Vintage: Xa xôi mà gần gũi

1. Nếu phân tích cái nhìn về thời trang vintage của cô gái kia thì đó không chỉ là những chiếc áo đến từ thuở xưa mà còn là kỷ niệm và tình yêu vô giá, là tuổi trẻ xinh đẹp mà cô được thừa hưởng từ người mẹ yêu dấu của mình.

Nói một cách khác, vintage là những sản phẩm khơi gợi kỷ niệm đẹp đẽ của quá khứ. Thời trang luôn thay đổi nhưng những giá trị cao cấp phải luôn được nhắc nhở và lặp lại thường xuyên. Vintage hay retro chính là sự sống lại của những giá trị xưa cũ tưởng đã lãng quên. Đó cũng là sự rèn luyện và thách thức đối với những giá trị thẩm mỹ đương thời. Chúng ta đang được sống trong thời đại mới, được thụ hưởng những sản phẩm văn minh tân thời, nhưng liệu những cái đẹp xưa cũ đã không còn giá trị?

 

2. Từ đầu những năm 2000, phong trào vintage (the vintage craze) thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường thời trang quốc tế. Đầu tiên các ngôi sao hàng đầu của làng giải trí thi nhau mặc những sản phẩm ảnh hưởng phong cách vintage, vì phong cách này đại diện cho sự lạ lùng bí ẩn một cách rất quý tộc và giúp cho các ngôi sao được khán giả nhìn nhận là những người dẫn dắt phong trào (như Sarah Jessica Parker là một trong những trendsetter).

Những vẻ đẹp của thời trang từ đầu thế kỷ 20 cho đến thập niên 1980 được tái chế và xuất hiện đầy bất ngờ trên sân khấu thời trang đương đại. Điển hình là ảnh hưởng trang phục quý tộc của vua chúa thời xưa, phục sức cho tóc, trang phục đầm xệ với xâu chuỗi ngọc trai của năm 1920, những bộ áo veston comlê từ năm 1940, dòng hippy năm 1950, váy xéo 1960 dẫn đến quần ống loa, giày cao đế bằng của năm 1970, rồi trào lưu màu sắc của năm 1980 liên tục quay về trên sân khấu thời trang ngày nay.

Các nhà thiết kế thời trang, các cộng tác viên của báo chí thi nhau săn lùng cảm hứng từ những trang phục cổ xưa còn sót lại. Bà Betsey Johnson, một trong những người đầu tiên cho ra thị trường những thiết kế vintage đã nhìn trước thị trường và đã sưu tầm đồ cổ từ rất lâu. Bà giải thích: “Các nhà thiết kế đến bây giờ mới chạy đua để mua đồ cổ thì hơi trễ rồi, vì ngoài thị trường đâu còn nhiều hàng tốt còn sót lại”. Cuối cùng nếu không mua được trang phục cổ, các nhà nghiên cứu thời trang đành tìm đến những sách báo cổ xưa để mua cảm hứng sáng tác cho những tác phẩm mới. Họ tìm mọi cách để hiểu và mang vintage về hiện tại. Họ biết yêu quý và trân trọng lịch sử để rồi mang quá khứ về hiện tại, và chỉ mang những gì đẹp nhất để kết nối chuyện xưa và chuyện nay với nhau một cách tài tình.

Đôi khi chúng ta nhìn thấy những người thế này. Họ ăn mặc như vua chúa thời xưa, dù trời nóng vẫn mang trên người bao nhiêu lớp vải cùng hàng loạt trang sức thật nặng nề với trang điểm diêm dúa. Họ cho rằng như thế mới là quý tộc. Vài người lớn tuổi khác lại ăn mặc hở hang như thiếu niên, mặc dù cơ thể họ đang gào thét phản đối vì chúng không còn tươi mát như 30 năm trước để chuyên chở những trang phục đó. Họ chỉ muốn sống với thời đôi mươi mặc dù họ đã 40, 50 tuổi.

Họ ôm chặt quá khứ vì có thể đó là thời vàng son nhất của cuộc đời. Họ từ chối hiện tại và không thích hướng về tương lai. Họ đã nhìn nhận sai lạc về thời trang vintage. Hoài cổ không có nghĩa là chúng ta chối bỏ hiện tại mà chỉ là nhìn về quá khứ để tìm ra bản thân, qua đó chúng ta mới có thể khôn lớn thêm được. Vintage sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng không làm cho cuộc sống hiện đại xinh đẹp và nhiều màu sắc hơn.

3. Cô con gái nâng niu chiếc áo cưới của mẹ và bâng khuâng hỏi: “Mẹ ơi, chiếc áo này rất đẹp nhưng kiểu đã quá xưa rồi, mẹ nghĩ sao nếu con đem áo này ra tiệm may cho họ sửa lại đôi chút để phù hợp với thời trang hiện nay?” Mẹ cô trìu mến bảo: “Mẹ hiểu và mẹ hoàn toàn đồng ý. Con có thể sửa lại theo kiểu con thích, miễn là con đừng quên mình đã xuất phát từ đâu!”

Dễ nhận ra vintage nhất có lẽ là những chiếc nón của đầu thế kỷ 20 luôn được nhắc nhở lại trong đời sống hàng ngày hiện nay.

Áo veston, nón, và khăn choàng của những năm 1940 được lặp lại liên tục đã trở thành kinh điển. Ngày xưa veston hầu hết là những tông tối xám, ngày nay người ta kết hợp veston với màu sắc mà vẫn nhìn rất nam tính.

 

Gặp ở đâu đó rồi, nhưng thực sự không biết ở đâu. Đó có thể là cảm giác của bạn khi nhìn thấy Drew Barrymore, bởi cô vintage “từ đầu đến chân” nhưng lại không bê nguyên xi những phong cách ấy cùng một thời điểm.

 

 Theo SGTT


From the same category