Vợ giàu, chọn “cành cao” gặp gió lớn

Tình yêu có thể xuất phát từ sự chân thành, không vụ lợi nhưng cũng có thể là một sự toan tính, đắn đo. Đều là hành trình tìm kiếm hạnh phúc, nhưng đâu là hạnh phúc đích thực đối với những người đàn ông yêu và cưới con gái nhà giàu?

Những nẻo đường kiếm tìm

Điển trai, có học, Đức Lâm (27 tuổi, quê Tiền Giang, nhân viên ngân hàng, Q5, Tp.HCM) lọt vào tầm ngắm của rất nhiều cô gái. Thế nhưng, anh chưa chọn được ai trong số họ bởi ước mơ của Lâm là cưới vợ vừa giàu, vừa xinh để nở mày nở mặt với thiên hạ và có bệ phóng tốt. Sau những tháng ngày tìm kiếm, Lâm cũng tìm thấy được tình yêu, cô gái ấy tên là Thủy (23 tuổi, nhân viên phòng nhân sự, Q3, Tp.HCM).

Dù không xinh như “ra giá” ban đầu nhưng gia đình Thủy rất giàu có, ba cô được xem là một đại gia trong giới bất động sản, Thủy lại là con một. Đúng là người trong mộng! Lâm tấn công tới tấp, anh nghĩ ra nhiều chiêu để không chỉ chinh phục người yêu mà còn chinh phục cả bố mẹ Thủy. Quyết không để vuột mất “con cá lớn”, để ba mẹ người yêu không xem thường, Lâm liều vay tiền mua một căn nhà ngay trong thành phố như minh chứng về tài chính, bên cạnh tình cảm anh dành cho Thủy. Thấy con gái quá yêu thương Lâm, ba Thủy lúc đầu đắn đo nhưng cuối cùng cũng chấp nhận. Ngày cưới ba mẹ vợ chỉ trao chút quà gọi là, vừa để thử thách con rể, lại nghĩ tài sản của mình sau này cũng là của con, chẳng vội vàng gì.

Sau một năm “gồng” mình trả nợ, Lâm đuối sức. Khi đứa con ra đời vài tháng cũng là lúc giang hồ đến đòi nợ, lại còn đe dọa bắt cóc con. Chuyện vỡ lở, vì thương con cháu, ông bà nhạc không trình báo công an mà lặng lẽ chuyển hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản con rể để giải quyết vụ việc. Số tiền không quá lớn nhưng lòng tin họ dành cho Lâm giảm sút hẳn.

Bố mẹ mạnh tay, con chưa hẳn sướng

Không phải chỉ trao chút quà “gọi là” như ba mẹ Thủy, anh Quốc Dũng, chủ trại mộc chuyên sản xuất đồ nội thất ở An Giang “vượt mặt” cả nhà trai về cái khoản “của hồi môn” cho con gái. Trong khi sính lễ của nhà trai chỉ gồm 1 cây vàng 18K thì anh Dũng cho hẳn con gái hơn 2 cây vàng 24K kèm thêm một cửa hàng kinh doanh bia, nước giải khát ở chợ huyện, cách nhà chồng chừng 2 cây số.

Thế nhưng, anh con rể không quen, cũng chẳng thiết tha chuyện buôn bán vì trước giờ tự do, nay sáng, trưa, chiều, tối phải đầu tắt mặt tối với việc dọn hàng, tiếp khách, giao hàng… Mà anh này cũng mới 23 tuổi, vốn được ba mẹ cưng chiều nên tính vẫn còn ham chơi. Trước đây, bạn bè ai gọi một tiếng là xách xe, rồ ga và biến mất. Dù có vợ, tính cách ấy vẫn không thay đổi. Chỉ là, có mặt vợ, cũng ngán, sợ vợ mach ông bà nhạc thì lại lôi thôi, còn có nguy cơ mất “nguồn cung ứng vốn” lớn. Cho nên chỉ đến khi vợ mang bầu, một mình trông coi cửa hàng, anh này mới như “chim sổ lồng”, đóng cửa đi giao du bạn bè liên tục. Mối lái làm ăn mất dần, buôn bán lỗ vốn. Anh này ngọt nhạt xúi vợ về “mượn” tiền ông nhạc. Cô vợ cũng vài lần nghe theo. Nhưng rốt cuộc, cô phải dọn đồ về nhà mình vì thương ba mẹ và nghĩ mình bị lợi dụng.

Dù vô tình hay cố ý, lấy được vợ giàu đều là những cuộc tìm kiếm “nhạy cảm”. Có người lấy vợ giàu cốt chí để khoe khoang, sĩ diện. Lại có người “hy sinh” cuộc đời, lấy người mình không yêu, để đổi đời. Có người sau khi kết hôn, lại đua đòi ăn chơi, đòi phân chia tài sản, làm xáo xào nội bộ gia đình nhà vợ. Rõ là muôn hình vạn trạng quanh chuyện lấy vợ giàu.

Chưa kể nhiều gia đình dư dả, không biết “xài” sự giày có của mình hợp lý, mạnh tay chi tiền, nghĩ là mang lại cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc cho con gái, con rể nhưng lầm khi kết cục thì ngược lại.

Tuy vậy, cũng không thể nhìn bức tranh hôn nhân vợ giàu, chồng nghèo với một màu xám bởi thực tế đời sống cũng có rất nhiều người vì lòng tự trọng nên cũng tỏ ra e dè, dù tình yêu của họ dành cho cô gái là tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim. Để minh chứng tình yêu, để không bị gia đình vợ dòm ngó kiểu “chuột sa hũ nếp”, họ đã tự khẳng định mình để xây đắp một tình yêu đẹp.

Đằng nào cũng phải khéo

Trong hôn nhân, tác động từ phía gia đình, nhất là khi gia đình vợ giàu có, can thiệp quá sâu đến đời sống tình cảm con cái, ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc lứa đôi. Người con rể nếu không có sự chân thành, lòng tự trong và sự cầu tiến sẽ dễ khiến bố mẹ vợ giàu hoài nghi sự trung thực của mình, lo rằng người đó cưới vợ chỉ vì tiền. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng từ những điều ấy và dễ dàng bị lung lay. Làm sao để hóa giải những xung đột, sự hiểu nhầm tiềm ẩn trong mối quan hệ được xem là khá nhạy cảm giữa một bên là bố mẹ vợ giàu có với chàng rể và duy trì hạnh phúc?

Chia sẻ quanh vấn đề này, Ths Nguyễn Thị Thu Huyền – giảng viên Khoa tâm lý – giáo dục trường Đại học sư phạm TP.HCM cho rằng, cả cha mẹ vợ, con gái, con rể đều phải khéo léo trong cách cư xử, giải quyết các vấn đề, nhất là các vấn đề liên quan tới tiền bạc. Trước và sau khi kết hôn, cha mẹ vợ không nên hứa hẹn bất cứ điều gì về việc giúp đỡ tài chính. Sau khi kết hôn, gia đình vợ tránh có những khoản chu cấp nhỏ hàng tháng cho con gái hoặc cháu ngoại để tránh tâm lý ỷ lại của cả hai vợ chồng hoặc gây mặc cảm nhờ vả ở người con rể. Khi vợ chồng người con cần một khoản tiền lớn, chính đáng để phục vụ chuyện làm ăn, mua nhà, đất… thì gia đình vợ có thể cho vay mượn.

 

Tuy nhiên, phải có hợp đồng vay mượn và được công chứng ở cơ quan nhà nước rõ ràng. Lãi suất hàng tháng là phải có (có thể không nhiều như ngân hàng). Bố mẹ vợ có thể giữ lại số tiền lãi đó, sau này cho lại con cái khi cần nhưng nhất định, mọi chuyện phải rõ ràng.

Các cô gái trước và sau khi kết hôn cũng không nên “vô tình nói chuyện” về số tài sản của gia đình mình, tránh dấy lên suy nghĩ lợi dụng hay ỷ lại ở người chồng. Trong cư xử hàng ngày, không nên so sánh tiềm lực tài chính giữa hai bên gia đình, cần rạch ròi về mức đóng góp của cả chồng và vợ chứ đừng nghĩ mình con nhà khá giả, không cần tiền của chồng nên không yêu cầu anh ấy đóng góp. Làm như vậy để người chồng thấy mình có vai trò, trách nhiệm quan trọng với gia đình. Việc này cũng khiến người chồng mất dần đi ý nghĩ lợi dụng nhà vợ (nếu có).

Về phần mình, người chồng nếu thực sự không có ý định lợi dụng hay dựa dẫm gia đình vợ thì nên thể hiện rõ quan điểm của mình. Trước khi kết hôn, nên nói rõ vấn đề tài chính của bản thân.Nếu người vợ chấp nhận cùng chia sẻ mà không trông cậy sự giúp đỡ của cha mẹ ruột thì tiến tới hôn nhân. Nếu không thì cần chờ thời gian, thuyết phục người vợ, tránh tình trạng, ngườ phụ nữ do không quen sống cảnh khó khăn nên sau khi kết hôn lại quay về nhờ bố mẹ giúp và nảy sinh ý coi thường chồng.

Trong trường hợp phải nhờ đến sự giúp đỡ tài chính của nhà vợ, chàng rể nên làm đúng thủ tục vay mượn của pháp luật để ông bà nhạc thấy mình không có ý lợi dựng, nhưng vẫn thể hiện sự biết ơn về sự giúp đỡ đó, cố gắng trả nợ đúng hạn để gia đình vợ thực sự yên tâm và tin tưởng.

Theo Gia đình


From the same category