Chỉ là vì, chị lại sắp trở lại, nhưng lần này, vẻ như không định “mang theo (quá nhiều) bí mật”, khi chọn Đẹp là nơi đầu tiên để chia sẻ.
Một phần nữa, nằm ngoài câu chuyện trở lại, là những nhận định thẳng thắn về một bộ phận showbiz Việt, ở tác giả của những câu thơ đột phá, cùng những phát ngôn gây sốc trong hơn 10 năm qua.
“Có thể không giàu, nhưng nhất định phải sang trọng”
– Vẫn là thơ chứ, nhà thơ Vi Thùy Linh?
– Không, lần này khác, cùng lúc xuất bản: “ViLi & Paris” (song ngữ Việt – Anh), gồm 30 bài thơ viết chủ yếu ở Paris; “ViLi tùy bút” – tập văn xuôi đầu tiên của Vi Thùy Linh. Bìa sách được thiết kế bởi Ngô Nhật Hoàng – một designer tiếng tăm trong giới thiết kế. Hiện, tôi đang làm dự án nghệ thuật ra mắt 2 cuốn sách (dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng 9 tới), sẽ là một đêm đặc biệt với sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn và lần đầu tiên, văn chương sẽ được vinh danh tại “thánh đường” Nhà hát Lớn Hà Nội…
– Thêm lần nữa, lại là câu chuyện “liên tài”?
– Đúng vậy! “Liên tài”, hay nói cách khác là sự cộng hưởng, giao thoa giữa thơ và các loại hình nghệ thuật khác. Liên tài, với nhiều nghệ sĩ danh tiếng: danh ca Lệ Quyên – nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam (từ Paris), 2 NSƯT Thanh Lam và Tấn Minh, nghệ sỹ violin Bùi Công Duy, NSND quan họ Thúy Hường, NSƯT cello Trần Thị Mơ, NSƯT saxo phone Quyền Văn Minh – Quyền Thiện Đắc…
Chưa hết, lần đầu tiên, nhạc sĩ Nguyễn Cường sẽ chơi cello và nhà sử học Dương Trung Quốc sẽ thổi clarinet, nhạc sỹ Đỗ Bảo chơi piano… Đố bầu sô nào mời được Nguyễn Cường chơi cello đấy, vì chú đã hứa “chú chỉ chơi cho đêm ViLi!”. Các minh họa của các hoạ sĩ nổi tiếng: Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Phạm Quang Vinh, Hoàng Phượng Vĩ sẽ được trưng bày tại sảnh nhà hát, trên nền nhạc của những bản tình ca bất hủ. Một số trích đoạn tùy bút đặc sắc nhất sẽ được thể hiện bởi các nghệ sĩ kịch nói: NSND Hoàng Cúc, Minh Hòa, NSƯT Anh Tú, Phú Thăng. Tác giả kịch bản: Vi Thùy Linh. Tổng đạo diễn – thiết kế sân khấu: họa sĩ Lê Thiết Cương. Dẫn chương trình: nhà báo Lê Quang Minh (VTV1)…
– Ôi, những cái tên! Thời buổi này mà thơ lại xin được tài trợ “khủng” thế sao?
– Để có những cuộc gặp với các doanh nghiệp, là do tên của tôi. Doanh nhân và nghệ sĩ cùng hợp tác là làm sang cho nhau.Tôi gọi dự án này là dự án “8 số 0” vì mức độ đầu tư cho nó. Một đêm cống hiến đỉnh cao mà phần tài năng và công sức đã được các nghệ sĩ tài trợ, song vẫn phải chi phí nhiều. Bằng những con số đó, tôi muốn phá bớt định kiến đã tồn tại ở ta là doanh nghiệp không mấy mặn mà với văn học. Tại sao lại cứ tài trợ cho bóng đá mà hầu như đá trận quan trọng nào cũng… thua? Sao cứ tài trợ cho những chương trình ca nhạc mà hát là phụ, nhảy (và hở) là chính nhỉ?
– Nhiều người nổi tiếng tình nguyện “diễn chùa” cho Vi Thùy Linh, thật ư?
– Chính xác! Thời buổi khó khăn, sự thực dụng tràn lan, nhưng nghệ sĩ đích thực thường không tính toán khi vì nhau xứng đáng. Tôn vinh văn học tại Nhà hát Lớn, sao không? Sao không phải là thơ, là văn học, mà lúc nào cũng cứ phải là ca, vũ, kịch…? Văn học là gốc cơ mà! Sao văn học lại không được quyền sang trọng? Sao nhà thơ nhà văn cứ phải là hình ảnh dặt dẹo, khổ sở, xiêu vẹo như trên các bộ phim truyền hình Việt Nam? Sao chưa ai tôn vinh văn học theo cách của tôi? Sao yêu mà lại không làm gì cho “người yêu” của mình? Sao cứ ngồi đấy mà tin “hữu xạ tự nhiên hương”, giữa thời đại thông tin, cỏ mọc tràn hoa? Ngày nay, tác phẩm hay mà câm nín, không có chuyện “hữu xạ”! Vô số hàng rởm bày đầy ra đấy, lôi kéo, chiếm lĩnh các diễn đàn, những “quả nổ” không biết ngượng đã và vẫn có thể làm đám đông bị lôi kéo. Đúng, có thể không giàu, nhưng tôi nhất định phải sang trọng!
– Nhưng sang quá, có sợ người ta lại càng kén thơ không? Hoặc giả, “liên tài” quá, thơ không khéo đang “chính” lại thành “phụ” đấy nhé!
– Các cụ bảo rồi, “y phục xứng kỳ đức”! nếu thơ Vi Thùy Linh (lần này thêm cả văn) không hay không lạ, không được nhiều người thích, Linh lấy đâu tự tin mang thơ vào Nhà hát Lớn, đặt nó ở vị trí trung tâm. Vợ chồng họa sĩ Thành Chương – Ngô Hương khi đọc tùy bút của Linh đã trầm trồ cảm động về cụm từ “ái thành mãi mãi”. Theo họ, giá sắp tới có bộ phim về Hà Nội xưa, đặt tên “Thăng Long – Ái thành mãi mãi” (phần 5 trong tập tùy bút của Linh) thì tuyệt! “Ái thành/ Ái tiệc/ Dệt tầm gai” là một ít trong số nhiều từ do ViLi tạo ra và giữ bản quyền.
– Kìm chế! Kìm chế! Cẩn thận không lại bị cho là “nổ” đấy, nhà thơ ạ!
– Riêng cái đó ViLi không bao giờ sợ! Tôi là người thật, việc thật, đã nói là làm. Cuộc sống vốn vô số cái nhìn ngược chiều. Tôi không để tâm cái gọi là “dư luận phiếm chỉ” kiểu “nghe nói, nghe đồn”. “Dư luận” không đáng một xu nếu nó là những tin trôi nổi, vô nguồn, không có tên, chả biết ai nói, nói lúc nào, trong hoàn cảnh nào, vô tình hay hữu ý…
“Gây sốc cũng có ba bảy loại”
– Những người nổi tiếng kể trên, có ai giải thích cho chị biết lý do họ nhận lời giúp chị không?
– Chị có vẻ thích dùng từ “liên tài” nhỉ? Chị tin có điều đó thật sao, ở ta?
– Liên tài quá đi chứ, bằng ấy người nổi tiếng là rõ quá còn gì! Không liên tài giỏi, sao tôi mời được họ? Vi Thùy Linh đâu phải là đại gia, là “cấp trên” mà họ phải lấy lòng? Sở dĩ tôi hay dùng chữ “liên tài”, bởi luôn muốn cổ súy cho điều tốt đẹp đó, giữa đời sống văn nghệ mà chủ yếu là sự “đố tài”. Một bối cảnh không thuần làm nghề, thường bị chi phối quá nhiều bởi sự hiềm tị; bởi một thứ dư luận không đâu, không đáng; bởi những “nhà phê bình ất ơ” chuyên xem phim qua báo, nghe nhạc qua tai người khác và đọc sách qua tin đồn; những kẻ không làm mà nói, hoặc chỉ chuyên phá đám, không muốn công nhận tài năng của người khác… Làm nghệ thuật ở Việt Nam vì thế rất mệt! Bởi vậy, với đêm diễn tới đây tại Nhà hát Lớn, tôi hy vọng cái được tôn vinh ở đây không chỉ là văn chương nghệ thuật, mà còn là vẻ đẹp cộng hưởng. Rằng, sự tử tế và hòa thuận vẫn tồn tại, thăng hoa đẹp đẽ giữa những nghệ sĩ chân chính có cùng khát khao cống hiến…
– Chị tin rằng mình là người tử tế?
– Đương nhiên! Trước hết, là người làm nghề tử tế. Ít ra, trong sự chịu học, chịu nghe, chịu xem, chịu đọc, giữa một đời sống văn nghệ mà không ít kẻ tuy mang danh văn nghệ sĩ nhưng không chịu nghe, chịu xem, chịu đọc ai bao giờ…
– Điều gì khiến chị nghĩ chị liên quan đến… Đẹp? Khi Đẹp rất hiếm khi “hầu chuyện” nhà thơ, nếu như không muốn nói, Vi Thùy Linh là ngoại lệ, lại còn có tới hai lần…
– Thì là vì tôi đẹp chứ sao! (cười)
– Vì sao chị tin là mình đẹp?
– Trước hết là tôi không giả, không nhạt! Tôi thật, nồng nàn, quyết liệt. Tôi không chiều thiên hạ bằng những lời lẽ tròn trịa êm tai, không viết vì thị hiếu thứ cấp. Tôi không giống đám đông để bị lẫn…
– Tôi nghĩ những phát ngôn gây sốc lúc này có thiếu đâu nhỉ? Nếu như không muốn nói là đầy rẫy trong showbiz Việt!
– Vấn đề là gây sốc để làm gì và có gì trong những phát ngôn gây sốc kia? Gây sốc cũng ba bảy loại, có loại gây chết người, có loại giúp người ta tỉnh ra và ít nhiều, giúp câu chuyện tốt lên. Tôi chưa bao giờ chủ định gây sốc cả, chỉ hay nói thật với tần suất cao. Trong nghệ thuật, phải khác thường; trong đời sống, tôi chỉ khác những người quen gặp ở chỗ: dám là mình. Còn ai đó bị sốc chẳng qua họ không dám là mình, hoặc đã quá quen lời lẽ êm tai, về hùa, nói leo và ‘‘diễn’’…
“Dân văn phòng sẽ có ngày gục ngã vì Vi Thùy Linh!”
– Thường sau mỗi dự án thơ, chị thường “dọa” đi lấy chồng. Lần này có thế nữa không?
– Chồng và thơ nhất quyết “không đội trời chung” sao?
– Tôi không giỏi “xen canh gối vụ” được như người ta, mà chỉ có thể “chuyên canh”, làm tốt được từng việc một ở từng thời điểm. Chẳng hạn lúc này, sau khi bị 2 tập sách kia vắt kiệt (khiến tôi sút 4 kilogam), tôi bê bát cơm còn chả thiết, làm sao còn đủ sức… ôm hôn? Mà đã yêu thì phải hôn, thích nhất là hôn, hôn sâu và hôn lâu…
– Ai bắt chị phải lấy chồng nào, vẫn sinh con tốt (nếu muốn)! Đầy người nổi tiếng còn hơn chị, mà họ còn chả sợ!
– Cố ý không lấy chồng mà vẫn sinh con, tôi cho đó là ích kỷ, nếu những người mẹ chỉ nghĩ đến mình, sự tự do của mình, sở thích làm mẹ của mình, khả năng bất chấp dư luận của mình, mà không nghĩ đến việc một đứa trẻ lớn lên không có đủ mẹ đủ cha thì sẽ bị khiếm khuyết suốt đời trong tâm hồn với một ký ức đầy dấu hỏi. Người phụ nữ giỏi mấy cũng không thay thế được đàn ông. Một đứa bé thiếu cha, sinh ra và lớn lên ngoài giá thú sẽ không thể bình thường về tâm sinh lý.
– Ô, tôi không nghĩ Vi Thùy Linh lại “phong kiến” thế đâu nhé!
– Không, tôi tư duy hiện đại, nhưng vẫn trân trọng những giá trị kinh điển, tinh hoa truyền thống. Chính vì thế mà tôi vẫn luôn cố gắng nuôi dưỡng sự lãng mạn sau nhiều thất vọng, chán ngán về những biến tướng, xô lệch khi con người như ngày càng vô cảm với đồng loại, thiên nhiên. Tôi ngán một Hà Nội mở rộng, có những công dân Thủ đô nói ngọng, những tên phố, tên đường (trong đó có những cái tên đã trở thành linh thiêng) bỗng được nhân đôi, nhân ba… Một đời sống văn nghệ có quá nhiều sự háo danh, ai ai cũng muốn nổi thật nhanh, kiếm tiền thật nhanh, kể cả bằng cách láu cá, bằng mọi giá không từ… Tôi ngán cảnh người ta xúm đen xúm đỏ để xem một tai nạn trên đường, hay một clip sex trên mạng, một “sự cố lộ hàng’’ (mà phần nhiều là cố ý), hơn là chịu mất thời gian chịu nghe, chịu đọc, chịu xem nhau.
Tôi buồn và lấy làm tiếc khi một người bạn của tôi là ca sĩ Thu Minh, người tôi yêu mến dõi theo vì nỗ lực, vì tài năng là thế lại làm thấp mình đi bằng những bộ trang phục quá đà. Tôi ngán hiện tượng một loạt người ‘‘nổi tiếng’’ lên báo khoe chuyện họ làm “single mom”, như thể đấy là cả một “chiến công”, mà không nghĩ rằng những lựa chọn, quan niệm sống ấy của họ có thể sẽ tác động đến một bộ phận giới trẻ là những fan ruột của họ. Ngán những “mỹ từ”: “người đẹp”, “nổi tiếng”… đang bị “rẻ hóa”. Ngán cả một loạt “hội chứng giả”: mông giả, ngực giả, lúm đồng tiền giả, cằm giả, mũi giả…, và tệ hại hơn là bằng giả, bộ mặt giả, nhân cách giả…
– Chị có biết là nhiều trong số những người “xúm đen xúm đỏ” mà chị vừa nói ở trên chính là… dân văn phòng không?
– Sẽ có một ngày đẹp trời, dân văn phòng sẽ phải gục ngã vì Vi Thùy Linh sau tất cả những cái sến, rẻ tiền và rách việc kia. Nếu như họ chịu đọc Vi Thùy Linh một cách thực sự.
– Còn nếu như họ nhất định “cài then”, không chịu đọc?
– Thì có nghĩa với họ, thi ca nghệ thuật thua clip sex hoặc ảnh nóng (!).Và một khi đã thế, với đối tượng công chúng ấy, tôi xin phép khước từ!
Bài: Thư Quỳnh
Nhiếp ảnh: Passion/361Studios
Trang điểm: Đỗ Nguyên
Trợ lý: Kiều Diễm
Trang phục: Kén (108 Hàng Trống, Hà Nội)
Địa điểm: Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace
24 Tràng TIền, Hà Nội