Virginie Viard: Cánh tay phải của Karl Lagerfeld và nữ giám đốc sáng tạo dẫn dắt đế chế thời trang hàng đầu nước Pháp - Tạp chí Đẹp

Virginie Viard: Cánh tay phải của Karl Lagerfeld và nữ giám đốc sáng tạo dẫn dắt đế chế thời trang hàng đầu nước Pháp

Thời Trang

Vừa qua, CHANEL đã xác nhận thông tin NTK Virginie Viard rời khỏi vị trí giám đốc sáng tạo của hãng. Đáng tiếc hơn, bà cũng chính thức nói lời chia tay với nhà mốt Pháp sau ba thập kỷ gắn bó, không ngừng sáng tạo và khai phá vẻ đẹp của những bộ trang phục.

Virginie Viard sinh năm 1962, tại Lyon – trung tâm dệt may nổi tiếng của Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường thời trang Le Cours Georges với chuyên môn về trang phục điện ảnh và sân khấu, bà bắt đầu làm trợ lý cho nhà thiết kế trang phục Dominique Borgfirst. Từ những mối quan hệ của gia đình, Virginie có đã cơ hội gặp gỡ NTK Karl Lagerfeld và chính thức trở thành thực tập sinh của CHANEL vào năm 1987. Cô gái trẻ khi ấy bắt đầu với vị trí thợ thêu các sản phẩm cao cấp dưới sự dẫn dắt của Karl. Năm 1992, Karl Lagerfeld chuyển sang Chloé và không quên đem theo cô học trò của mình. 5 năm sau đó, NTK kì cựu trở lại CHANEL. Virginie cũng tái gia nhập thương hiệu với tư cách là giám đốc xưởng thiết kế thời trang, trở thành người quản lý mọi danh mục thiết kế của CHANEL: từ trang phục may sẵn cho đến thời trang cao cấp, từ thiết kế quần áo cho đến chế tác trang sức, phụ kiện. Sau khi Karl Lagerfeld qua đời vào năm 2019, bà đã đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

Có thể nói, CHANEL gần như là toàn bộ sự nghiệp của Virginie Viard. Trong 30 năm gắn bó ấy, bà đã miệt mài sáng tạo và cống hiến, không chỉ hiện thực hóa những ý tưởng “siêu thực” của Karl Lagerfeld mà còn là “chiếc neo” duy trì tính thực tế cho các thiết kế của CHANEL.

“Người phiên dịch” cho những ý tưởng kỳ diệu

Trước thời điểm đảm nhận vị trí giám đốc sáng tạo của CHANEL vào năm 2019, cái tên Virginie Viard vẫn còn khá xa lạ đối với đại chúng, bất chấp việc bà là một trong những trụ cột cực kỳ quan trọng của thương hiệu. Karl Lagerfeld đã luôn dành những lời cực kỳ “có cánh” cho Virginie, coi bà là “cánh tay phải… và cánh tay trái” của mình. Virginie làm việc toàn thời gian với Karl, nếu họ không thể ở cạnh nhau thì sẽ phải liên tục trao đổi qua điện thoại. Những ngày đầu theo chân Karl, bà đã phải làm “cầu nối ngoại giao” cho NTK và François Lesage – thợ thêu cao cấp nổi tiếng của Pháp. Sau khi trở về với CHANEL, mối quan hệ này tiếp tục được duy trì: Karl đưa ra ý tưởng; Virginie diễn giải và sắp xếp, phân phối từng công việc cụ thể cho các bộ phận chế tác để hiện thực hóa những ý tưởng đó. Virginie ăn ý với Karl về mọi phương diện, bà luôn biết rõ phải thay đổi, thêm thắt những gì vào các bản vẽ của ông để có được sản phẩm cuối cùng hoàn hảo nhất.

Nữ NTK đầu tiên dẫn dắt CHANEL hậu thời đại Gabrielle Chanel

Dù đã có tuổi đời hơn 100 năm nhưng CHANEL mới chỉ được lãnh đạo bởi duy nhất hai người phụ nữ là Gabrielle Chanel và Virginie Viard. Từ chỗ quản lý, điều phối những công việc mang tính thành phần, gặp gỡ trực tiếp các nghệ nhân sản xuất thay mặt cho Karl Lagerfeld, Virginie phải trở thành người định hướng hình ảnh và con đường phát triển cho cả một thương hiệu. Vai trò lãnh đạo cùng việc quản lý những di sản lớn lao này chưa bao giờ là mục tiêu mà Virginie hướng đến khi quyết định trở thành một phần của CHANEL. Bà đến đây vì đam mê với cắt may, thêu thùa, đặc biệt là để được làm việc bên cạnh Karl Lagerfeld. Virginie từng thừa nhận rằng việc trở thành giám đốc sáng tạo của CHANEL là đôi giày quá cỡ mà Karl để lại, nhưng bà đã dần dần tạo nên thương hiệu ma thuật của riêng mình tại nhà mốt này – một thứ có thể đo lường và trực quan hơn. Dưới sự lãnh đạo của nữ NTK, thương hiệu Pháp đã chứng kiến ​​​​sự gia tăng doanh số bán hàng lịch sử vào năm 2023, với doanh thu đạt mức đáng kinh ngạc là 19,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm trước đó (theo báo cáo của The Business of Fashion).

“Thổi bùng” nguồn năng lượng trẻ của thương hiệu lâu đời

Thay đổi rõ nét nhất ở CHANEL dưới quyền quản lý của Virginie Viard là sự sang trọng theo tinh thần trẻ trung, hiện đại, phù hợp hơn với Gen Z. Trong BST đầu tay của mình (BST CHANEL Resort 2020), Virginie đem đến những chiếc nơ ngoại cỡ màu sắc ngọt ngào; bộ đồ vải tuýt ngắn hơn, mềm mại hơn, bớt đi nét cổ điển mà sang trọng một cách tươi tắn hơn; hay mẫu đầm dạ hội hiện đại với những đường cắt xẻ táo bạo,…

BST CHANEL Resort 2020 với các chi tiết hiện đại, trẻ trung và màu sắc tươi sáng hơn.

Tinh thần đương đại của Virginie Viard cũng được thể hiện rõ nét thông qua mẫu túi CHANEL 22 – một “It bag” được các tín đồ thời trang cực kỳ ưa chuộng. CHANEL 22 sở hữu tất cả các tính năng đặc trưng của thương hiệu, bao gồm dây da chần bông và dây kim loại luồng da, dây rút để đảm bảo mọi thứ không bị đổ ra ngoài và một túi nhỏ bên trong có thể tháo rời. Nó có thể đựng vừa cả một chiếc máy tính bảng, tiện dụng để đem theo trên mọi chuyến đi mà vẫn có nét thời thượng đầy phong cách – mọi tín đồ thời trang Gen Z đều sẽ muốn có một chiếc túi như vậy.

Mẫu túi CHANEL 22 đình đám.
Tôn vinh kỹ thuật thủ công tuyệt tác của Pháp

Métiers d’art (tiếng Pháp nghĩa là “chuyên ngành nghệ thuật”) là BST thường niên của CHANEL, nhằm tôn vinh kỹ thuật tuyệt vời của các xưởng may truyền thống của Pháp (một số trong đó có niên đại từ năm 1858) chuyên về các nghề thủ công khác nhau như thêu, làm giày và sản xuất đồ may mặc. Vào năm 2021, CHANEL cho ra mắt le19M – một khu phức hợp hiện đại rộng hơn 7.600 mét vuông, trở thành trụ sở chính của 11 xưởng may. le19M chắc chắn là một dự án lớn được thực hiện trong nhiều năm và Virginie Viard là giám đốc nghệ thuật đầu tiên tổ chức một buổi trình diễn ở đó (BST Métiers d’art 2021/2022). Các BST Métiers d’art mang ý nghĩa đặc biệt đối với cá nhân Virginie, vì trong một thời gian dài, bà là người liên lạc trực tiếp với các xưởng may chịu trách nhiệm chế tác thủ công cho nhà mốt Pháp.

Kỹ thuật thủ công tinh xảo của Pháp được nhấn mạnh hơn bao giờ hết dưới thời đại của Virginie Viard.
Khu phức hợp các xưởng thủ công le19M của CHANEL.
Mở rộng danh tiếng của CHANEL như một lực lượng bảo tồn văn hóa

Tháng 12/2022, Virginie Viard trình diễn BST Métiers d’art 2022/23 tại Dakar, Senegal. Và khi làm như vậy, CHANEL đã trở thành thương hiệu cao cấp đầu tiên của châu Âu tổ chức buổi trình diễn thời trang tại khu vực Hạ Sahara. Thông qua đó, nhà mốt đã áp dụng một số sáng kiến ​​nhằm xây dựng mối quan hệ lâu dài và có ý nghĩa với cộng đồng văn hóa, nghệ thuật của Senegal. Điều này có thể liên quan nhiều đến tính cá nhân của Virginie, vì bà vốn thiên về phương thức hoạt động hợp tác và ngang hàng. “Những cuộc đối thoại thực sự được nuôi dưỡng trong thời gian dài. Những cuộc gặp gỡ kỳ diệu mà từ đó những cuộc phiêu lưu nghệ thuật như thế này được sinh ra – đó là điều thúc đẩy tôi”, nữ NTK chia sẻ.

BST CHANEL Métiers d’art 2022/23 được trình diễn tại Dakar, Senegal.

Buổi trình diễn gần đây nhất của CHANEL là BST Cruise 2024 đầy màu sắc, được tổ chức tại thành phố biển Marseilles của Pháp. Ngoài ra mắt BST mới, chuyến đi này của CHANEL còn nhằm củng cố mối quan hệ lâu năm giữa nhà mốt và thành phố ven biển, đặc biệt là với quỹ tài trợ Maison Mode Mediterranee. Tổ chức này được thành lập để hỗ trợ các chuyên gia thời trang địa phương và các NTK mới nổi, đồng thời điều hành bảo tàng thời trang đặt tại Chateau Borely – nơi lưu giữ khoảng 200 mẫu thiết kế của CHANEL trong kho lưu trữ. Thông qua trao đổi, CHANEL và khu nhà xưởng le19M của mình sẽ hỗ trợ các NTK, chuyên gia thời trang trực thuộc Maison Mode Mediterranee để trưng bày tác phẩm của họ tại nhà trưng bày La Galerie du 19M Marseille. Mục đích chính của sự hợp tác này là nhằm kết nối các tài năng từ những cộng đồng sáng tạo ít được biết đến trên thế giới dựa trên nguồn lực của le19M, để mở rộng hợp tác và mang lại cho họ danh tiếng và họ xứng đáng nhận được.

BST CHANEL Cruise 2024 diễn ra tại thành phố biển Marseilles của Pháp.

Tác giả: Vũ Thảo

07/06/2024, 23:27