Vi Thùy Linh: Những cơn bão, tuổi 25 và sự thay đổi - Tạp chí Đẹp

Vi Thùy Linh: Những cơn bão, tuổi 25 và sự thay đổi

Bộ Sưu Tập

Vi Thùy Linh tự nhận: “Trên con đường thi ca, tôi luôn bị giật tóc, bị cấu, bị véo. Tôi bị đau nhưng không bỏ cuộc”.

5 năm, sau hai tập thơ “Khát” và “Linh” gây nhiều tranh cãi, Vi Thùy Linh sẽ tái xuất thi ca bằng tập thơ mới được in song ngữ Việt – Pháp với sự chuyển ngữ của các dịch giả nổi tiếng Dương Tường, Phạm Toàn (Châu Diên) và dịch giả trẻ bằng tuổi với cô – Cao Việt Dũng. Cô cũng là nhà thơ nữ đầu tiên (sau hai nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và Nguyễn Việt Hà) được Trung tâm Văn hóa Pháp mời giao lưu với độc giả tại L’Espace HN.

Nữ thi sĩ 25 tuổi, gây nhiều sóng gió trong dư luận và luôn tạo cảm giác bất ổn cho nhiều người này đang đặt rất nhiều hy vọng vào tác phẩm mới của mình.

Tôi là một người phụ nữ đáng được yêu
 
Chị gửi gắm điều gì vào “con ngươi của mắt”?

Đó là cách nhìn nhận của tôi về thế giới, tình yêu, khát vọng làm mẹ, khát vọng được chu du khắp nơi, được khám phá con người. Và hơn tất cả, tôi muốn bằng con mắt tình yêu cải hóa thế giới. Khi yêu, đồng tử của tình yêu giúp mình nhìn nhận về thế giới đẹp đẽ, trong trẻo, để mọi sự cằn cỗi được hồi sinh, được trinh bạch trở lại.

Tôi muốn thơ tôi đánh thức những người yêu nhau sẽ yêu nhau hơn, những người chưa biết yêu nhau thì hãy yêu nhau thành thật trong cuộc sống mà sự trần trụi, sự huỵch toẹt đang tràn lan, nhiều người mất đi sự lãng mạn và tưởng tượng của tâm hồn, không sống với giới tính của mình, phụ nữ thiếu nữ tính, đàn ông thiếu mạnh mẽ, nam tính.
 
Bản thân chị có tự tin về nữ tính của mình?

Tôi là thơ 100%, và thơ là sự phản ánh tâm hồn, văn hóa của tôi. Tôi kiêu hãnh vì là một trong những người sống và làm việc trung thực trong suốt 10 năm qua, chưa bao giờ sử dụng bất cứ mối quan hệ hay ưu thế nào ngoài năng lực văn học để có chỗ đứng trong độc giả. Tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng dịu dàng. Nhưng với những người hiểu tôi và có sự đồng cảm thì tôi có nhiều cơ hội để bộc lộ nữ tính của mình.
 
Khi nào chị sẽ không dịu dàng?

Đó là khi tôi mất bình tĩnh vì bị hiểu sai hoặc gán những điều tôi không làm. Tuy nhiên, bây giờ tôi đã biết che giấu. Gặp những trường hợp như thế tôi thường im lặng và bực một mình trong phòng. 
 
Lí do của sự thay đổi này?

Do nhận thức. 5 năm qua, tôi đọc nhiều, đi thêm được nhiều nơi. Khi thế giới quan rộng mở hơn cùng tri thức được nạp vào, tôi chín chắn hơn. Nó cũng là quy luật của sinh học.

Một cô gái 20 tuổi sẽ khác cô gái 25 tuổi, cái khác cơ bản nhất là sức chịu đựng tốt hơn. Trước kia bực mình tôi thể hiện thái độ ngay. Bây giờ tôi nhận ra mỗi ngày đi qua, cuộc đời ngắn lại, tôi quý thời gian vô cùng và muốn dâng hiến nó cho tình yêu riêng tư, cho nghệ thuật chứ không phải những cuộc tranh luận vô bổ.
 
“Ăn đòn” dư luận nhiều cũng làm chị mềm mại hơn?

Chưa bao giờ tôi nghĩ mình bị “ăn đòn”. Theo đuổi thi ca đối với tôi là một con đường dấn thân tự nguyện và sự tận hiến ấy đòi hỏi một sự tận tụy. Tôi là một trong số ít người dám chết vì thơ. Chết ở đây không phải… tắt thở, mà là có thể chịu mọi khổ ải và cật lực vì thơ.

10 năm qua tôi đã phải chịu đựng rất nhiều cơn bão. Tôi không thích dùng từ “ăn đòn” để nói về mình. Vì nếu là một đứa trẻ, tôi không phải đứa trẻ hư, nếu là một nhà thơ thì tôi là một nhà thơ đáng yêu, và nếu là một phụ nữ thì tôi là một phụ nữ đáng được yêu!
 
Nếu thơ của chị hay, chị đáng yêu, sao không để thơ và bản thân con người chị hóa giải thay lời nói?

Trong mấy năm qua tôi đã im lặng làm việc, nhưng chị nói hôm nay chúng ta trò chuyện để độc giả hiểu hơn về tôi nên tôi muốn tái khẳng định mà thôi! Có người ví tôi là Hồ Xuân Hương khi bộc lộ những thèm khát nhục thể của mình. Nhưng Hồ Xuân Hương là một người bị động. “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung/Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, bằng nỗi ấm ức, nỗi đau đớn, thậm chí cay cú về sự thiệt thòi của kiếp lẽ mọn, bà ấy phản kháng, còn tôi chủ động phản kháng.

Tôi muốn phụ nữ phải được yêu, được nâng niu, đàn ông phải đúng với nam tính của mình. Muốn vậy, trước hết mình phải thành thật mình ra để đòi hỏi, kêu gọi điều đó trong thơ. Tôi không sợ mở toang ngôi nhà, cả cửa lớn cửa bé. Nhiều khi sau bức tường lại có một cái tủ được ẩn giấu?! Tôi thích bằng cách tiết kiệm thời gian, người ta hiểu mình nhanh để đỡ phải khó hiểu. Tôi rất ghét sự giả dối, lưu manh, âm mưu.
 
Đừng định kiến bằng Linh 20 tuổi

Hẳn chị từng nhận được nhiều lời nhận xét: Vi Thùy Linh là người vĩ cuồng?

Theo tôi hiểu, vĩ cuồng là một kẻ bằng mọi giá để người ta biết đến mình, bằng mọi thủ đoạn, thao tác để đẩy công danh sự nghiệp của mình lên, nhiều khi hoàn toàn là giá trị ảo. Ở đâu cũng xuất hiện, không đủ sự sang trọng và thầm lặng để biết chỗ nào nên đến, chỗ nào nên từ chối. Tôi không nghĩ mình vĩ cuồng mà là kiêu hãnh một cách trực diện.
 
Thế còn tính bốc đồng?

Nghệ sĩ đích thực thường mắc bệnh cực đoan và bốc đồng, yêu ghét trực cảm. Trước đây có gì không ưng là tôi phản ứng dữ dội, quyết liệt. Bây giờ cũng quyết liệt nhưng thuyết phục hơn. Muốn thuyết phục phải bằng lập luận, mà lập luận phải bình tĩnh chứ không phải cáu, quát ầm lên. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự từng trải và cả tuổi tác nữa.
 
Chị có nghĩ cái tôi tự tin của mình đôi khi bị “lố” trong mắt người khác, làm giảm giá trị thơ của chị?

Tôi không nghĩ mình làm cái gì ngoài khuôn khổ nhân cách của một người phụ nữ. Nếu ai hỏi tôi có tài không? Tôi sẽ trả lời có, người ta lại nói tôi không khiêm tốn. Người ta hỏi thì tôi trả lời, còn người khác có quyền đánh giá. Cũng như tôi cao 1m60 thì không thể tự nhận là một người lùn.

Tôi thừa nhận là mình làm mất lòng nhiều người vì sự thẳng thắn, nhưng tôi không làm gì “lố”, thiếu văn hóa. Không ai hoàn thiện nhân cách lúc 20 tuổi. Tôi đang dần hoàn thiện hình ảnh của mình để ngày càng đẹp hơn. Hãy gặp Linh của 25 tuổi, đừng định kiến bằng Linh 20 tuổi để kết luận toàn thể cuộc đời tôi. Nhất là 20 tuổi mới là chặng khởi đầu của cuộc đời, mà tuổi trẻ thì tất yếu sẽ có sai lầm.
 
Linh 25 tuổi có khiêm tốn hơn Linh 20 tuổi?

Đúng hơn là biết im lặng hơn để nói đúng lúc. Tôi thường cắt giấc ngủ để đọc sách, vốn kiến thức đó giúp tôi rất nhiều về mặt nhân cách và khả năng chịu đựng. Tôi nghĩ tất cả khổ ải của mình rồi cũng được đền đáp.

Bằng chứng là tôi đang được đền đáp dần, khi rất nhiều người đang chờ đợi tập thơ của tôi. Ca sĩ Tùng Dương hứa sẽ mua 50 cuốn vì yêu quý thơ tôi, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng nói sẽ mua hỗ trợ tôi 100 cuốn. Sự đón nhận này đã làm tôi thức đêm suốt hai tháng qua để chỉnh sửa từng câu một.
 
Trong hai tập thơ trước, những đánh giá cực đoan thường tập trung vào những bài thơ mà chị thể hiện bản năng giới tính một cách mạnh mẽ như “Khỏa thân trong chăn thèm chồng” hay bị suy diễn như câu “Ngày cuối tháng ngày em chóng mặt”… Trong tập thơ mới, chị có còn làm độc giả “chóng mặt” bởi những câu thơ kiểu này?

Người ta thường nói mỗi ngôi nhà là một tổ ấm, xã hội tập trung của rất nhiều tổ ấm, còn tôi muốn dùng biểu tượng chiếc giường. Chiếc giường là nơi những người yêu nhau nằm bên nhau, có những người không yêu nhau vẫn phải lấy nhau và nằm bên nhau. Những đứa bé ra đời vì tình yêu cũng ở trên chiếc giường ấy. Những đứa bé ra đời không phải vì tình yêu mà vì cơn say, vì lỡ làng cũng ở trên chiếc giường ấy. Chiếc giường là biểu tượng phức hợp.

Với những người chỉ có khả năng hiểu giường là giường chiếu theo kiểu tình dục đơn thuần thì tôi không nghĩ phải mất sức lực để thuyết phục họ yêu thơ mình. Vì những độc giả ấy không có khả năng để cảm thụ nghệ thuật và ý tưởng đẹp đẽ của tôi. “Ngày cuối tháng” trong thơ chỉ là một trạng ngữ thuần khiết. Với đối tượng luôn tiếp nhận nghệ thuật bằng cái đầu đen tối và suy diễn, hiểu ngày cuối tháng theo kiểu khác, cũng như hiểu chiếc giường theo kiểu “ngày cuối tháng” thì tôi không có nhu cầu chinh phục họ thêm vào lượng độc giả của mình. Tôi cực đoan và sẵn sàng gạt bỏ. 
 
Ngôn từ trong thơ chị cũng thường tập trung quá nhiều vào cái “tôi” mang tính cá nhân, đó là cách “tiếp thị” của chị?

Không phải “tiếp thị” mà là cái tôi mãnh liệt. “Tôi” là sự hóa thân chứ không phải bản thể thực tế. Thậm chí thơ của tôi giải tỏa hộ khát vọng của cả những người lớn tuổi nhưng vẫn khao khát tình yêu. Quá mạnh mẽ vì tôi dám sống và dám thể hiện thái độ sống. Phan Thị Thanh Nhàn “Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm”, còn tôi thay vì nấp ở ngoài cửa sẽ đến thẳng bên anh ấy và nói: “Em yêu anh và em sẽ chờ anh về”. Thay vì cô gái nhà quê bứt cỏ phừn phựt và chạy ù trên đê khi người yêu hỏi “em có yêu anh không?”, thì tôi không bao giờ bỏ chạy, mà sẽ nói “em yêu anh và khi nào chúng ta làm đám cưới?”. Tôi nghĩ việc kín đáo hay bày tỏ thuộc về cá tính và bản lĩnh của mỗi người.
 
Luôn có trên một người đàn ông yêu tôi!

Mấy năm trước cái tên Vi Thùy Linh thường trở thành đề tài tán gẫu của nhiều văn nghệ sĩ và giới công chức khi ngồi quán xá. Chị có biết không?

Tôi thương mình kinh khủng. Bố mẹ sinh ra tôi, một con người không đến nỗi nào về cả hình thức và nhân cách, vậy mà tôi luôn bị mang ra làm đề tài để “băm vằm chém mổ”. Tôi yêu mình, thương mình, nên tủi thân và xót xa lắm, nhất là khi tôi không thể đi gặp từng người để thanh minh, nên cách tốt nhất là im lặng và làm việc.

Nếu trước đây người ta đồn, thậm chí chỉ thẳng vào tôi nói thơ Vi Thùy Linh chẳng ra gì, tôi sẽ nổi khùng, hoặc ít nhất cũng trừng mắt lên xem đó là ai. Bây giờ tôi bình thường tập trung nói chuyện với bạn, mặc dù ngay bàn bên cạnh người ta đang cố tình chửi tôi hoặc vô tình không biết tôi đang ngồi đấy. 
 
Còn bây giờ, điều gì làm chị sợ hãi nhất?

Bây giờ tôi thấy sợ thời gian. Tôi tự tin vào thanh xuân của mình, nhưng lại luôn ám ảnh thời gian của đời người quá ngắn. Khi tôi nói điều này với bố, ông nói: “Con sợ thời gian hơi sớm”. Nhưng tôi thấy 25 tuổi biết sợ thời gian là tốt, không phải sống gấp, mà để mình biết sống một cách tận lực và đàng hoàng hơn. Sống thành thật để đến già không phải ân hận. Tôi thấy buồn cho những đồng niên của tôi, họ đã đốt thời gian cho vũ trường, thuốc lắc, nghiện hút và những cuộc tình dễ dãi.
 
Chị thường bày tỏ nỗi cô đơn của mình, có thể hiểu sự cô đơn này thế nào?

Đó là cảm giác rất yếu đuối. Không phải đòi hỏi được che chở, vỗ về từ một người đàn ông thực thể bên cạnh, nhưng trong sâu thẳm tôi cô đơn vì quá nhạy cảm. Đó cũng là điều trời đày đấy. Hiệu ứng đám đông của những người mất phương hướng cũng làm tôi cảm thấy cô đơn.

Tôi như một người lao lên phía trước, một mình đi một con đường, không phải mình cố tình khác người, nhưng con đường đó là mình, mà “solo” thì cô đơn thôi. Nhưng nhà văn, nhà thơ đau khổ và cô đơn có nhiều cảm xúc để tung ra tác phẩm hơn, còn hân hoan, cười nói hỉ hả chắc là khó viết lắm. 
 
Chị đủ “ấm áp” về một người đàn ông thực thể?

Tôi luôn có trên một người đàn ông yêu tôi! Người yêu hiện tại của tôi hơn tôi cả trình độ, sự thành đạt lẫn kinh nghiệm sống. Anh ấy đang ở xa, là một độc giả yêu thơ của tôi. Có thể sau 27 tuổi tôi sẽ lấy chồng!/.

Thực hiện: depweb

27/10/2005, 16:45