Những cú chạm “đầu tiên”
“Thủa ấy xứ Đoài” là câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ… diễn ra trên một sân khấu lần đầu tiên có tại Việt Nam – tái hiện lại nguyên bản không gian cổ với rặng tre, cây đa, bến nước, sân đình, với diễn xuất của hơn 140 nông dân vùng Sài Sơn – Chùa Thầy (Quốc Oai, Hà Nội). Những người dân thuần chất đã kể câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, tình yêu, đức hiếu học và đạo nghĩa cũng như sự gắn kết giữa thiên nhiên vùng đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước ngàn năm lịch sử.
Một trong những điểm độc đáo của vùng đất Sài Sơn chính là nghệ thuật múa rối nước. Cho nên dùng không gian nước vừa tạo ra vẻ đẹp tự nhiên, vừa tạo ra sự mát mẻ, thoáng đãng, phù hợp với nhu cầu giải trí về văn hóa, phát huy được thế mạnh về cảnh quan cũng như các tiết mục.
Lấy thực cảnh thiên nhiên làm nơi biểu diễn với khán đài 2000 chỗ ngồi, tựa lưng vào cánh đồng lúa bát ngát, mặt hướng về ngọn núi Thầy huyền thoại, giữa khung cảnh bao la, rộng mở, là một sân khấu mênh mông hơn 3000m2 mặt nước. Thấp thoáng sau lũy tre, những mái ngói rêu phong ẩn hiện, vừa gần, vừa xa, khung cảnh cổ tích được phục dựng công phu, chăm chút từng chi tiết, hầu hết phần trình diễn đều diễn ra trên mặt nước.
Bên cạnh đó là những hiệu ứng bom tấn lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, đó là ngôi nhà đình nặng hàng tấn, dài 20m chạy ra sau rặng tre, là Thủy Đình nguyên bản nặng gần 10 tấn từ từ nổi lên từ độ sâu 10m dưới đáy Long Trì; là trên đỉnh núi Thầy cao trăm mét, hàng chục ngọn đèn như hào quang tỏa chiếu, tô điểm cho hình ảnh của Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh (sư trụ trì đầu tiên của Chùa Thầy) hiển linh; là hàng trăm ngọn đèn thắp sáng rực cả rừng tre xanh ngắt, nhuộm cả mặt hồ mênh mông.
Đến cảm xúc thật
Không chỉ lạ về cách thể hiện, “Thủa ấy xứ Đoài” còn chạm tới cảm xúc người xem khi Việt Tú chủ trương hướng đến yếu tố “vô ngôn” trong tác phẩm dàn dựng của mình. Dù lấy từng tích trò có sẵn trong dân dân, những khúc đồng dao, điệu nhạc nguyên bản, nhưng đạo diễn chương trình lại hướng đến việc làm ra một tác phẩm mà trẻ – già, lão – ấu, người Việt cũng như người khắp năm châu đều hiểu được. Hiểu sâu sắc rằng, muốn ra thế giới phải dùng ngôn ngữ quốc tế, muốn có ngôn ngữ quốc tế phải thấu đáo sâu sắc tính địa phương, Việt Tú đã hoàn toàn tạo ra những cú chạm trong cảm xúc của người xem từ những phân cảnh đầu tiên.
Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc: “Đất nước mình có cảnh quan và tích truyện rất phong phú. Tôi cho rằng đây là thử nghiệm rất hay và tôi biết hiện nay có không ít người có những ý tưởng tương tự. Lâu nay người ta vẫn hay biết đến những tác phẩm như thế này ở vùng phía Nam Trung Quốc, nơi có cảnh quan rất gần gũi với Việt Nam. Đây là sự gợi ý rất tốt để chúng ta học hỏi nước bạn. Vấn đề là khi thực hiện, chúng ta phải đưa được vào yếu tố văn hóa rất tốt. Và rõ ràng, với tác phẩm này, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về điều đó”.
Thừa nhận của nhà sử học cũng chứng tỏ tâm nguyện đề cao địa phương tính trong tác phẩm của Việt Tú thành công. Đặc biệt, sử dụng chính người dân địa phương, để họ kể lại câu chuyện lịch sử của mình, Việt Tú đã để họ biểu diễn với lòng tự hào về chính miền đất, di sản văn hóa của mình. “Tôi rất thích cảnh vinh quy bái tổ bởi nhìn thấy sự cẩn trọng của người tổ chức từ trang phục đến đạo cụ. Đây là một sự tái hiện giúp rất nhiều người trẻ trước nay chỉ được xem qua ảnh, qua phim sẽ thấy truyền thống hiện về rõ ràng và gần gũi” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Nhưng “Thủa ấy xứ Đoài” ghi dấu ấn không phải bởi sự ngây ngô của những diễn viên không chuyên. Việt Tú đã dựa trên phần diễn xuất vẫn giữ nguyên được sự thuần thành, vô tư, xúc động của những nông dân, nhưng đào tạo họ trở thành những người hát múa, nhảy, di chuyển đội hình không thua diễn viên chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố không thể thiếu đã làm nên thành công cho vở diễn chính là âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, được thực hiện bởi nhóm Master Fader (những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic). Với hai đường dẫn chính: nhạc dân gian nguyên bản và world music đã tạo ra sự kết nối liền mạch tính dân tộc và hiện đại.
Với vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam, một lần nữa Việt Tú đã khẳng định nhãn quan, vị thế tiên phong của mình trong môi trường nghệ thuật Việt Nam. Nếu năm 2002, anh bước vào nghề với “Nhật thực” của Hà Trần, sau đó là những tác phẩm sân khấu giải trí để lại dấu ấn như “Cơn ác mộng của người thợ may” (Đẹp Fashion Show 3), thực hiện các sự kiện giải trí được thị trường đón nhận như “Không gian âm nhạc”. Gần nhất, vở diễn “Tứ Phủ” về nghi lễ hầu đồng đã mang đến những thành công và tiếng vang trên bình diện quốc tế, góp phần vào hành trình đưa Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ trở thành Di sản văn hoá phi vật thể nhân loại UNESCO. Lần này Việt Tú đã thực sự tạo ra cú nổ mới với “Thủa ấy xứ Đoài”, nhưng nó nhắc nhở chúng ta, anh ấy chưa dừng lại.