Vợ chồng son thêm con thành 4 - Tạp chí Đẹp

Vợ chồng son thêm con thành 4

Sống

Những ngôi nhà có trẻ em không thể nào ngăn nắp, gọn gàng thường xuyên. Chúng có sức… phá hoại khủng khiếp, nhưng vô hại đối gia đình. Chính bố mẹ của chúng lại tàn phá hạnh phúc khi mâu thuẫn nhau trong việc nuôi dạy con cái.

Không có thời gian

Không hiểu tại sao ngày càng nhiều vợ chồng trẻ hăng hái cưới nhau chẳng cần đến mùa. Năm 2007, năm heo vàng, theo các quản lý nhà hàng, khách sạn, số lượng đám cưới vào đầu năm tại Tp.HCM tăng gấp 5 lần so với năm ngoái.

Dù cập rập cưới để kịp có “heo vàng” nhưng khâu chuẩn bị cho hành trình lên xe hoa của các đôi uyên ương rất chu đáo, đặt tiệc nhà hàng nào, thực đơn ra sao… Nói cách khác, đa số các chú rể luôn nỗ lực để làm đẹp lòng người yêu trong ngày vui trọng đại.

Thế nhưng, khi vợ thông báo: “Chúng mình sắp có em bé” thì sau giây phút cảm động, vui mừng, các ông chồng vẫn chẳng có động thái gì lớn để chuẩn bị. Họ tư duy: “Con mình đẻ ra được, mình dạy được”.

Các ông chồng thương con, có trách nhiệm với gia đình, càng cố gắng kiếm ra tiền, vì theo họ: “Giá sữa tăng, học phí cao, đồ chơi trẻ con cũng không rẻ…”.

Do đó sự chuẩn bị hàng đầu của cả hai vợ chồng cho việc ra đời của một đứa con là tiền.

Vì thế, có con nhỏ, nhiều ông chồng thường xuyên vắng nhà, các bà vợ sống trong cảnh “Tô Thị ôm con” chờ chồng. Và đó là mâu thuẫn hàng đầu mà vợ chồng trẻ vấp phải.

Chị Như Thảo, một điện thoại viên, sau khi sanh con ngày càng héo hon không chỉ vì con nhỏ khóc đêm, mà vì chồng đi công tác lu bù.

Mỗi lần về nhà là mỗi lần anh phê bình vợ:

 “Trời ơi! Sao em không biết nuôi dạy con, nó ốm nhom, mà còn quậy nữa. Lẽ ra, em đừng có chiều con quá…” không để cho chồng hết lời, vợ tuôn ra một tràng:

 Thạc sĩ Quách Tuấn Khanh  Giám đốc Trung tâm huấn luyện Thành công & Hạnh phúc – chuyên gia phát triển con người: “Bạn muốn dạy con tốt, trước hết hãy đầu tư cho bản thân mình. Bạn muốn con trở thành người như thế nào, thì bạn phải làm hình mẫu”.

Nhà giáo Phan Thúc Xán Giám đốc Trung tâm tư vấn – giáo dục – hướng nghiệp trẻ Tp.HCM: “Không thể dạy con trong tình hình trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đứa trẻ sẽ tấp vào bên nào chúng cảm thấy có lợi. Cha mẹ, ông bà phải thật sự thống nhất phương pháp, mọi cuộc tranh luận nên diễn ra trước khi đứa trẻ ra đời”.

 “Anh đi suốt, con cái đau ốm, chỉ có một mình tôi lo toan. Mỗi lần, nó bệnh, đi bác sĩ, vào bệnh viện là mỗi lần nó trở chứng, sinh hư, lúc đó sao anh không có mặt bên cạnh để ‘uốn nắn’ con. Tôi chỉ biết cưng chiều con thôi, chứ biết làm gì nữa. Anh ở nhà mà dạy con, đâu phải con của riêng tôi”.

Hai vợ chồng mệt mỏi vì lời qua tiếng lại. Họ không còn thời gian để bàn bạc, thảo luận phương pháp dạy con. Chồng đổ thừa: “Con hư tại mẹ”, vợ tủi lòng: “Con có cha cũng như không”…

Không có điểm chung

Tiếp thu lời khuyên của các nhà tâm lý: “Dạy con bằng tấm gương”, chị Minh Giao, một nhân viên ngành đường sắt, áp dụng ngay cho việc giáo dục cậu con trai. Tất nhiên, chị rất cần gương sáng ngay trong nhà, nhưng lại không yên lòng vì ở ông xã tồn tại quá nhiều thói hư, tật xấu.

Chị bỗng thấy ông chồng mình trở thành “vật cản” trong công cuộc dạy con của mình. Từ ngày có con, chị nhắc nhở chồng liên tục: “Ông đừng coi phim nhiều quá, ông đừng hút thuốc nhiều quá, ông đi nhậu về đừng có lè nhè say sưa, phả hơi đầy rượu vô mặt của con…”.

Ông chồng nổi quạu, phản bác cách dạy con bằng kiểu tấm gương của vợ. Theo ông, “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính, bố mẹ có cố dạy cũng không bằng ý trời”. Để bảo vệ quan điểm của mình, khi tranh luận với bà vợ, ông chồng đưa ra dẫn chứng:

“Bà ngoại của thằng cu hiền lành ít nói, sao sanh ra cô nói quá trời quá đất. Sao hồi nhỏ, cô không rọi vào tấm gương của mẹ để trở thành một người phụ nữ dịu dàng. Cô hoàn toàn khác hẳn với mẹ của mình, là do ai? Chắc chắn, mẹ cô đâu có dạy con như thế”.

Vậy là cuộc chiến dạy con trở thành cuộc chiến dạy nhau. Cả hai cố tìm ra điểm xấu của nhau mà không hề giống cha mẹ của mình.

Cuộc tranh luận ồn ào giữa hai vợ chồng lại dạy cho cậu con trai 4 tuổi một bài học sinh động về phương pháp “phát hiện cái xấu” của cha mẹ. Về thăm ông bà ngoại, nó méc:

“Ba má con đều là người không ngoan, đi học mẫu giáo thế nào cũng bị phạt. Ở nhà, ba má hay cãi nhau, không biết thương nhau”.

 Ông bà ngoại nghe cháu kể, không thể làm ngơ, lên án anh con rể cố chấp, than phiền con gái không biết giữ lập trường. Ông bà ngoại lại đưa ra một phương án khác, yêu cầu thằng bé phải chững chạc đàng hoàng, không được xem phim đánh nhau, không được ăn nhiều kẹo…

Vậy là cậu cháu không ham về thăm ngoại nữa, nó nói ông bà không thương con.

Vậy là từ ngày có thêm một thành viên nhí trong nhà, quan hệ giữa các thành viên cũ: vợ chồng, cha mẹ, ông bà… đều rối loạn. Ai cũng thấy mình mới là người có khả năng giáo dục trẻ, và phủ nhận phương pháp của người khác.

Anh Trần Quang rất chuộng việc dạy con theo các nhà tâm lý. Anh tìm mua tất cả những loại sách đang “hot” như: “Dạy con làm giàu”, “Trở thành người thành công”…

Nhưng chị Thu Hiền, vợ anh lại nghi ngờ: “Mấy người viết hay, nói hay, chắc gì đã dạy được con. Anh không biết câu “Bụt chùa nhà không thiêng sao?”.

Theo chị: “Con ai, người đó dạy. Người ta đâu có biết con mình mặt mũi ra sao mà học theo họ rồi dạy con mình. Đứa trẻ nào bản chất của nó cũng tốt đẹp sẵn. Người ta hay bảo trẻ em là thiên thần đấy thôi. Khi nó lớn lên, đi học, đi làm, nó hư là do môi trường không tốt, không trong sạch. Mình có dạy mấy cũng chẳng được như ý mình muốn”.

Ông chồng nổi cơn điên: “Trời! Nói như cô là quề trớt rồi, vậy tôi với cô rảnh quá, đẻ thêm vài đứa nữa đi”. Nhưng chị vợ không muốn bàn tiếp với ông chồng “khù khờ”.

Chị sẽ đơn phương trang bị cho con vài “chiêu” để tồn tại giữa “dòng đời đục trong”. Theo chị, con cái phải cực kỳ khôn ngoan, khéo léo… mới “vượt lên chính mình” trong cuộc sống đầy may rủi, chông gai này.

Vì quan điểm trái ngược nhau, nên giữa chồng và vợ dần dần có một khoảng cách. Cả hai chỉ có chung một “đường lối” là cố gây ảnh hưởng đối với đứa con.

Nhiều gia đình ở thành phố không tha thiết sanh nhiều con. Vì thế, khi một đứa trẻ ra đời, bên nội lẫn bên ngoại đều muốn “độc quyền” nuôi dạy.

Chị Diệu Thu phải chia lịch để đưa cậu con trai về nội, về ngoại thật… công bằng. Mỗi lần gặp cháu, bà nội lại xuýt xoa: “Chắc bên ngoại cho nó ăn nhiều quá, làm thằng nhỏ béo phì rồi, tội nghiệp cháu tôi. Phải chi cháu ở nhiều bên nội, thì đâu có sao”.

Bà ngoại gặp cháu cũng than: “Trời, cứ ở bên bà nội về, là thằng nhỏ ăn nói dữ dằn, còn hay la hét nữa, không biết nó bắt chước ai”. Cứ vậy mà sui gia giận hờn, không nhìn mặt nhau, không ưa luôn cả con dâu, con rể.

Những đứa trẻ ra đời luôn mang niềm vui, nhưng niềm vui kéo dài hay không còn tùy vào trình độ hiểu biết, quan điểm của người làm cha mẹ.

 Nhiều người tự nhận mình khổ vì con, nhưng thật ra con mới là “nạn nhân” của những bậc cha mẹ theo trường phái “mình đẻ được, thì mình dạy được”.

 Phước Chung

 

 

 

Thực hiện: depweb

11/09/2007, 10:38