Việt Nam sẽ dư thừa hơn 4 triệu đàn ông

Chênh lệch xấp xỉ 130/100

Sáng 3/11, tại Hội thảo Quốc gia về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định tình trạng MCBGTKS ở nước ta đang trở thành vấn đề vô cùng cấp bách.

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng này chủ yếu do việc lựa chọn giới tính khi sinh bắt nguồn từ truyền thống ưa thích con trai tồn tại từ nhiều thế kỷ qua.
 
Theo đánh giá, MCBGTKS ở Việt Nam diễn ra khá muộn so với nhiều nước khác trên thế giới nhưng lại xảy ra với tốc độ nhanh trong khoảng 6 năm trở lại đây với diễn biến phức tạp và ngày càng lan rộng. Theo số liệu thống kê 3 tháng đầu năm 2012, tỷ lệ này đang ở mức 112,3/100.

Mức sống người dân càng giàu, tỉ lệ chênh lệch giới tính khi sinh càng lớn. Các khu vực ở thành thị có tỷ số chênh lệch lớn hơn vùng nông thôn với mức xấp xỉ 121/100 (bé trai/gái).

Số liệu đến hết năm 2011 cho thấy, hầu hết các vùng trong cả nước (trừ Tây Nguyên; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung) đã rơi vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Trong đó khu vực phía Bắc đang có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao nhất, nhiều tỉnh thành vượt mức 120/100 như Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Lào Cai, Lạng Sơn… Cá biệt tại Bắc Ninh là 125,5/100.

Mức chênh lệch cao nhất năm 2011 xảy ra tại Quảng Bình ở ngưỡng 127/100.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo, nếu không được can thiệp tích cực nhằm giảm tốc độ gia tăng MCBGTKS, tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng và có thể lên ngưỡng 125/100 vào năm 2020 và duy trì cho đến 2050.

Với tốc độ như vậy, dự báo đến năm 2049, cả nước sẽ dư thừa 12% nam giới ở độ tuổi dưới 50 (tương đương 2,3 – 4,3 triệu người).

Sự mất cân bằng giới tính sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khó lường như tệ nạn xã hội, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ em, nạn mại dâm, tội phạm tình dục… ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Khó kiểm soát

Theo TS. Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), tỷ số chênh lệch giới tính ở nước ta vẫn đang ngày một tăng và rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên ngay được.

Do đó, trước mắt chỉ có thể khống chế tốc độ gia tăng của tỷ số giới tính khi sinh để không vượt quá 113/100 vào năm 2015 và duy trì ở mức 115/100 vào năm 2020.

Theo đánh giá, tình trạng MCBGTKS rất khó kiểm soát ở mức cân bằng tự nhiên (Ảnh minh họa)

 Theo đánh giá, tình trạng MCBGTKS rất khó kiểm soát ở mức cân bằng tự nhiên (Ảnh minh họa)

Theo TS Trọng, dù chúng ta đã xác định được nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch chủ yếu do việc lựa chọn giới tính khi sinh, song trên thực tế chưa có biện pháp và các chế tài đủ mạnh để quản lý hệ thống phòng khám tư.

“Rất khó để bắt quả tang các phòng khám thông báo giới tính thai nhi cho thai phụ. Các phòng khám này chỉ thông báo bằng miệng chứ không hề ghi trên phiếu siêu âm nên không có bằng chứng, căn cứ để xử lý theo pháp luật”, TS. Trọng cho biết.

Đến nay, mới có 2 phòng khám tại Hưng Yên bị xử phạt (bằng chứng có được do nhà báo ghi hình). Mức xử phạt ở mức từ 3-7 triệu đồng.

“Tại Hàn Quốc, ngay từ những năm 1990, ngoài áp dụng hình thức xử phạt hành chính, cơ quan chức năng nước này đã tiến hành rút giấy phép hành nghề, đóng cửa phòng khám vi phạm việc tiết lộ giới tính thai nhi”.
GS. Guilmoto, chuyên gia của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA)

 

Từ thực tế đó, TS. Dương Quốc Trọng cho rằng việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân là quan trọng nhất. Khi họ không có nhu cầu biết giới tính, tỷ lệ chênh lệch sẽ lui về mức cân bằng.

Để làm được điều điều này, công tác vận động, tuyên truyền phải đặc biệt được đẩy mạnh. Tuy nhiên trong năm 2013, nguồn kinh phí 123 tỷ đồng hỗ trợ truyền thông cho công tác dân số đã bị cắt hoàn toàn. Điều này đồng nghĩa nguồn kinh phí cho các CTV dân số ở thôn, bản và cán bộ chuyên trách ở cơ sở của các địa phương sẽ không còn.

Trước thực tế này, TS. Dương Quốc Trọng cho biết hiện vẫn chưa biết lấy kinh phí ở đâu để bù đắp và tiếp theo sẽ làm công tác dân số như thế nào.

Theo Minh Anh
Vietnamnet

From the same category