Ngày cưới, hầu như các cặp vợ chồng đều được ngợi khen là xứng đôi vừa lứa, "đúng là trời sanh một cặp"… Thế nhưng, sau một thời gian chung sống, không ít ông chồng, bà vợ lại ngại xuất hiện bên cạnh người bạn đời. Hôn nhân, vì thế, như con thuyền sắp gặp dông bão.
Độ chênh
Kiều Phương là trưởng phòng kinh doanh của một công ty liên doanh với nước ngoài. Thành đạt trong công việc, duyên dáng trong giao tiếp, thế nhưng về đến nhà, cô lại mệt mỏi trong cuộc sống hôn nhân. Ngày còn là sinh viên khoa ngoại ngữ trường Đại học Sư phạm, cô khấp khởi vui mừng khi lọt tầm ngắm của Minh, một cán bộ Đoàn khoa Văn, năng nổ, có giọng ca trầm ấm. Tình yêu sâu đậm dẫn đến một đám cưới giản dị nhưng ngập tràn hạnh phúc.
Giỏi tiếng Anh, biết tiếng Hoa, Phương dễ dàng được tuyển vào những công ty liên doanh. Môi trường làm việc với những cộng sự người nước ngoài tạo điều kiện để cô có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, rèn giũa cho cô nhịp lao động khẩn trương. Cô tiến bộ rất nhanh khi tiếp cận với kiến thức kinh doanh, mở được nhiều cánh cửa vào con đường công danh.
Trong khi đó, Minh vất vả lắm mới trụ được ở một nhà văn hóa ngoại thành. Công việc khá rảnh rỗi, nhưng thay vì học hành thêm, anh lại thích bù khú bạn bè, lai rai bia bọt sau giờ làm việc. Anh tự trấn an gặp gỡ bạn bè cũng là dịp tìm cơ hội làm ăn. Tiền bạc lo cho gia đình, anh không phải bận tâm vì vợ có thể lo liệu.
Đến một ngày, anh nhận ra mình như người thừa trong nhà, nhìn quanh mọi thứ đắt tiền đều do vợ anh mua sắm. Mỗi lần gặp gỡ bạn bè, ai cũng trầm trồ khen ngợi Phương giỏi giang, năng động. Họ cho Minh may mắn. Những lúc đó Minh buồn lắm, anh cảm thấy mình… tội nghiệp, thảm thương bên cạnh bà vợ rực rỡ. Anh lao vào nhậu nhẹt, vui chơi, tìm cớ vắng nhà.
Xã hội ngày một phát triển, nhiều cơ hội tiến thân cho cả hai vợ chồng, và cả hai đều bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội. Không phải ai cũng về đích ngang nhau, cùng đạt được bằng cấp, thành công như nhau. Vì thế, không thể không có độ chênh giữa hai vợ chồng. Nhưng điều quan trọng đáng quan tâm là xử lý độ chênh đó như thế nào. |
Thấy vậy, Phương bắt đầu cằn nhằn, trách móc chồng. Cô buông ra những lời cay đắng: "Anh không làm ra tiền thì cũng đừng có phá hoại", "Anh không đi học thêm, không đi làm thêm thì ở nhà chăm sóc con"…
Đối với Minh, đó là kiểu nói của… sếp. Anh cho rằng giữa hai vợ chồng có một độ chênh quá lớn, nên không thể đi chung tiếp trên một con đường. Minh không lớn tiếng, nhưng sự im lặng của anh còn ghê gớm hơn. Tự ái trỗi dậy, họ đã nghĩ đến chuyện chia tay.
Cũng có không ít ông chồng theo đuổi sự nghiệp, danh dự, địa vị "kiếm vàng ngựa sắt", vật lộn sóng gió thương trường, chính trường… Còn bà vợ thủ phận nội trợ, sống cảnh "chim nhỏ nương thân", giữ gìn tiết nghĩa, mong ngóng chồng về. Vì vậy mà tâm lý vợ chồng ngày càng khác biệt, những bước bên nhau bắt đầu ngượng nghịu, nặng nề, cọc cạch, và đôi khi dẫm vào nhau rất đau.
Ông Khánh Vinh, kỹ sư nông nghiệp của một Viện nghiên cứu, đang là nhân vật gây chú ý với nhiều công trình nghiên cứu khoa học thành công. Trong số đông ngưỡng mộ, có không ít cô sinh viên tới lui, xin học hỏi kinh nghiệm. Chẳng mấy ai nhắc đến bà vợ âm thầm lo chuyện bếp núc, nuôi con, để chồng yên tâm làm khoa học.
Mừng cho thành công của chồng, nhưng bà không khỏi tủi thân, ghen bóng, ghen gió với chồng. Đúng là bà không thể hiểu hết những gì ông viết ra, ông mang đi báo cáo khắp nơi. Bà lại càng không rành ngoại ngữ, để có thể giúp chồng tìm tài liệu, như cô thư ký của ông. Ông lại hay khen cô ta thông minh, hiểu ý ông.
Sống với bà vợ nặng trĩu tâm tư, ông chồng vẫn vô tư, không hề hay biết, cứ mải mê với sự nghiệp. Những lúc đi dự tiệc tùng, chiêu đãi, chúc mừng, khi bà vợ từ chối không đi vì bận bịu, vì hơi mệt, vì không thích chỗ đông người, ông thản nhiên đi một mình vì tin chắc bà vợ nói thật.
Vợ chồng cứ ngày càng xa nhau. Ông chồng thấy vợ mình tránh né trò chuyện, như không còn muốn chia sẻ vui buồn với ông. Còn bà vợ thấy chồng "quá chảnh" từ khi ông trở thành "người đương thời" của thiên hạ.
Bà Thảo Thành, một tiểu thương ở chợ Tân Định, lại cảm thấy mình ngày càng chênh về ngoại hình. Ngày đám cưới, ai cũng bảo họ là một cặp vào loại nhất, vì đạt tiêu chuẩn "gái hơn hai".
Nhưng đến năm nay, ông tròn 40 đầy phong độ, còn bà "gái hơn tứ tuần, nát như bã đậu". Đấy là lối ví von của mấy người ham đùa, nhưng bà lại thấy đúng với bản thân mình.
Bạn bè của ông đến nhà, gặp bà kính cẩn chào vì tưởng bà là… chị hai của ông. Tuy vẫn được chồng yêu thương tôn trọng, nhưng bà luôn cảm thấy bất ổn, có cảm giác như ông phải "giả vờ yêu vợ". Mỗi lần ông về trễ, đi sớm, bà lại suy diễn lung tung. Bà muốn đi tập thể dục, đi tút lại nhan sắc, nhưng không kiếm đâu ra thời gian. Bà ngại mỗi lần soi gương, nhát chuyện chăn gối.
Ông cứ ngày càng phây phây, trẻ trung, hoạt bát, giao thiệp rộng rãi, không để ý đến nỗi buồn của bà. Còn bà, càng buồn lại càng già, càng héo hắt.
Kê chỗ lệch
Cũng có không ít cặp vợ chồng luôn có ý thức hạn chế những khoảng trống phát sinh trong mối quan hệ hôn nhân. Xã hội ngày một phát triển, nhiều cơ hội tiến thân cho cả hai vợ chồng, và cả hai đều bình đẳng tham gia các hoạt động xã hội.
Một bí quyết chung được mọi người tán thành, là cả hai vợ chồng cần một quan điểm sống cao thượng, khoan dung với nhau, cùng hiểu nhau, và cùng chờ đợi nhau mỗi ngày. Và điều mà cả hai cùng chung sức vun đắp, dựng xây, đó chính là TÌNH YÊU. |
Thế nhưng, không phải ai cũng về đích ngang nhau, cùng đạt được bằng cấp, thành công như nhau. Vì thế, không thể không có độ chênh giữa hai vợ chồng. Nhưng điều quan trọng đáng quan tâm là xử lý độ chênh đó như thế nào.
Trong một buổi gặp gỡ tại câu lạc bộ gia đình hạnh phúc quận Phú Nhuận, khách mời được nghe kinh nghiệm của bà Hưng Yên, một phó giám đốc công ty may mặc. Lúc bà tiến tới vinh quang, thì ông chồng lại… vào danh sách nghỉ hưu. Ông trở nên lặng lẽ, ít nói, cảm thấy cô độc, không khí gia đình như ở giữa mùa tuyết lạnh.
Bà Yên nói : "Tôi đã đến gặp nhà tư vấn, và sử dụng chiêu “tương tâm tỷ tâm, hoán vị tư khảo”, có nghĩa là tự đặt mình vào hoàn cảnh của người, để hiểu người. Cụ thể là tôi năng trò chuyện với ông xã, hiểu rõ tâm trạng của anh khi phải rời xa công việc. Tôi tuyệt nhiên không khoe khoang những thành tích của mình, mà chỉ tập trung động viên ông xã tham dự vào những công việc phù hợp với kinh nghiệm của anh. Dần dần, anh cảm thấy tự tin, vui vẻ trở lại".
Cũng trong buổi gặp mặt trên, các cặp vợ chồng đã trao đổi nhiều kỹ năng gìn giữ hạnh phúc. Ông Thái Hưng đưa ra cảnh báo: "Các ông chồng kiếm ra nhiều tiền, hãy luôn tỉnh táo mà nhớ rằng, công sức của bà vợ lo công việc nội trợ trong gia đình cũng rất đáng trân trọng. Có thể nói, không có bà vợ tận tụy, đảm đang, thì các ông khó toàn tâm toàn ý cho công việc. Các ông hãy luôn chủ động đưa bà xã hòa cùng nhịp bước với mình trong điệu vũ hôn nhân."
Một bí quyết chung được mọi người tán thành, là cả hai vợ chồng cần một quan điểm sống cao thượng, khoan dung với nhau, cùng hiểu nhau, và cùng chờ đợi nhau mỗi ngày. Người vợ nên biết giữ chồng bằng cái đẹp phẩm hạnh. Người chồng nên dành thời gian tỉ tê, trò chuyện với vợ con. Và điều mà cả hai cùng chung sức vun đắp, dựng xây, đó chính là TÌNH YÊU./.