Nhưng bây giờ, khi ngồi trước mặt tôi, anh lại là người làm chủ cả câu chuyện. “Tôi không phải cái ti vi chỉ có vài kênh, tôi là truyền hình cáp có hàng chục kênh, mà mỗi người trong mỗi hoàn cảnh sẽ chỉ nhìn thấy một trong số vô vàn kênh ấy.”
Ấn tượng đầu tiên của tôi với anh là mùi khói thuốc. Nó đập vào mọi giác quan. Mà quả thực anh hút nhiều, chừng như cứ 15 phút lại châm một điếu. Thói quen này có thể là tất yếu của một người luôn cần khép mình suy nghĩ trong thế giới riêng, hoặc đơn giản hơn, là thứ mà các du học sinh viện tới khi cần khỏa lấp nỗi trống trải khi xa nhà…
Cách đây chừng 4 năm, tôi từng bị ám ảnh vì một bài báo viết về anh. Một tài năng trẻ giành vị trí cao trong giải thưởng “Thần đồng âm nhạc” thế giới, học tập ở Liên Xô, trở thành thành viên chính thức của dàn nhạc “thế kỷ 21” do Công nương Diana tài trợ, từng đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới… Do một vài sự đưa đẩy, anh về nước để rồi nhanh chóng thấy mình lạc lõng và quay sang làm những công việc chẳng liên quan như… kinh doanh hay chế tác đàn. Tất nhiên, những chiếc đàn với chữ ký của anh đã được chơi không chỉ bởi các nghệ sĩ lớn của Việt Nam như NSND Tạ Bôn, mà còn chu du tới cả nhạc viện Paris, Berlin. Nhưng hình ảnh một người nghệ sĩ tài năng trở thành người – theo suy đoán của tôi – lạc thời và bất mãn, cặm cụi làm công việc mà người khác gọi một cách vô tình là “thợ làm đàn”, tới mức hỏng cả 2 ngón tay… Những điều đó đã khiến tôi bị ám ảnh thực sự.
Nhưng anh cười khi tôi tỏ ra cảm thương. Anh nói quãng thời gian ấy như một cách dừng lại để hòa nhập vào cuộc sống này, học cách sống như những người xung quanh, để khi trở lại sẽ là một Xuân-Huy hoàn-toàn-khác. Trong suốt quãng thời gian xa rời sân khấu ấy, Xuân Huy vẫn giữ cho mình tiếng đàn, thứ quyền lực mềm mà mạnh mẽ, để chỉ cần cất lên thì tiếng đàn ấy lập tức khiến người ta hiểu ngay rằng trước mặt mình là ai.
Xuân Huy từng là “thần đồng âm nhạc” nhưng không có nghĩa cây đàn cứ thế đặt lên vai anh rồi cất lên thứ âm thanh mê muội. Anh phải vượt qua nhiều trở ngại mà trong đó trở ngại lớn nhất là chính bản thân mình, nỗi sợ hãi và xấu hổ khi đứng trước đám đông, và cả một tâm trí nhạy cảm luôn xao động. Cậu thiếu niên Xuân Huy ngày ngày phải vác đàn ra tập chơi giữa phố, còn chiều xuống thì đi vào nghĩa trang một mình, cứ như vậy, cho tới khi miễn nhiễm với mọi xung động quanh mình.
Xuân Huy coi âm nhạc và cây violin như “đạo”. Nếu có ai đó như tôi, cảm thấy dị ứng với cách người ta dùng chữ “đạo” như một thứ vỏ bọc đẹp đẽ và sang trọng, có lẽ cần phải nghe Xuân Huy nói. Với anh, nó là sự so sánh hết sức lý tính, tập đàn cũng như một thứ tu tập, ở đó bản nhạc là những bài kinh, cây đàn là chiếc chuông thỉnh, và con người đạt tới cảnh giới khi vứt bỏ hết những thứ tạp niệm, chỉ còn trái tim cùng nhịp với tiếng đàn tuôn chảy. Chính vì thế, khi tình cờ thấy Xuân Huy chơi đàn trên hè phố Hà Nội cùng dàn nhạc của mình, người ta sẽ chỉ thấy anh trong một tư thế gần như bất động, đôi khi nhắm nghiền mắt. Tôi hỏi rằng đám đông khán giả xung quanh có khi nào làm ảnh hưởng, hay ngược lại, gây cảm hứng cho anh không. Anh nói, chơi đàn trước hết phải là chơi cho chính bản thân mình.
Luala concert là dự án mới nhất được anh xây dựng từ ý tưởng của một doanh nhân mà theo anh là “có cách hành xử văn minh với văn hóa”. Tôi từng lo ngại về hiệu ứng khán giả khi biết các anh có ý tưởng đưa cả dàn nhạc thính phòng ra vỉa hè. Bởi người Việt Nam vốn ít có thói quen đi bộ, mà những người ngồi trên ô tô và xe máy đi lướt qua chừng vài giây có đủ để hiểu ý nghĩa của những gì đang diễn ra trên góc phố kia? Nhưng thực tế thì ngược lại, buổi diễn nào cũng đông nghẹt khán giả. Không chỉ giới nghệ sĩ hay những người dừng lại vì tò mò, mà cả những người trẻ nghe và… nhảy hiphop, cả những cụ già vừa chăm chú lắng nghe vừa mơ màng về một thời thịnh hưng văn hóa. Giờ thì không ai còn phải nghi ngờ ý nghĩa của dự án, khi cả NSND Quang Thọ và vị giáo sư trưởng khoa dây nhạc viện Hà Nội cũng nhận lời tham gia. Như chính đời sống đang thở, show diễn chẳng phải một thứ trưng bày bất biến, hôm nay có nhạc trưởng Carlos Cuestta (chỉ huy chính kiêm giám đốc nghệ thuật của dàn nhạc Madrid) tình cờ đi ngang và tham gia cùng dàn nhạc, hôm khác lại là ý tưởng mở rộng với nghệ thuật sắp đặt của nghệ sĩ Phan Phương Đông… Còn Xuân Huy thì vẫn vậy, thế giới của anh thuộc về cây đàn…
Xuân Huy từng là “thần đồng âm nhạc” nhưng không có nghĩa cây đàn cứ thế đặt lên vai anh rồi cất lên thứ âm thanh mê muội.
Tôi cứ băn khoăn, liệu người như Xuân Huy có bao giờ thấy cô đơn giữa cuộc đời này. Anh luôn chọn cho mình một con đường mà chẳng ai nghĩ tới, và dường như anh luôn lơ lửng đâu đó phía trên đám đông. Nghệ sĩ ai cũng có/và thật ra là cũng cần/một Cái tôi lớn. Tôi đã từng nói chuyện hoặc lắng nghe nhiều nghệ sĩ và nhận ra rằng ai cũng mang trong mình một chút vĩ cuồng. Cái vĩ cuồng ấy lúc này hay lúc khác có thể khiến ta khó chịu, nhưng thực tế là nếu không có nó, họ đã chẳng thể tồn tại trong thế giới của những trí lực sáng tạo vận hành không ngừng, và kể cả giữa những tôn vinh và vùi dập. Một người coi âm nhạc như một thức tu thiền như Xuân Huy sẽ càng gói mình trong thế giới độc tôn của Cái tôi. Có điều – chẳng biết may hay không – mà tôi thấy anh vẫn còn “tỉnh” lắm. Anh biết lúc nào nên im lặng hay lúc nào nên vận dụng ngôn ngữ; lúc nào nên “ngây thơ” và lúc nào nên “sành sỏi”; anh cũng đủ tỉnh táo để không đòi hỏi một “lý tưởng hoàn hảo” mà biết chấp nhận những nghịch lý của cuộc đời, chỉ có điều, anh chọn cách chấp nhận khác những người xung quanh. Về một khía cạnh nào đó, anh là hình ảnh trái ngược của cô em gái Khánh Thi – cô gái cá tính mà hồn nhiên và có phần được cưng chiều của showbiz Việt.
Đáp lại băn khoăn của tôi, anh bảo, “những người đạt đến cảnh giới là những người cô độc, tôi thì chưa đạt tới cảnh giới đó”. Tôi tin anh nói thật, bởi tôi đã thấy anh chọn cách “đến chốn lao xao” này.
Ngày 15/1 tới đây, Luala concert của anh và các nghệ sĩ sẽ tạm dừng. Nghệ sĩ Nguyễn Khắc Thành, một trong số các violinist chính của dàn nhạc, nói với tôi rằng, “anh em nghệ sĩ chắc sẽ thấy hụt hẫng lắm!”. Tôi lại nhớ ra mình quên chưa hỏi Xuân Huy câu hỏi cuối cùng, rằng khi phải tạm xa khán giả của những ngày cuối tuần Hà Nội anh có thấy hụt hẫng không? Còn chúng tôi thì có đấy!
Bài Vũ Thủy
Ảnh Khắc Quân