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ mải chuyện quên ăn, không ít bận bật cười thích thú. Chẳng bù cho trước đó khăng khăng đòi trả lời phỏng vấn qua mail chứ nhất quyết không chịu gặp. Khả năng đối đáp hóa ra không phải là một vấn đề. Gầy hơn trong hình cũng là một điểm cộng đáng nói. Chưa kể, có những điều người ta chỉ có thể bộc lộ và “tiết lộ” khi thả lỏng.


From the same category