Giống như một quả anh đào nhỏ, trái tim dài chưa tới 2cm này chỉ bằng 1/100 quả tim thật, tuy nhiên, nó có cùng cấu trúc như một quả tim thật với đầy đủ các tế bào, mạch máu, tâm thất và tâm nhĩ.
Với thành quả đột phá được cho là đầu tiên trên thế giới, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (Israel) hồi trung tuần tháng Tư vừa qua đã tạo ra một trái tim nhỏ từ mô người bằng công nghệ in 3D.
Đột phá y học này có thể đem lại hy vọng cho các bệnh nhân tim mạch.
Nhìn ngoài giống như một quả anh đào nhỏ, trái tim dài chưa tới 2cm này nhỏ hơn khoảng 100 lần so với một quả tim thật. Tuy nhiên, nó có cùng cấu trúc như một quả tim thật, với đầy đủ các tế bào, mạch máu, tâm thất và tâm nhĩ.
Quan trọng hơn, trái tim này được tạo ra từ vật liệu sinh học là mô và tế bào của chính bệnh nhân, mang lại tính tương thích sinh học cao, giúp giảm rủi ro trong quá trình cấy ghép.
Nhóm nghiên cứu đã lấy tế bào mỡ từ bệnh nhân và lập trình lại thành các tế bào gốc đa năng trước khi biệt hóa chúng thành tế bào tim và nội mô.
Các nhà khoa học sau đó pha trộn các tế bào biệt hóa này để tạo thành “mực in sinh học.”
Quá trình in mất khoảng 3 tiếng rưỡi để hoàn thành. Dù thoạt nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng trái tim này là thành tựu của những nỗ lực kéo dài suốt 4 năm.
Theo các nhà khoa học, vật liệu sinh học đóng vai trò quan trọng nhất cho thành công của quá trình in 3D. Họ đã từng thất bại nhiều lần để tìm ra vật liệu lý tưởng.
Các bệnh về tim mạch là nguyên nhân hàng đâu gây tử vong cho con người trên khắp thế giới. Trong khi đó, cấy ghép tim hiện là phương pháp duy nhất cho các bệnh nhân được chẩn đoán suy giảm chức năng tim.
Chính bởi vậy, nghiên cứu trên cho kết quả đầy hứa hẹn về một giải pháp điều trị mới trong tương lai.
Bài: VietnamPlus