Trong những ngày qua, bộ đôi siêu phẩm Lux A2.0 và Lux SA2.0 của VinFast được giới thiệu ở Paris Motoshow 2018 đã gây bão trên cộng đồng mạng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Sự kiện có sự góp mặt của tên tuổi lớn trong làng bóng đá – David Beckham – cùng những người nổi tiếng khác như Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy, Á hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 Hoàng Thùy, người mẫu Trần Quang Đại và nhiều hãng truyền thông lớn trên thế giới. VinFast là công ty thuộc tập đoàn VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đầu tháng 9/2017, VinGroup công bố thành lập dự án VinFast.
Với sự ra mắt hoành tráng như vậy, nhiều người nghĩ cuối cùng Việt Nam đã sản xuất được xe ô tô và tự tin khẳng định tên tuổi trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên mấy ai biết được rằng trước đó vài năm, đã có người nuôi mộng và sản xuất thành công xe ô tô “made in Vietnam” trên dây chuyền hiện đại, với giá thành dự kiến cực kì phải chăng. Nhưng tiếc thay đó là một giấc mộng không thành và dự án đã thất bại nặng nề.
Khởi đầu suôn sẻ
Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) của ông Bùi Ngọc Huyên khởi đầu là nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô. Giai đoạn đầu, công ty chuyên về nhập khẩu linh kiện và lắp ráp ô tô, thùng xe tải. Đây có thể nói là thời kì thịnh vượng nhất của Vinaxuki. Năm 2006-2009, nhà máy cho ra đời mỗi tháng hàng trăm xe tải lớn nhỏ cung cấp cho thị trường cả nước, với mức lãi thấp nhất 90-160 tỷ đồng/năm.
Nuôi mộng ô tô “Duyên dáng Việt Nam”
Vào năm 2009, ông Huyên đã quyết định đầu tư một số tiền lớn cho dự án ô tô sản xuất tại Việt Nam. Chiếc xe ô tô đầu tiên của Vinaxuki mang tên VG là chữ viết tắt của Việt Nam Graceful – Duyên dáng Việt Nam.
Thân xe được sơn màu đỏ 5 lớp và có 4 chỗ ngồi, động cơ là loại 1.5L của hãng Mitsubishi từ Nhật Bản có mức tiêu thụ xăng khoảng 6l/100km, bình xăng 45 lít; số sàn, lốp xe từ Nhật Bản; ghế, dàn DVD và đèn nhập từ Đài Loan. Tỉ lệ nội địa hóa của mẫu VG đạt đến 50%, tuy nhiên nó chưa được hoàn thiện một cách hoàn chỉnh khi còn thiếu cách âm, chốt mở cửa, điều hòa, v.v… Nhưng ông Huyên vẫn có thể lái đi được và ông cho biết đã chạy thử với xe hơn 1700km. Giá xuất xưởng dự kiến của VG là từ 350 đến 390 triệu đồng tùy cấu hình.
Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn không suôn sẻ khi dự án ô tô Việt của ông Huyên không thể huy động được vốn. Kết quả là dự án đã phải “đắp chiếu” trong thời gian dài, nhà máy sản xuất ngưng hoạt động và chiếc xe VG vẫn mãi là mô hình mà thôi. Cộng với việc công ty của ông Huyên chịu ảnh hưởng của thời kỳ khủng hoảng kinh tế vào năm 2010 khiến lợi nhuận ngày càng giảm, đỉnh điểm là năm 2012 với mức lỗ 45 tỷ.
Vẫn mơ về ô tô nội địa hóa
Tuy mọi việc không như ý muốn với ông chủ doanh nghiệp đã ngoài 70 tuổi này, nhưng ông Huyên cho biết ông vẫn muốn theo đuổi ước mơ lớn nhất của cuộc đời mình. “Nếu có tiền, tôi sẽ khôi phục lại, vẫn đi theo hướng nội địa hóa xe. Những chiếc xe ô tô nội địa bị chê bai chỉ vì nom xấu, nhưng đã ai thử ngồi lên nó, thử đi? Đừng chỉ biết chê bai nhau, chê bai sản phẩm do tâm huyết người Việt gây dựng, trong khi người nước ngoài họ thừa nhận sự khác biệt, sự đa dạng của tư duy”, ông Huyên trả lời phỏng vấn của báo Dân Trí vào năm 2017.
Dự đoán sự thành công của VinFast trong tương lai, ông cho biết với những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của nhà nước trong thời kỳ này, họ sẽ thành công và ông hoàn toàn ủng hộ việc làm đó. Dẫu biết rằng nền tảng của sản xuất ô tô sẽ là công nghệ và sức mạnh của ngành công nghiệp phụ trợ, thứ mà ở Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển một cách hoàn chỉnh, nhưng biết đâu tương lai VinFast sẽ mang ô tô Việt đi khắp thế giới, và Vinaxuki sẽ trở thành đối thủ của VinFast thì sao?