Vlogger Giang Ơi: “Lập dị là một món quà, nó khiến tôi khác mọi người”

“Cuộc sống của tôi đơn giản nên cách tôi làm vlog cũng thế. Khi nói ‘Giang Ơi’, cảm giác như bạn đang gọi một người bạn thân thiết, luôn có Giang ở đây, tâm sự cùng bạn. Trong cuộc sống này, chẳng có lý do gì để chúng ta không chia sẻ những điều tốt đẹp với nhau”, vlogger Giang Ơi giải thích về tên kênh YouTube của mình.

“Mình là Giang và mình ghi lại hành trình bước vào thế giới người lớn”, câu tự giới thiệu của bạn trên kênh YouTube làm tôi tò mò. Bạn mong đợi điều gì ở từng giai đoạn của hành trình trở thành người lớn?

TRẦN LÊ THU GIANG
– Tốt nghiệp ngành Fashion Design & Technology, Đại học Nghệ thuật Bournemouth, Anh
– Thạc sĩ ngành International Fashion Marketing, Đại học Coventry University London, Anh
– Từng là stylist, chuyên viên marketing trước khi trở thành vlogger

Chẳng thể đoán trước được mọi chuyện, cuộc đời luôn đầy rẫy những biến cố mà, nhưng tôi hi vọng trong 60 năm nữa mình vẫn đủ sức khỏe để làm việc, sinh con, nhìn con lớn lên, trưởng thành, tận hưởng từng ngày với anh bạn thân (cách Giang gọi chồng – PV), nghỉ ngơi và đi du lịch. Đối với tôi, khi không còn sức khỏe là khi cuộc đời của mình nên chấm dứt. Cái kết hoàn hảo nhất là một ngày tôi có thể được chọn cái chết êm ái (tất nhiên là ở một đất nước cho phép điều này), vào ngày ấy tôi sẽ nhìn lại cả quãng đường và nói rằng tôi đã có một khoảng thời gian vui vẻ trên đời.

Nói thật nhé, trước khi thấy Giang Ơi thông báo lấy chồng, tôi cứ nghĩ bạn là kiểu phụ nữ mạnh mẽ với những tuyên ngôn kiểu như: “Sao phải lấy chồng khi tôi có thể tự lo liệu mọi thứ” cơ!

Bạn nói đúng một nửa. Tôi sẽ không bao giờ đẩy bản thân vào tình thế nguy hiểm theo kiểu phải sống phụ thuộc vào một người nào đó. Trong mọi hoàn cảnh, tôi muốn mình phải tự đứng trên đôi chân của mình.

Nhưng đó không phải lý do để tôi không lấy chồng. Quyết định kết hôn đến từ việc chúng tôi sẵn sàng đưa mối quan hệ hiện tại lên giai đoạn tiếp theo, cam kết gắn bó, đủ thấu hiểu đối phương đến hết phần đời còn lại. Không những vậy, tôi cảm thấy anh ấy là người mà mình muốn chia sẻ cuộc đời này, và là người cha tôi muốn con mình có được.

Hai vợ chồng bạn đang cùng nhau xây dựng những vlog có nội dung rất cuốn hút. Cảm giác làm chủ công việc và trở thành sếp của chính mình có thoải mái như nhiều bạn trẻ vẫn mơ ước không?

Hàng ngày được làm công việc mình yêu thích, hẳn nhiên rất thoải mái, nhưng làm sếp của chính mình cũng cần có kỉ luật. Bạn phải hiểu mục đích sống, hiểu bạn muốn phấn đấu vì điều gì và yêu thích công việc đang làm. Tôi là người cứng nhắc chăng? Có thể, nhưng nguyên tắc, hệ thống và kỉ luật là điều tốt mà. Nó sẽ giúp tôi kiểm soát cuộc sống và đạt được những điều tôi muốn.

Ở các mặt khác của cuộc sống ngoài công việc, có khi nào bạn đỡ kĩ tính hơn?

Tôi cố gắng thoải mái trong những mối quan hệ với bạn bè. Trong công việc của bản thân, tôi khó tính vì phải quản lý chính mình, nhưng tôi đâu có quyền kiểm soát những người xung quanh. Vì thế, từ lâu tôi đã học được cách bớt kỳ vọng ở bạn bè, thay vào đó tôi trân trọng từng sự giúp đỡ, chuyện lớn tôi sẽ biến thành nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có. Làm như vậy, bạn thoải mái, tôi thoải mái và mối quan hệ của chúng tôi sẽ trở nên dễ thở hơn.

Tôi ấn tượng nhất với vlog “Đọc những điều bạn mặc định về mình”, trong đó bạn rất vui vẻ và thoải mái khi bàn về định kiến người khác dành cho bạn. Dường như không có hiểu lầm nào khiến bạn bực mình thì phải, dù có những thứ khá vô lý?

Tôi tự thấy mình “lì” và không sợ bị nhận xét sai về bản thân. Tôi chỉ xuất hiện trên màn hình vài lần một tuần, những khán giả ấy chưa gặp và nói chuyện với tôi nên chuyện hiểu lầm là khó tránh. Tôi không sợ bản thân bị chê mà chỉ sợ gia đình và những con thú nuôi của mình bị tổn hại. Nếu những người tôi yêu thương không sao, tôi cũng không sao.

video
play-rounded-fill

Rất nhiều bạn trẻ hiện nay ngại tiếp xúc và thể hiện bản thân bởi chưa vượt qua được nỗi sợ bị phán xét. Kinh nghiệm của bạn với việc này như thế nào?

Vì ít va chạm trong cuộc sống, người trẻ tuổi thường sợ bị phán xét. Nhưng qua những giai đoạn của cuộc đời, sẽ đến lúc họ nhận ra dù có làm gì hay không họ cũng sẽ bị phán xét mà thôi. Học hay không học đại học, có hay không có người yêu, đi làm thêm hay không, theo đuổi sự nghiệp hay ở nhà nuôi con…, tất cả các lựa chọn đều bị phán xét. Vậy chúng ta quan tâm làm gì? Hãy cứ làm việc bạn cần làm. Những người thực sự thành công và hạnh phúc không dành nhiều thời gian để phán xét chuyện riêng của người khác, đó là câu thần chú bạn cần nhớ để bỏ ngoài tai cũng như thông cảm hơn cho những người phán xét mình.

Giai đoạn nào của cuộc đời giúp bạn nhận ra điều đó?

Lúc nhỏ, sự hướng ngoại có phần non nớt từng khiến tôi gặp phải nhiều phản ứng tiêu cực từ người khác. Tuổi thơ tôi khá là trầy trật, lạc lõng và tràn ngập sự hoài nghi về bản thân. Tôi không phải học sinh giỏi, lại không có bạn bè, hầu như chẳng có sự kết nối nào với mọi người xung quanh. Trong mắt họ, có lẽ tôi là người lập dị.

Nhưng tôi thường nghĩ điều gì cũng có cái giá của nó. Cũng giống như những đau đớn khi tập gym đổi lại một thân hình mơ ước, thời thơ ấu buồn bã ấy giúp tôi học được nhiều điều. Vì không có bạn, tôi dành hầu hết thời gian soi chiếu lại mình. Những câu hỏi tự đặt ra cho mình, tôi viết vào nhật ký và đi tìm lời giải qua việc đọc sách. Tôi học cách quan sát, chú ý đến người khác, thể hiện sự hướng ngoại đúng mực, nhờ vậy mà khi trưởng thành, tôi đã được đón nhận nhiều hơn.

Một mình một kiểu cũng là một cách tốt để ghi dấu ấn cá nhân, không phải ư?

Nhưng khi còn đi học, sự lập dị có vẻ là một điều tiêu cực, ít nhất thì đó là điều tôi nghĩ. Ở trường, chúng ta phải đi theo một khuôn mẫu nhất định, đứng thành hàng, mặc đồng phục và học theo những suy nghĩ tiêu chuẩn, làm theo những kiến thức trong sách vở, ghi nhớ lời giảng của thầy cô. Đối với giai đoạn đầu của cuộc đời, những khuôn mẫu ấy là cần thiết để ta hiểu về những hệ thống chuẩn mực trong cuộc sống.

Khi trở thành người lớn rồi tôi mới nhận ra lập dị là một món quà. Nó khiến tôi cảm thấy mình khác mọi người. Vì chỉ sống có một lần nên tôi muốn dành thời gian mỗi ngày cho chính mình chứ không phải là nghe lời ai khác.

Giang Ơi phiên bản người lớn đã khác thời thơ ấu như thế nào?

Tôi tự tin, cởi mở, vui vẻ nhiều hơn, biết cách bỏ ngoài tai những gì không đáng nghe. Tôi hiểu bản thân mình hơn, biết tiết chế cảm xúc, đồng thời biết nghĩ cho cảm xúc của người khác, thông cảm với họ và trân trọng những người bạn bên cạnh mình hơn.

Duy có một điều chưa tích cực lắm là tôi thức khuya hơn, vì dù công việc của tôi nhiều bao nhiêu, quỹ thời gian cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Hiểu được điều đó nên tôi luôn cố gắng giữ vị trí ưu tiên cho gia đình, chăm sóc đàn thú cưng (3 chú mèo tên Sung, Tuyết, Huy và một chú chó tên Hoàng), công việc, sức khỏe và bạn bè.

10s Q & A

Điều luôn tự nhủ với mình mỗi ngày?

Hành trình cuộc đời chỉ có một lần, hãy tận hưởng khi nó chưa qua.

Điều gì sẽ khiến bạn luôn cười?

Chứng kiến bầy thú cưng của mình khỏe mạnh, vui vẻ.

Bạn có nghĩ sau này mình sẽ là một bà mẹ chồng khó tính?

Chỉ khi con trai tôi không chịu ở riêng và tự lo cho gia đình nó.

Môn nghệ thuật mà bạn muốn thử sức?

Điện ảnh, tôi muốn thử đóng phim.

Một thử thách bạn từng đặt ra cho bản thân?

Tăng lịch tập gym từ 3 buổi lên 5 buổi/tuần để có cơ thể đẹp hơn, sau đó vừa gập bụng vừa tự hỏi mình có bị điên không.

Sản xuất: Hạnh Nguyên
Nhiếp ảnh: Samson Nguyễn


From the same category