Vin Diesel: Gã cơ bắp trên đường đua

Nổi bật nhất trong số đó là loạt phim đua xe “Fast & Furious”, trong đó 3 phần Vin Diesel đóng vai chính thu về hơn 1,2 tỷ USD khắp toàn cầu, trong khi hai phần gã rút vai lại không thành công như mong đợi. Đó là lý do khiến Vin Diesel trở thành linh hồn của loạt phim tốc độ này. Phần 6 ra mắt trong tháng 5 tới là một trong những bom tấn đáng mong đợi nhất của năm 2013. Hãy gặp gã để thử lý giải xem tại sao loạt phim này, nói chính xác hơn, là chính gã trở thành thanh nam châm hút khách đến thế.

 

– Anh nghĩ “Fast & Furious 6” sẽ hơn “Fast Five” ở điểm gì?

– Tôi nghĩ phần 6 sẽ hay hơn phần 5 bởi nó sẽ xuất hiện thêm một vài yếu tố quan trọng của câu chuyện và các mối quan hệ sẽ bùng phát trong phần này. Nói tóm lại, tôi nghĩ Michelle Rodriguez sẽ làm cho phần 6 che mờ phần 5.

– Nhân vật của cô ấy đã biến mất kể từ phần 4. Có phải sự hấp dẫn của Michelle Rodriguez khiến đạo diễn quyết định tái sinh vai diễn của cô ấy?

– Đúng vậy. Vai diễn của cô ấy thực sự hấp dẫn và thiếu cô ấy, bộ phim thiếu một cái gì đó thật khó lý giải. Điều đặc biệt là Michelle luôn làm cho vai của cô ấy trở nên sống động và bắt khán giả phải nhớ tới.

– Các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng gì tới sự trở lại của nhân vật của Michelle Rodriguez?

– Chúng tôi đã nghe mọi người nói về Letty (vai của Michelle) và họ cũng biết một chút về việc chúng tôi có kế hoạch làm 3 bộ phim. Nếu bạn xem “Fast and Furious 4”, bạn sẽ thấy nó được thiết kế cho sự trở lại của Letty bởi vì đoạn kết mở và chưa có gì rõ ràng cả. Bởi nhân vật của cô ấy chưa nằm trong… cỗ quan tài. Thật thú vị khi nghe dư luận nói về việc họ quan tâm và yêu mến nhân vật đó như thế nào.

– Series Fast & Furios có lẽ là một trường hợp đặc biệt của Hollywood. Kể từ bộ phim gốc ra mắt vào năm 2001, nó đã gây một sự bất ngờ bởi thành công ngoài sức tưởng tượng, rồi tập này nối tiếp tập kia. Không ai ngờ, sau 12 năm đã có 6 tập phim và trở thành một “saga” hàng đầu của Hollywood. Hình như rất hiếm có một hãng phim nào chấp nhận làm một loạt phim mạo hiểm như thế này?

– Đúng vậy. Ba phần gần nhất 4, 5 và 6 – được coi như một bộ 3 phim và tôi nghĩ với việc này, phía hãng phim thật sự tin vào sự thành công của series.

Họ đã thay đổi quan điểm của mình về phim chuỗi và phim làm phần tiếp theo (sequels). Với ba phim đầu, bọn họ chỉ chú trọng khai thác thương hiệu của Fast & Furious. Nhưng cái mà chúng tôi nhận thấy rất rõ trong 2 phần gần đây nhất và phần này đó là sự gắn kết. Bạn chưa bao giờ nhận thấy Fast & Furious liên kết được với nhau đến như vậy: Fast Four kết thúc ở một cảnh dang dở, Fast Five kết thúc với lời hứa của Letty và đối với tôi thì đó là điều làm cho cuộc đua này trở nên hấp dẫn và giúp tôi thêm gắn bó với series phim này.

Vin Diesel và Michelle Rodriguez và Paul Walker trong Fast & Furious 6

  – Vậy chủ đề xuyên suốt của “Fast & Furious 6” là gì?

– Chủ đề trong phần 5 là “gia đình”, còn trong phần 6 là “lòng tin” .

– Thậm chí anh còn tham gia “Tokyo Drift” với vai trò diễn viên khách mời. Vậy nên hẳn anh cảm thấy rất gắn bó với chuỗi phim này?

– Đúng vậy. Sau bộ phim đầu tiên, tôi đã nói với mọi người tại hãng Universal rằng ‘Đừng nghĩ tới việc làm một phim khác nữa’. Tôi nói vậy bởi tôi bị ấn tượng rằng cách duy nhất để người ta làm phần tiếp theo đó là lập lại thương hiệu của bộ phim. Bằng nhiều cách, tham gia với vai trò diễn viên khách mời là cách để chúng tôi bắt đầu chuỗi 3 phim mới. Sự thật thì nó là một cách khá mạo hiểm bởi thật sự tôi có thể khiến khán giả hiểu nhầm.

– Anh đã từng làm việc trong một series phim lớn trước đó. Anh đã học được gì từ những thành công và thất bại trong quá khứ?

– Tôi đã học được vài điều trong đó có việc trân trọng kịch bản và tôi rất, rất trân trọng các tài năng viết ra các kịch bản tốt! Tôi học được điều đó từ phần tiếp theo của “xXx” và phần tiếp theo của “The Fast and the Furious” nhưng tôi chưa thực sự quan tâm tới điều này cho tới khi tôi đóng vai trò diễn viên khách mời và tôi nhận ra có một vài dự án và vài bộ phim kịch bản có thể phát triển tiếp. Thật vậy, đối với những nhân vật đã được mọi người công nhận thì tôi cần phải cẩn thận hơn một chút. Với một chuỗi phim như “Fast and Furious”, tôi nghĩ mình biết ban đầu có lẽ sẽ chẳng thể đạt được những thứ xa xỉ như giải thưởng cho kịch bản hay nhất – điều có nghĩa là bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn tuy nhiên bạn vẫn có cảm giác chiến thắng bởi khán giả có được sự tin tưởng vào thương hiệu của những nhân vật này.

– Sự thành công lớn của “Fast & Furious” còn giúp hồi sinh một series khác của anh là “The Chronicles of Riddick” và thậm chí các nhà sản xuất còn định làm phần tiếp theo của “xXx” nữa?

– Phần đầu của Riddick ra mắt vào năm 2004 và không thành công như mong đợi. Các nhà sản xuất buộc phải trì hoãn phần 2, dự định ra mắt vào năm 2006. Và đến bây giờ, sau gần 7 năm, phần 2 mới chuẩn bị ra mắt, với một diện mạo hoàn toàn khác. Tay điệp viên Xander Cage của “xXx” cũng sắp được tái sinh vì lý do tương tự. Tôi đã tưởng những nhân vật này sẽ ngủ quên vĩnh viễn, nhưng nhờ “Fast and Furious” và sự hâm mộ của khán giả, chúng tôi quyết định sẽ tái xuất. Tôi đã quyết định lập một trang facebook để cập nhật các hoạt động ở phim trường cũng như lắng nghe các ý kiến phản hồi của khán giả. Họ mong muốn nhân vật nào của tôi được xuất hiện trở lại, họ muốn tôi đóng cặp với ai, Samuel L. Jackson hay Dwayne Johnson? Quả là những thông tin và phản hồi hữu ích!

– Anh có nghĩ rằng các diễn viên và nhà sản xuất cần lắng nghe người hâm mộ của mình nhiều hơn không?

– Tôi nghĩ các studio, đạo diễn, những người đầu tư vào bộ phim phải hết sức lắng nghe những lời góp ý của khán giả bởi chúng hết sức giá trị. Chúng ta dùng rất nhiều tiền để làm các phép thử trong khi có cả một thế giới thông tin và phản hồi cần được lắng nghe. Do đó tôi nghĩ các xưởng phim cần lắng nghe các fan hâm mộ. Với vai trò diễn viên tôi đã từng nói điều này trước đây, nếu Clark Gable có 35 triệu người để kết nối có lẽ chúng ta đã được xem “Gone with the Wind 2”. Nếu chúng ta có Facebook vào lúc đó, có lẽ đã có 35 triệu người nói với ông ta rằng họ muốn xem gì và có thể đã có những phần sau của “Gone with the Wind” (cười lớn).

H.L


From the same category