Vintage cũ – Vintage mới

Cuốn sách “The Secret of Chanel No5” với trang bìa là hình ảnh chai nước hoa nổi tiếng.

Triển lãm mang tên “No5 Culture Chanel” diễn ra trong tháng 5, đầu tháng 6 năm 2013 tại trung tâm nghệ thuật đương đại Palais de Tokyo ở Paris thực ra chỉ đề cập đến Chanel No5 của năm 1921. Đó là nước hoa tiên phong với mùi hương trừu tượng, không sao chép các loài hoa trong thiên nhiên và khác hẳn với các loại nước hoa đương thời. Chai mang dáng dấp bình rượu bỏ túi của đàn ông (Coco Chanel tìm thấy nó trong một chiếc túi du lịch), và nhất là tên gọi số Năm “may mắn” – đó không chỉ là những ý tưởng táo bạo của Coco Chanel, mà còn khiến cho người đời thêu dệt nên nhiều huyền thoại đầy chất thơ về loại nước hoa yêu thích của bà. Tuy nhiên, những ai quan tâm đến No5 của năm 2013 có thể hơi thất vọng với quan điểm của nhà giám tuyển Jean-Louis Froment: “No5 là vật phẩm văn hóa chứ không phải (chỉ) là nước hoa”. Liệu mùi hương, vốn được coi là biểu tượng cho nữ tính “bây giờ và mãi mãi về sau” – lại vừa được giới thiệu bởi Brad Pitt (người đàn ông đầu tiên được chọn làm gương mặt đại diện cho Chanel No5), có mang trọn vẹn tinh thần của loại nước hoa mà Coco Chanel đã chọn năm 1921 và trung thành với nó trong suốt đời mình hay không?

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó chúng ta phát hiện ra loại nước hoa quen thuộc, mùi hương chúng ta phải dành dụm vài tháng lương và nhờ bạn bè khắp nơi săn lùng mới sở hữu được, hoặc là quà tặng của mối tình đầu, hay một niềm tự hào nào đó của thương hiệu chúng ta hâm mộ, lại không còn được “nguyên vẹn” như xưa. Chẳng còn mùi thơm óng ánh nhụy hoa (dấu hiệu của các hương liệu tự nhiên chất lượng cao), cũng không thấy đâu hương vị nồng ẩm ướt của đất hay màu xanh mướt của cỏ cây. Không thật sự tệ hại như bản concerto của Beethoven nghe qua điện thoại di động, nhưng đó là sự trống vắng vẻ đẹp khó quên đã làm cho người đời tốn bao nhiêu giấy mực để ca ngợi trong hàng chục năm qua.

Với slogan ấn tượng, Chanel No5 được coi như một “phụ trang” thiết yếu của phụ nữ thập niên 1960.

 Đó có thể là một “thảm họa” nhỏ đối với các fan hâm mộ nước hoa vintage. Nếu trong thành phần của nước hoa vốn có nhiều tinh dầu tự nhiên thì có lẽ những thay đổi nho nhỏ theo mùa của hương liệu là điều khó tránh khỏi và cũng khó có thể phát hiện. Điều đáng nhắc đến là những công thức mới (làm cho các mùi-hương-ngoại-tứ-tuần vẫn có thể trở nên đương đại, “trẻ mãi không già” và bán chạy); hay những hương liệu mới thay thế các loại nguyên liệu khó kiếm, đắt tiền, bị cấm, bị hạn chế sử dụng hoặc đơn giản là không còn tồn tại trên thị trường. Vài năm trước, khi có thông tin về việc tinh dầu oakmoss (thường được gọi là rêu sồi – thực ra là một loài địa y (lichen) sống trên thân cây sồi hoặc cây thông vùng Nam Âu) có thể bị cấm sử dụng, các tờ báo đã đăng lời phát biểu của Francoise Montenay – người phát ngôn của Chanel: “Nếu chúng tôi không được phép sử dụng các hương liệu (có thể bị cấm) này, thì rất có thể sẽ không còn có những loại nước hoa tuyệt vời nữa”. Nhà pha chế nước hoa người Anh Roja Dove thì cho rằng, không thể pha chế lại nước hoa mà không làm cho hương thơm thay đổi – “vì thế, cần phải giữ nguyên các loại hương liệu đã được dùng để pha chế”.

Brad Pitt – gương mặt đại diện mới của Chanel No5

Thật ra, vừa bảo tồn nguyên vẹn, vừa kinh doanh các loại nước hoa cổ điển nhiều khi là điều không tưởng. Chanel là một ví dụ. Thương hiệu Pháp vừa phải đảm bảo chất lượng tuyệt đối của hương liệu, vừa phải duy trì nguồn cung cấp hương liệu vốn được dùng để pha chế nước hoa trong quá khứ. Nhưng để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, thì thậm chí đến cả loại nước hoa di sản No5 cũng phải thay đổi. Năm 1952, Henri Robert pha chế No5 Eau de Toilette, mùi hương mới phỏng theo nguyên bản năm 1921. Jacques Polges làm No5 Eau de Parfum năm 1986 và cách đây 6 năm, No5 Eau Premiere có mùi hương thiếu nữ, mát nhẹ xuất hiện. No5 Extrait de Parfum (trên trang web chanel.com, chai Grand Extrait 200ml được bán với giá 2100USD) được coi là sản phẩm có mùi hương bất biến, giống hệt mùi hương kỳ diệu mà Ernest Beaux pha chế cho Coco Chanel cách đây hơn 90 năm.

Video trên website của triển lãm Chanel nhắc đến hơn 80 hương liệu được Ernest Beaux chọn để pha chế No5, ngoài chất aldehyde nổi tiếng còn có hoa nhài vùng Grasse, hoa hồng tháng Năm (May rose), hoa cam, hoa ylang ylang, dầu neroli, đậu tonka, rễ cỏ vetyver, tinh dầu gỗ đàn hương. Tinh dầu oakmoss, hay các hương liệu có nguồn gốc động vật, như xạ hương (có thể phân biệt musk hay xạ hương Tonkin chiết xuất từ túi xạ của loài hươu sống ở vùng Tây Tạng với civet – chất chiết xuất từ loài cầy hương sống tại Đông Nam Á) hay long diên hương (hợp chất lấy từ một loài cá voi) thường dùng để giữ mùi hương thơm lâu trong các loại nước hoa cổ điển… lại không hề được nhắc đến.

Là biểu tượng cho sự nữ tính – bây giờ và mãi mãi về sau, các quảng cáo của Chanel No5 luôn làm bật lên vẻ gợi cảm, quyến rũ và sang trọng của người phụ nữ.

Không ai dám chắc long diên hương tự nhiên có trong thành phần “nguyên bản” của No5. Theo Tilar Mazzeo, tác giả của cuốn “Bí mật của Chanel No5: Lịch sử của chai nước hoa nổi tiếng nhất hành tinh” (The Secret of Chanel No5: The Intimate History of the World’s Most Famous Perfume), công thức gốc của nước hoa đã được tiết lộ trong thập kỷ 1930. Bà khẳng định đã nhìn thấy từ “ambergris” hay “ambrein”, tên hợp chất chính của long diên hương tự nhiên trong danh sách hương liệu. Tuy vậy, tờ Business Week dẫn lời Philip Kraft, nhà pha chế nước hoa của công ty Givaudan lại khẳng định rằng No5 chưa bao giờ có long diên hương tự nhiên, cả trong phiên bản năm 1921 lẫn bây giờ. Khó có thể tưởng tượng được công ty nào dám bán nước hoa có long diên hương tự nhiên trong thành phần tại Mỹ, bởi từ năm 1973, bất cứ ai sở hữu và buôn bán loại hương liệu này đều có thể bị bỏ tù (nhưng ở Pháp, bạn vẫn có thể kiếm được rất nhiều tiền hoặc ít ra là thơm-tự-nhiên-một-cách-sành-điệu nhờ hương liệu này). Ambroxan – thành phần chủ đạo của long diên hương đã được công ty Firmenich tổng hợp năm 1950 từ tinh dầu tự nhiên của cây đan sâm (clary sage) tuy với giá thành vẫn khá cao.

Chanel No5 qua nét cọ vẽ của họa sĩ Andy Warhol.

Các tín đồ của nước hoa vintage thường cho rằng xạ hương và long diên hương, những hương liệu đắt hơn vàng từ thời cổ đại, có thể được coi là những “nhân chứng thời đại”, phân biệt nước hoa cổ điển và vintage (tuyệt vời, sexy một cách sang trọng) với các loại nước hoa mới (rất ít khi tuyệt vời và sexy). Nhiều khi những phẩm chất tuyệt hảo của xạ hương cũng như long diên hương tự nhiên được dùng để ca ngợi sự xuất sắc của một số loại nước hoa. Xạ hương tự nhiên bị cấm sử dụng trong các loại nước hoa tại phương Tây vì lý do nhân đạo từ năm 1979, nhưng muscone – “chất thơm” chính trong xạ hương tự nhiên đã được ngành công nghệ nước hoa tổng hợp ngay từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Nhà hóa học Albert Bauer tìm ra chất nitro musk (hay còn được gọi là Musk Bauer) một cách tình cờ vào năm 1888, khi nghiên cứu thuốc nổ TNT. Không lâu sau đó, ông đăng ký bản quyền ba hợp chất đã đóng vai trò quan trọng trong ngành pha chế nước hoa suốt hơn nửa thế kỷ sau là Musk xylene, Musk ketone và Musk ambrette. David Row, tác giả của cuốn “Hóa học và công nghệ trong các hương vị” (Chemistry and Technology of Flavours and Fragrances) viết rằng Ernest Beaux đã dùng đến 10% các chất nitro musk, nhất là Musk ketone trong No5. Đây là hợp chất đem lại mùi hương rất giống xạ hương Tonkin tự nhiên, có mùi thơm ngọt, phấn, ấm áp của da thịt. Musk ambrette có hương hoa và là một trong những thành phần chính của nước hoa L’Air du Temps nổi tiếng của Nina Ricci. Phải đến năm 1981, tính chất độc hại của nitro musk mới được phát hiện và từ đó, các nhà pha chế nước hoa bắt đầu sử dụng xạ hương nhân tạo “không nano”, như Galaxolide (Trésor của Lancôme) hay nhóm Macrocyclic musk, như Muscenone (Jean Paul Gaultier).

“Quả bom sex” Marilyn Moroe và “bộ đồ ngủ” đặc biệt theo tiết lộ của cô.

Nếu nói về tinh dầu oakmoss – hương liệu dùng trong nước hoa gần một thế kỷ nay và không vướng mắc vào các vấn đề mang tính nhân văn, nhân đạo nào thì kết thúc cũng lạc quan hơn. Các nhà hóa học đã tìm được cách “làm sạch” tinh dầu oakmoss khỏi hai hợp chất gây dị ứng là atranol và chloroatranol xuống dưới mức cho phép 1 phần triệu (1ppm) do Hiệp hội nước hoa thế giới IFRA quy định. Đây là một trong những hương liệu chính đã làm nên tên tuổi của Mitsouko (loại nước hoa gắn liền với vụ tự tử một tuần sau khi cưới của ông chồng xấu số của minh tinh màn bạc Jean Harlow; trên người ông đẫm hương Mitsouko – loại nước hoa yêu thích của cô vợ trẻ). Fan hâm mộ loại nước hoa kinh điển này của Guerlain, Chanel No19 (phiên bản vintage năm 1971) hay Angel (Thierry Mugler) đều có thể yên tâm tận hưởng hương ẩm ướt của đất, màu xanh của rừng và vị đăng đắng của tinh dầu oakmoss tự nhiên – tuy đây không hẳn là những hương thơm có thể quyến rũ được những ai quen với mùi thơm sạch sẽ của các loại nước hoa hiện đại.

Bài: Thành Lukasz

Hãy chia sẻ bí quyết làm đẹp của bạn với độc giả Đẹp Online bằng cách gửi thông tin, hình ảnh và công thức làm đẹp của bạn tới địa chỉ email lamdep@dep.com.vn. Bài được chọn đăng sẽ hưởng nhuận bút theo quy định chung của tòa soạn.

From the same category