Việt Trinh: Ước Showbiz Việt ấm tình người như xưa - Tạp chí Đẹp

Việt Trinh: Ước Showbiz Việt ấm tình người như xưa

Sao

Thư tay, cơm cặp lồng và “no fanclub”…

Ngày đó, để được đóng một vai có thoại (chưa nói đến vai chính), Trinh và các bạn thường phải đóng qua mấy chục vai tì nữ, mà bọn Trinh gọi là “ti nu”, do đạo diễn đến tận trường casting. Thế mà hớn hở, vui mừng lắm vì được mời đi đóng phim, dù chỉ là mấy vai nhỏ xíu, có khi là cảnh lướt qua kêu “á” một cái rồi lăn đùng ra chết, hoặc vai quần chúng lướt qua mặt vai chính một lần… Rồi hồi hộp nôn nao chờ đợi phim chiếu, coi hoài, coi mãi không thấy mặt mình đâu, chỉ thấy có cái vai, cái lưng xuất hiện xa xa. Tới lúc được đóng vai thứ thì vô cùng mừng, lên vai chính thì mừng dữ lắm, mừng không ngủ được. Sau mấy chục vai không thoại, đến lúc được nhận vai diễn đầu tiên có thoại cũng là vai chính trong bộ phim “Hoa ti gôn mọc sau hè” thì… phim lại không được chiếu vì chất lượng quay không đạt.

Ngày đó phim ít nên đạo diễn chọn dữ lắm, còn bây giờ các bạn diễn viên trẻ có vai chính quá dễ dàng. Thời của Trinh trước kia, khi diễn không đạt, diễn viên rất sợ đạo diễn, phải năn nỉ xin đạo diễn cho mình được diễn lại. Giờ làm đạo diễn, Trinh rất “nể” những diễn viên không thuộc thoại, bảo họ diễn lại một vài lần là họ ngay lập tức cằn nhằn, nổi cáu với mình.



Những năm đầu thập kỷ 90, là thời kỳ hoàng kim của diễn viên điện ảnh Việt Trinh cùng với Lý Hùng, Diễm Hương… Cô ghi dấu ấn cả ở dòng phim nghệ thuật lẫn dòng phim thương mại – “mì ăn liền” thời bấy giờ, trở thành một trong những ngôi sao trẻ rực rỡ nhất và quyền lực nhất.

Ngày đó, phương tiện truyền thông ít, nghệ sĩ có tên tuổi cũng ít nên khán giả muốn gặp diễn viên hay ca sĩ rất khó. Vì thế mà sự ngưỡng mộ, trân trọng của khán giả dành cho nghệ sĩ dường như nhiều hơn bây giờ. Mỗi lần nghệ sĩ đến diễn hay giao lưu ở đâu đó là khán giả kéo đến đông kẹt mấy ngã tư. Mỗi dịp cô Lệ Thủy và chú Minh Vương (nghệ sĩ cải lương) đi diễn ở miền Tây, bà con mong chờ tới mức neo cả ngàn chiếc ghe để được gặp cô chú. Hay có lần Việt Trinh cùng chị Diễm Hương và anh Lý Hùng đi diễn ở Nghệ An, khán giả kéo đến giao lưu sập cả rạp hát…

Giờ thì nhà nhà đều có tivi và vô số kênh truyền hình, nghệ sĩ cũng nhiều, mở ti vi ra không gặp nghệ sĩ này thì cũng gặp nghệ sĩ kia. Gần như tối nào cũng có truyền hình trực tiếp, nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình nhiều quá, chưa kể còn trên mặt báo… nên sự háo hức mong chờ của khán giả cũng không còn được như ngày trước.

Nghệ sĩ ngày ấy không thành lập fanclub, chỉ có khán giả là những người thực sự yêu thích nghệ sĩ. Tình cảm của khán giả với nghệ sĩ rất rõ ràng, khán giả thích Việt Trinh khác khán giả thích Y Phụng và khán giả của Diễm Hương thì chỉ chung thủy với Diễm Hương… Bây giờ dường như người hâm mộ tham gia fanclub theo phong trào, một người có thể tham gia 6-7 fanclub. Không hiểu ai mới là nghệ sĩ mà họ yêu thích?
 

Những bộ phim đã làm nên tên tuổi của Việt Trinh phải kể đến: “Ngọc trong đá”, “Lệnh truy nã”, “Sao em nỡ vội lấy chồng”, “Sương gió biên thùy”… Đỉnh cao thành công trong sự nghiệp của cô là bộ phim “Người đẹp Tây Đô”. Đây cũng chính là tác phẩm đã trở thành “bất tử” gắn liền với tên tuổi của Việt Trinh.

Ký ức đẹp nhất của showbiz ngày ấy với Việt Trinh là mỗi khi nhận được thư tay khán giả. Cứ đến giờ nghỉ trưa là lại mang thư của khán giả ra đọc rồi viết thư trả lời ngay tại trường quay. Mỗi người mình trả lời khác nhau với tình cảm rất chân thật và lại hồi hộp chờ khán giả gửi thư lại. Cảm giác chờ đợi thư hồi âm thật khó tả. Có lẽ vì thế mà những lá thư tay của khán giả là tài sản mang giá trị tinh thần rất lớn lao đối với Trinh, điều rất hiếm có ở showbiz thời hiện đại. Thế nên trong nhà Trinh đến giờ vẫn còn giữ mấy bao tải thư tay của khán giả từ ngày ấy.

Sự cạnh tranh của các nghệ sĩ ngày đó cũng rất lành mạnh. Mọi người cố gắng diễn thật tốt để được khán giả yêu thích hơn, chứ không phải là mặc bộ đồ nào cho đẹp hơn bạn diễn để khán giả thích mình hơn họ. Cũng không bao giờ xảy ra điều tiếng cãi nhau trong hậu trường như bây giờ.

Ngày đó nghệ sĩ vẫn còn nghèo, mỗi lần đi diễn gần, Việt Trinh, chị Diễm Hương, Y Phụng, chị Hồng Đào thường mang cơm cặp lồng đến trường quay, đi diễn xa thì ăn theo đoàn. Trinh còn nhớ năm 91, khi đóng bộ phim “Xương rồng đen”, buổi sáng đoàn rang cho các diễn viên và ekip một chảo cơm, mỗi người chia nhau 1-2 chén, đâu có sướng như nghệ sĩ bây giờ – ăn cơm hàng ở phòng máy lạnh. 

Ngày xưa đi đóng phim phải đi xe của đoàn chứ không có xe riêng, 3-4 giờ sáng đã í ới gọi nhau lên xe, vui như chợ. Tuy nghệ sĩ thời đó cực khổ, nhưng gắn bó với nhau như một gia đình, ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung… Ban ngày quay phim, tối rủ nhau đi ăn chè, rồi ra biển chơi, 8 giờ tối phải trở về đoàn để sáng hôm sau dậy sớm quay tiếp. Đứa nào diễn không đạt tối về tủi thân nằm khóc là mấy đứa kia xúm vào dỗ dành…

Các bạn diễn viên trẻ bây giờ tuy cũng thân với nhau, nhưng sự gắn kết không được như ngày trước. Tuy ngồi với nhau đó nhưng mỗi người có một thú vui riêng, mỗi người ôm một chiếc điện thoạt lướt Facebook, Zalo, nghe nhạc… Cũng không thể trách họ được vì thời hiện đại mọi mặt đều tân tiến hơn, nhưng đúng là càng hiện đại thì mức độ gắn kết càng giảm đi trông thấy.

Ở tuổi ngoài 40, Việt Trinh đã trở thành đạo diễn với những bộ phim rất ăn khách như “Huyền thoại tím” đang phát sóng vào 20 giờ hàng tuần từ thứ 5 đến chủ nhật trên kênh HTV7, đạt raiting 5.5 triệu lượt xem; “Trở về 3” đang phát sóng trên kênh HTV9 lúc 22 giờ vào các ngày trong tuần. Hiện tại Việt Trinh đang làm giám khảo chương trình “Cùng nhau tỏa sáng” và dành thời gian chăm sóc con trai. Cô sẽ trở lại với các dự án vào đầu năm 2015.


Nhường váy cho bạn diễn

Nhắc đến những tình cảm đẹp ngày ấy, Việt Trinh không bao giờ quên ơn chị Lý Thu Thảo khi hai chị em đóng chung bộ phim “Ngọc trong đá”. Chị Thảo đóng vai chính, Việt Trinh đóng vai phụ. Chị Thảo lúc đó là đương kim hoa hậu còn Trinh là diễn viên chưa có tên tuổi, lại rất nghèo, Trinh đóng vai chính trong cảnh sinh nhật nhưng mặc đầm quá xấu, chị Lý Thu Thảo trong vai khách mời nhưng mặc đầm rất đẹp. Thấy sự khập khiễng đó, chị Thảo đã nhường chiếc đầm đẹp của chị cho Trinh, còn chị mặc lại chiếc đầm xấu của Trinh.  Nhờ cái đầm đó mà cảnh sinh nhật trong phim quay lên rất đẹp và Trinh được mọi người khen quá trời. Những hành xử đẹp như vậy, Trinh nghĩ rằng ít xảy ra ở thời điểm hiện tại.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngày trước phương tiện truyền thông chưa phát triển, mỗi khi muốn chuyển tin gì đó đến nhau khá là khó khăn. Thời hiện đại có cái hay hơn trước, ví dụ như mới đây trong giới nghệ sĩ có một bạn bị bệnh, nhờ có truyền thông đưa tin nhanh nên các nghệ sĩ chung tay góp sức rất nhanh và sự giúp đỡ đó được nhân rộng bởi rất nhiều tấm lòng. Hay các hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ, cũng nhờ có truyền thông mà tấm lòng của các nghệ sĩ đã đến được với họ…

Việt Trinh cũng rất mừng cho các nghệ sĩ trẻ thời hiện tại, bởi bây giờ các bạn trẻ có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, nổi tiếng nhanh hơn. Mừng vì các bạn rất nhanh có được vai hay, vai chính và đời sống nghệ sĩ cũng khá hơn không còn cực khổ như thế hệ của Việt Trinh ngày xưa. Mong rằng các nghệ sĩ trẻ luôn giữ vững phong độ, hãy cố gắng trau dồi thêm, đừng ngủ quên trên chiến thắng. Mới được 1-2 phim nổi tiếng đừng vội lạc quan quá, bởi không trau dồi thêm thì tài năng sẽ mai một và khó trụ lâu trong nghề.

Kể mà được chọn, Việt Trinh mong ước một bức tranh showbiz hiện đại, phát triển như ngày nay và mộc mạc, ấm áp và gần gũi như ngày trước. Giá như hai điều đó luôn song hành thì chắc chắn showbiz Việt sẽ mãi tuyệt vời trong mắt khán giả…


Diễn viên, đạo diễn Việt Trinh
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp
logo



Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dân của một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.


>>Xem thêm: Nghệ sĩ hài Xuân Bắc: Hội chứng “lâm – khốc – giật – độc”

Thực hiện: depweb

04/11/2014, 12:03