Tết Nguyên Đán đánh dấu sự khởi đầu mới, và là một trong những dịp lễ lớn nhất năm đối với một số nước Châu Á. Từ việc thưởng thức món ăn lạ miệng cho đến những màn bắn pháo hoa ấn tượng, hãy cùng Đẹp khám phá cách mọi người ăn mừng Tết Nguyên đán ở những vùng đất khác nhau nhé.
Có một điểm chung ở các nước là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, người người nhà nhà sẽ trang trí màu đỏ tươi và vàng lấp lánh trên khắp các con phố và cửa hàng. Theo văn hoá Trung Quốc, màu đỏ liên quan trực tiếp đến sự giàu có và may mắn, và các đồ trang trí màu đỏ được treo để xua đuổi Nian – một con quái vật giống sư tử sợ màu đỏ.
Ở các vùng của Trung Quốc, việc cắm hoa và cây ăn quả làm bừng sáng không khí trong nhà và ngoài đường. Ở Việt Nam, mọi người sẽ rước hoa đào, hoa mai, cây quất về để tô điểm thêm sắc xuân, trong khi tại Hàn Quốc, những chú chim như sếu hay ác là sẽ được trang trí bởi chúng tượng trưng cho tuổi thọ và sự may mắn.
Những bao lì xì màu đỏ sẽ mang đến “sự thịnh vượng” theo nghĩa đen với những người chưa lập gia đình trong dịp Tết. Còn khi bạn lập gia đình rồi, bạn sẽ là người phải rút ví và tặng lì xì. Tuỳ thuộc vào mối quan hệ với người nhận mà bạn có thể cân nhắc mừng tuổi nhiều hay ít. Thông thường, các sếp trong công ty cũng sẽ tặng bao lì xì cho những nhân viên chưa lập gia đình như một dấu hiệu của lòng biết ơn.
Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán được gọi là Seollal, phong bao lì xì màu đỏ sẽ bao gồm tiền mặt đi kèm với thông điệp khích lệ và lời chúc may mắn cho năm mới. Ở Tây Tạng, ngày lễ này được gọi là Losar, theo truyền thống trẻ em sẽ mang quà cho người lớn tuổi. Vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, các em bé sẽ mặc quần áo truyền thống và mang theo một giỏ đựng thịt, bánh bao hấp, trái cây, đồ ngọt và amdo balep, một loại bánh mì truyền thống cho người lớn đã thấm mệt sau cuộc vui thâu đêm.
Tết Nguyên Đán là thời điểm các chùa bận rộn hơn cả bởi mọi người thường đến đây vào mùng 3 Tết để thắp hương, cầu nguyện các vị Phật ban phước lành và may mắn trong năm tới. Tại Trung Quốc, nhiều ngôi chùa lớn cũng sẽ tổ chức lễ hội múa lân ở sân trong. Ở Việt Nam, mọi người cũng đi lễ chùa để xin chữ, hoặc phóng sinh để cầu mong cho một năm an lành, nhiều sức khoẻ.
Ở Tây Tạng, người ta dâng những tác phẩm điêu khắc bằng bơ được chạm khắc tinh xảo này làm lễ vật cho các vị thần. Với nhiều kích cỡ khác nhau cùng bản chất vô thường (có thể tan chảy bất cứ lúc nào), chúng nhắc nhở mọi người hãy hào phóng trong năm mới. Tất nhiên, việc tuân thủ các tập tục ngày lễ phụ thuộc vào từng cá nhân. Nhưng nếu bạn có ý định đi chơi xa dịp Tết Nguyên Đán, việc tìm hiểu phong tục tập quán của những nước bạn ghé thăm sẽ là chìa khoá khiến chuyến đi trọn vẹn hơn.
Ở Trung Quốc, từ “bụi” đồng âm với từ “cũ”, vì vậy trong ngày Tết Nguyên Đán, mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa kỹ càng để đón một khởi đầu mới, đồng thời gột rửa những điều không may mắn trong năm qua. Tuy nhiên, bạn cần lau dọn xong trước nửa đêm bởi việc dọn dẹp vào ngày đầu tiên của năm mới được cho là xui xẻo, nó có thể làm trôi đi những niềm vui, sự may mắn mới.
Ở một số nền văn hoá, Thần giữ cửa, người bảo vệ ngôi nhà là một trong những vị thần phổ biến nhất. Tại Việt Nam đó chính là ông Công, ông Táo, bắt nguồn từ thần Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Họ thường đi thành từng cặp, luôn đối mặt với nhau và bảo vệ ngôi nhà khỏi những linh hồn xấu xa. Trong dịp Tết Nguyên đán, mọi người thường treo hình ảnh của các vị thần trước cửa nhà để mang lại may mắn và bình an trong năm tới.
Chắc chắn ẩm thực là một phần không thể thiếu trong bất kỳ dịp lễ nào. Ở miền Bắc Trung Quốc, mọi người thường chuẩn bị và ăn jiaozi (sủi cảo) như một phần không thể thiếu của đêm giao thừa. Các thành viên trong gia đình sẽ được dịp dành nhiều thời gian bên nhau, hình dáng viên sủi cảo giống một loại tiền cổ nên được cho rằng sẽ đem lại nhiều may mắn trong năm mới. Với lễ Tsagaan Sar ở Mông Cổ, mọi người sẽ xếp những chiếc bánh quy tròn dài thành một tháp bánh ngọt để gợi nhớ đến Núi Sumeru – ngọn núi năm ngọn có tầm quan trọng thiêng liêng đối với vũ trụ quan của Ấn Độ giáo, Kỳ Na giáo và Phật giáo.
Người Hàn Quốc sẽ ăn tteokguk (súp bánh gạo) cho lễ Seollal. Với mỗi bát tteokguk mà họ ăn, họ được cho là sẽ già đi một tuổi nhưng chẳng ai có thể khước từ món bánh thơm ngon này. Nước dùng trong vắt tượng trưng cho một khởi đầu mới trong lành, trong khi những chiếc bánh gạo giống như đồng xu mang đến sự thịnh vượng. Ở Việt Nam, mâm cỗ Tết thịnh soạn bao gồm bánh chưng, giò chả, thịt gà, canh bóng,… kèm các loại mứt Tết tráng miệng thơm ngon, hấp dẫn.
Nguồn: Tổng hợp