"ViLi tuỳ bút" ấn tượng từ hình thức tới nội dung - Tạp chí Đẹp

“ViLi tuỳ bút” ấn tượng từ hình thức tới nội dung

Sự Kiện

Việc đưa 3 bài thơ vào tập tuỳ bút cho thấy nguyên thuỷ chất thi sĩ của tác giả luôn khao khát một cuộc sống đầy chất thơ.

 

Chất thơ là phong vị chủ đạo của cuốn văn xuôi này. Đặt tên sách là ViLi tuỳ bút, tác giả tự tin về chất lượng sáng tác và phong độ của mình ngay ở cuốn đầu tiên của thể loại tùy bút.

Tuỳ bút của ViLi, trước hết là tuỳ bút của một nhà thơ, không phải bây giờ mới viết văn xuôi, mà từ hơn 10 năm trước.

Cuốn sách dày 376 trang, khổ 15 x 22cm, in lần đầu 2.000 cuốn, gồm 5 phần. Nội dung của mỗi phần và trình tự các phần sắp xếp theo chủ đề và trình tự thời gian, tên sách, tên từng phần và tên tác phẩm được dịch tiếng Anh và Pháp bởi dịch giả Phan Huy Đường (Paris), Di Li (Hà Nội).

Bối cảnh tác phẩm mở rộng Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn, Varsava và dành nhiều ưu ái nhất cho 2 thành phố Paris và Thăng Long. ViLi đặt tên cho Thăng Long – Hà Nội là Ái thành. Thành phố 1002 tuổi không chỉ là thành phố vì hoà bình mà còn là thành phố của tình yêu. Ở đó, có tình yêu đôi lứa, tình yêu cho Ông Bà nội, tuổi thơ, những ước mơ.

Cấu trúc tác phẩm: được sắp xếp theo yếu tố tăng dần, càng về cuối sách càng nhiều suy nghiệm. Không chỉ còn là cảm hứng, cảm nghĩ, mà còn là thái độ của một nghệ sĩ trước xã hội, với đời sống. Chủ lực của mạch viết về Hà Nội là nhớ tiếc Hà Nội nên thơ, cổ kính và muốn giữ lại những vẻ đẹp vô giá, thanh bình, thơ mộng ấy. Hà Nội hiện đại cần được nâng niu những giá trị truyền thống và trầm tích văn hoá. Hà Nội có linh hồn, mà cây cổ thụ và hồ chính là biểu thị trực quan, thân thiết của linh hồn ấy, đang bị xâm hại, tàn phá thường xuyên. Xót xa, nâng niu cái đẹp, Vi Thuỳ Linh muốn giữ lại bằng văn chương của mình. Đó cũng là tiếng kêu phản ứng của một cây bút mẫn cảm và khảng khái.

Đáng chú ý, tuỳ bút dài nhất là tác phẩm 25 trang in viết về mối tình của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và hoạ sĩ Nguyễn Thị Hiền.

Trong đó, Vi Thuỳ Linh thể hiện năng lực thẩm định, phê bình và đưa đến cho công chúng một góc nhìn khác, sự thật toàn diện hơn. Không chỉ qua mối tình ấy, mà là tâm cảm thời đại ấy lồng trong phức cảm thời nay.

Ba tác phẩm chót là dạng tuỳ bút thơ, lấy cảm hứng từ tiếng đàn Cello của nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân, cây Cello hàng đầu VN đạt đẳng cấp quốc tế.

Tác phẩm sử dụng ảnh của những nghệ sĩ yêu Hà Nội: Nguyễn Quang Phùng, Nguyễn Ngọc Thái và ảnh chụp Paris của nhà báo Nguyễn Việt Thanh (TTXVN). Đặc biệt là các tác phẩm ký hoạ Thiếu nữ Mông Cổ Ulan Bator – tác phẩm cuối cùng của hoạ sĩ Vi Kiến Minh (1926 – 1981), ông nội Vi Thuỳ Linh. Cùng với các tranh vẽ phố Hà Nội, biển Đà Nẵng của Bùi Xuân Phái (1920 – 1988) và các bức tranh vẽ Lưu Quang Vũ, Nguyễn Thị Hiền hồi trẻ, tranh vẽ làng Phù Lưu quê gốc của HS Nguyễn Thị Hiền. Tất cả đều lần đầu công bố.

PV

Thực hiện: depweb

29/10/2012, 08:53