Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Liên minh các doanh nghiệp gia công CNTT (VNITO), Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) – VNITO 2017 nhằm mục tiêu khẳng định Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn về các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT), nằm trong nhóm các quốc gia hàng đầu thế giới, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ. VNITO 2017sẽ kết nối các công ty dịch vụ CNTT Việt Nam với khách hàng tiềm năng ở nước ngoài, đặc biệt thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Ông Việt Hồ – CPO Công ty Russell Investments cho biết, hiện VIệt Nam chỉ chiếm 0,15% thị trường gia công CNTT của thế giới, tương đương với 300 triệu USD. Trong khi thị trường này đạt giá trị 200 tỷ USD, do đó, Việt Nam còn nhiều dư địa tăng trưởng. hoàn toàn có thể gia tăng con số doanh thu lên rất nhiều lần vì Việt Nam có lợi thế về giá, thấp hơn 50% so với Đông Âu, và 30% so với Ấn Độ. Nguồn nhân lực CNTT dồi dào, có trình độ tương đương quốc tế, cùng với đó là chính sách hỗ trợ của chính phủ từ vốn đầu tư, thuế cho đến các cam kết chiến lược phát triển CNTT là trụ cột nền kinh tế.
Ông Nguyễn Hữu Lệ – Chủ tịch Công ty phần mềm TMA Solutions cho biết, VNITO 2017 là cơ hội cho Việt Nam giới thiệu thế mạnh của mình trong lĩnh vực gia công phân mềm đến thị trường Nhật Bản, vì đây là thị trường rất tiềm năng. Hiện nhu cầu về gia công phần mềm của các công ty Nhật Bản rất lớn, và các công ty này đang tích cực tìm kiếm các quốc gia có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ.
“Với đội ngũ nhân sự, trình độ công nghệ, Việt Nam tự tin đón đầu xu hướng này. Thực tế, các công ty Nhật Bản cũng đã tin tưởng giao cho các công ty Việt Nam những công việc lớn và phức tạp hơn, có giá trị cao hơn. Chỉ có một rào cản nhỏ là các công ty phần mềm Việt Nam vẫn còn số lượng người ít biết tiếng Nhật”, ông Lệ nói.
VNITO 2017 cung cấp những thông tin cụ thể về ngành xuất khẩu phần mềm và dịch vụ CNTT của Việt Nam từ các đơn vị tư vấn ngành CNTT hàng đầu như IDG, KPMG… Đồng thời, tại hội nghị sẽ có hơn 20 bài phát biểu của các diễn giả uy tín về big data (dữ liệu lớn), Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo, ứng dụng CNTT cho nông nghiệp, thương mại điện tử, nguồn nhân lực… và phần chia sẻ của các tập đoàn đa quốc gia khi chọn Việt Nam làm cơ sở cung cấp phần mềm và dịch vụ CNTT.