– Thật lòng nhé, tôi không nghĩ “Scandal” là một kiểu phim đi sâu vào văn hóa của người Việt mình…
– Đúng là mình có văn hóa riêng của mình, nhưng con người nhìn chung giống nhau, đều phải đối mặt với những ước mơ, những khao khát và những nỗi sợ hãi như nhau. “Scandal” là một kiểu phim nói về những điều đấy.
– Anh có từng nghĩ giả sử mình thuộc hẳn về một nơi, thì biết đâu điện ảnh của mình đã khác?
– Không, tôi rất thích vị trí hiện tại của mình, vì nó mới chính là tôi. Tôi đón nhận mọi thứ thuộc về mình như một món quà, và tôi khai thác chúng.
Nhiều người trong gia đình từng hỏi, sao tôi sinh ra ở Mỹ mà không xin vào làm cho một hãng phim ở Mỹ, khi đó tôi không biết giải thích thế nào. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình không cần giải thích gì hết. Có những thứ không nói được thành lời.
Lỡ mình không khôn ngoan thì sao?
– Sau nhiều năm cuốn theo những cuộc chơi ly kỳ, thật bất ngờ khi nghe nói anh bị hút bởi một truyện như “Hoa vàng trên cỏ xanh”. Một bước ngoặc hay một cuộc nghỉ ngơi lấy sức?
– Là cảm giác của tôi thời còn đi học về điện ảnh, mới mà không mới, cái thời mà mọi thứ rất trong trẻo và cách mình nhìn điện ảnh hoàn toàn mộc mạc. Nó giống như một cuộc đối thoại giữa riêng mình với nghệ thuật, không cần phải suy nghĩ đến những vấn đề khác. Trong một phân đoạn, mình không cần quan tâm công thức, cao trào thế nào, kịch tính ra sao… cũng không cần nghĩ quá nhiều về phản ứng của khán giả. Tôi muốn khi xem một bộ phim kiểu vậy, khán giả không bị chi phối bởi những thứ như kỹ thuật hay nội dung. Tất cả là cảm xúc và không khí mình tạo ra. Ví dụ, một người ngồi ngoài sân, anh ta chảy mồ hôi, nội dung chính của cảnh đó là chảy mồ hôi, vậy thôi. Tôi muốn né cụm từ “phim nghệ thuật”, tôi không dùng nó, bởi bản thân tôi nghĩ phim nào cũng là nghệ thuật.
– Hơi mâu thuẫn nhỉ, một người thích phiêu lưu trong những câu chuyện phức tạp lại có lúc dừng chân để tìm về sự giản dị…
– Khi theo đuổi thể loại ly kỳ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình phải làm một phim ly kỳ tốt nhất có thể. Ly kỳ là sở trường lẫn sở thích của tôi, nhưng như tôi nói, tôi rất nhớ khoảng thời gian còn học điện ảnh của mình. Lúc chưa biết nhiều về phim, nếu ai đó hỏi tại sao thích bộ phim đó, câu trả lời của mình chỉ đơn giản là “Vì tôi thích vậy” hoặc “Vì tôi xúc động”. Nó là cảm giác thật nhất và tôi rất nhớ nó.
– Nghe có vẻ kỳ lạ, sau rất nhiều năm làm phim và khẳng định được chỗ đứng của mình, tới tận bây giờ, anh lại muốn đi tìm một sự “xúc động” sao?
– Với tôi, câu chuyện cảm động nhất trong “Hoa vàng trên cỏ xanh” là nói về hai anh em, mà người anh lại rất tàn nhẫn với người em. Đọc tới đoạn này, tôi gần rơi nước mắt, vì tôi thấy mình trong đấy. Tôi có một cậu em trai, khi tôi đang tuổi lớn thì cậu em vẫn còn bé bỏng. Hồi đó mình rất ích kỷ, ích kỷ giống nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đó vậy, thậm chí ích kỷ đến nỗi mình đã tỏ ra hơi tàn nhẫn với em trai mình. Còn em mình lại thần tượng mình, nó chỉ muốn đơn giản là làm sao được gần gũi với anh thôi. Mình đi đâu nó cũng muốn đi theo, trong khi mình chỉ biết tới bạn bè. Có lần cậu em van nài được theo tôi đi đá banh, tôi nói ok, nếu đi thì em phải ngồi yên một góc. Nó hứa, và nó ngồi một góc thật, ngồi dưới trời nắng to. Sau khi tôi chơi xong, cậu em chạy lại, mồ hôi nhễ nhại, vừa khóc vừa hỏi: “Thấy em có ngoan không?”. Lúc ấy tôi đã rất đau, nên sau này khi đọc “Hoa vàng trên cỏ xanh”, tôi hiểu được tâm lý của nhân vật.
– Anh có ngạc nhiên về bản thân vì sự xúc động đó không?
– Hơi hơi. Cuốn sách buộc tôi phải nhớ lại khoảng thời gian đó, và khi nhớ lại thì tôi đã rất buồn. Cái cảm giác này, tôi nghĩ nó không hề tốt cho mình, nhưng nó nhắc nhở mình về sự nhân văn, để mình biết rằng mình vẫn là con người sau tất cả những gì mình trải qua, bên cạnh những góc tối còn có nhiều điều trong trẻo.
– Quyết định làm “Hoa vàng trên cỏ xanh”, anh thật sự chỉ muốn tìm về điện ảnh thuần khiết hay một sự tính toán xa hơn, như tham dự LHP quốc tế chẳng hạn?
– Nếu tiếp tục làm thêm một phim ly kỳ nữa, chưa chắc tôi đã khai thác nổi những gì thú vị trong kịch bản, và nó sẽ trở thành lối mòn, mà bạn cũng biết, tôi là người luôn đi tìm cảm hứng ở những thứ mới mẻ. “Hoa vàng trên cỏ xanh” là tinh thần của tôi ở hiện tại. Có lẽ bởi sợ mất cảm giác với điện ảnh nên tôi cần khởi động lại mọi thứ. Còn nói về chuyện tính toán, tôi nghĩ mình thích gần gũi với điện ảnh hơn là những tính toán.
– Hay nói một cách đơn giản là anh sợ mình bị cũ kỹ đi?
– Tôi luôn coi bản thân là đối thủ lớn nhất của mình. Vì thế tôi rất dễ rơi vào trạng thái không hài lòng. Nói gì thì nói, công việc của tôi lệ thuộc vào cảm hứng rất nhiều. Mất cảm hứng là điều nguy hiểm nhất.
– Tạm bỏ qua sáng tạo nhé, với phụ nữ thì sao, anh cũng luôn đòi hỏi sự mới mẻ chứ?
– Tôi nghĩ con người và đam mê là hai chuyện khác nhau. Câu chuyện giữa mình và đam mê của mình dễ dàng hơn nhiều. Đam mê nghệ thuật cần cảm hứng, có cảm hứng rồi thì cái gì cũng làm được. Còn đàn bà, họ là một cơ thể sống, mình không thể xem họ giống đam mê, dĩ nhiên, tôi không phủ nhận việc họ đem lại cảm hứng cho mình. Trong một mối quan hệ, tôi coi trọng nhất là tình cảm, mất tình cảm rồi thì coi như xong, xinh đẹp, tài năng, giỏi giang… mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.
– Anh có phải là người dễ cạn tình không?
– Tình cảm cuối cùng chính là sự chia sẻ và thấu hiểu. Tôi không tin vào tình yêu từ cái nhìn đầu tiên, tất cả đều cần đến thời gian. Nói thế này cho dễ hiểu, tôi thuộc kiểu người nóng tính, nhưng tình cảm đủ mạnh có thể biến tôi thành một người rất kiên nhẫn.
– Nhân nói về sự nóng tính, quả thật có nhiều người nói Victor cực kỳ nóng tính. Đã từng có cơn giận nào đem lại cho anh hậu quả nặng nề chưa?
– Rất nhiều lần trong cuộc đời. Tôi không thể kiềm chế được cơn nóng giận của mình, trong vòng năm phút “bốc hỏa”, tôi sẽ trở nên xa lạ. Khi nổi giận, mình làm tổn thương người khác. Tôi biết rõ mình là người không để bụng, qua cơn giận, mình sẽ quay lại trạng thái bình thường ngay, nhưng sự tổn thương mà mình gây ra cho người khác là mãi mãi, và không biết họ giữ sự tổn thương đó tới bao lâu. Biết đâu họ là người không dễ bỏ qua, đồng nghĩa với việc khi đó mình đã mất họ rồi.
– Hỏi một câu tế nhị, anh có nhận thấy mình khá yếu đuối không?
– Nói tôi là người có nhiều mặc cảm thì đúng hơn. Với mỗi dự án điện ảnh, tôi lại có cảm giác như lần đầu tiên làm phim vậy. Tôi tin vào ý tưởng của mình, nhưng lúc nào cũng không dám chắc rằng mình có làm được điều mình đang nghĩ không. Thật ra, tôi rất quyết liệt với đam mê của mình. Sau bao nhiêu năm, tôi biết rõ bản thân mình hơn ai hết, cả những khả năng lẫn giới hạn. Tôi có một vài điểm yếu khó khắc phục, đó là nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Tôi rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, nên đôi khi phải diễn. Rõ ràng tôi không thích vậy, mặc dù sau bao nhiêu năm trong nghề, tôi cảm giác gần như ai cũng diễn giỏi để che giấu những mặc cảm, điểm yếu, tự ti của họ. Tôi thấy mình chẳng thực sự sống, sống 50% và đối phó 50%, ba hồi đeo mặt nạ, ba hồi không, đi đâu cũng vác theo mặt nạ dự phòng. Đó là một trong những lý do khiến tôi không muốn tiếp xúc nhiều.
– Sao anh không lựa chọn đối mặt hay phớt lờ thay vì né tránh?
– Dễ hiểu thôi, người ta có câu “Nếu không có gì tốt để nói thì tốt nhất đừng nói gì”. Tôi thà không nói gì còn hơn nói những lời không thật. Lẽ dĩ nhiên là không phải lúc nào tôi cũng nói những lời tiêu cực. Như bạn đã biết, điểm yếu của tôi là ít khi kiềm chế cảm xúc được trước một ai đó muốn làm mình tổn thương, và chính bản thân tôi cũng nghĩ một trong những điều khổ sở nhất của con người là phải kiềm chế. Người khôn ngoan là người biết chỗ nào hợp để nói và lúc nào cần thiết kiềm chế, nhưng con người đâu phải luôn khôn ngoan. Tôi chọn cách tránh, vì lỡ mình không khôn ngoan thì sao!
Nếu đem so sánh, tôi nghĩ mình mạnh mẽ trong niềm đam mê điện ảnh hơn trong một mối quan hệ xã hội.
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!
Bài: Nguyễn Khắc
Nhiếp ảnh: Gem Visual
Hiệu ứng hình ảnh:
Hellos
Địa điểm: M2M cafe, 4B Lê Quí Đôn, Q.3, TP.HCM
>>> Có thể bạn quan tâm: Sau những phim đầu tiên, cả thành công lẫn va vấp, trong khi thế giới điện ảnh ngày càng thênh thang chào đón Victor Vũ thì cái thế giới của chính anh lại ngày càng khép kín. Mà giả dụ nếu Victor có mở toang cái thế giới của mình ra, người đối diện anh vẫn nên giữ thái độ chừng mực. Hãy coi đó là một rạp chiếu phim, người ta đến rạp chỉ để coi phim, đừng nói nhiều, đừng xả rác, đừng chụp ảnh… cứ thưởng thức những gì đang diễn ra trước mắt, một cách tránh làm tổn thương nhau.