Vi Thùy Linh: "Cần có tiền để thực hiện sự lãng mạn" - Tạp chí Đẹp

Vi Thùy Linh: “Cần có tiền để thực hiện sự lãng mạn”

Sao

 

– Đã kì công thực hiện 2 cuốn sách rất đẹp, chị lại tổ chức thêm cả một đêm nghệ thuật. Như vậy có cầu kì và nặng hình thức không?

– “Bay cùng ViLi” diễn ra tối 1/12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội là cuộc hẹn khổng lồ. Tôi gọi đó là một Gala tinh hoa hội tụ nhiều nghệ sĩ và khách mời như: NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hoà (kịch nói), Ngô Hoàng Quân (cello), nhạc sĩ Ngọc Đại, nhạc sĩ Đỗ Bảo, Thanh Lam….

Chương trình này tôi đầu tư không dưới 500 triệu. Số tiền chắc chắn lớn hơn nhiều nếu các nghệ sĩ lấy cát-sê, nhưng họ đã ủng hộ tôi miễn phí. Đến ngày 29/11/2012, 586 ghế của nhà hát đã có chủ, do tôi mời tận nơi. Và không bán vé, dù ai trả giá nào.

– Tôi thấy chị làm việc rất chi tiết qua những số liệu. Là một nhà thơ, điều đó có quá kì lạ không?

– Để thực hiện một sự lãng mạn thì cần có tiền. Tôi không phải là một nhà kinh tế, mà những con số cứ thúc bách mình. Chúng va đập, giục giã vào tôi như một gánh nặng mà tôi phải lo toan. Tôi xoay sở, vật vã, khó khăn, có lúc bị túng bấn. Tôi vẫn làm và không bỏ cuộc.

– Được biết chị chỉ được ngủ 3 tiếng/ ngày vì dự án này?

– (Mỉm cười). Đã nửa năm nay tôi không được ăn cơm với bố mẹ. Một tháng nay tôi thường xuyên ăn trưa vào lúc 4 giờ chiều và ăn tối sau 23 giờ đêm, có hôm lại họp ở nhà đạo diễn Phạm Việt Thanh đến 1 giờ sáng, về mới ăn tối. Quá nhiều việc mà hầu hết đều phải qua tôi hoặc tác giả phải đảm đương.

Tôi không có ý định tập dượt làm một bầu sô, nhưng quả thực trong dự án “Bay cùng ViLi” tôi là nhà sản xuất. Tất cả mọi thứ từ chuyên môn đến cơm áo gạo tiền tôi đều phải lo lắng. Tôi muốn cho khán giả thấy văn chương – nghệ thuật khác có thể tương hỗ, thăng hoa, làm sang cho nhau. Nếu đây là một cuộc chơi, thì tôi là tay chơi thứ thiệt.

Ai bảo Vi Thuỳ Linh “đánh bóng”? Tôi đủ thương hiệu để không bao giờ phải làm điều đó và không đối thoại với những ai nhỏ nhen, kém văn hoá. Đa số họ không hề đọc sách và không xem nhưng lại hay bình phẩm. Thời gian sao không dành để lao động?

Những nghệ sĩ hoàn toàn là những người nổi tiếng, tài danh. Họ dễ bị tôi huy động để tôi “đánh bóng” thế sao? Tôi không phải là người có chức quyền, giàu có… Họ nhận lời tôi vì: Thứ nhất, tôi đã sống tử tế với họ một quá trình, nên khi tôi nhờ, bày tỏ, họ đồng cảm và muốn góp sức cùng tôi. Thứ hai: họ trọng tài tôi như tôi trọng tài họ. Thứ ba: họ biết, làm với Vi Thuỳ Linh là cùng làm một khát vọng cống hiến lớn. Thứ tư: họ sẽ được phô diễn tài năng của mình cho những khán giả tinh hoa của thủ đô. Đây là một hiện thực rất quý hiếm.

 

“Khán giả của tôi là giới tinh hoa” 

– Chị đã viết về nhạc cổ điển trong thời điểm rất ít người quan tâm đến nó (bây giờ thì đã nhiều hơn). Sau đó là mỹ thuật, kịch nghệ và ballet… Bây giờ tôi thấy khách mời của chị còn có giới thể thao?

– Cuộc bay này vui, vì có những khách mời không đơn điệu. Hoàng Vĩnh Giang, Nguyễn Hồng Minh hay Phan Anh Tú không đơn thuần là những nhà thể thao, họ là những người rất yêu chuộng văn hoá và hiểu biết – dân Tây học. Tôi cho rằng sự quảng giao trong đời sống là một tín chỉ. Hơn nữa, việc được yêu quý bởi những người có danh phận trong xã hội cũng là một giá trị của mình.

Nghệ sĩ Ngô Hoàng Quân đã phải hoãn mổ ruột thừa để có thể chơi cello cho “Bay cùng ViLi”. Nghệ sĩ ballet Nguyệt Thu vừa trải qua một cuộc phẫu thuật mà vẫn nhiệt tình chịu đau chuẩn bị bài múa cổ điển, biên đạo, trình diễn. Tôi cảm động vô cùng, biết ơn vô cùng.

Khách của tôi là khách đặc tuyển. Tôi có quyền đó, vì không bán vé. Từ cách đây 2 tháng, tôi đã lập danh sách, gần đây gọi điện cho từng người xác nhận trước khi trao vé. Tôi tin rằng ê kíp sáng tạo và người thưởng thức đều ý thức được giá trị chân xác của đêm nghê thuật này.

– Đối tượng khán giả là giới tinh hoa. Vậy chị có để ý đến khán giả bình dân – những người không có danh phận trong xã hội, vẫn khát khao được nghe/xem chị trình diễn?

– Tôi mong muốn được cống hiến cho họ, nếu tôi có thể mở rộng chương trình, có nhà tài trợ. Làm ở sân vận động là ý tưởng lãng mạn. Rất cần có đủ tiền, thậm chí nhiều tiền để thực hiện tự lãng mạn. Hai phạm trù tưởng mâu thuẫn mà lại quyết định nhau.

Tinh hoa luôn thuộc về số ít, nhưng tinh hoa có ảnh hưởng. Tôi mở màn từ mô hình này, gợi ý sống động đồng nghiệp của tôi có thể cống hiến ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nữa, liên kết chúng để tạo hiệu ứng. Nghệ sĩ chèo Thanh Ngoan đã hát Xẩm ở chợ Đồng Xuân 6 năm không một đồng thù lao, còn bỏ tiền túi, bền bỉ duy trì nghệ thuật dân gian này. Tôi không muốn chỉ là đơn lẻ mà nhiều tài danh hợp lại sẽ tạo nên một làn sóng mới, một chấn động khó quên. Lẽ nào chúng tôi lại không làm được một đêm cống hiến?

“Văn chương Việt Nam đã mặc cảm, tủi thân kéo dài”

– Chương trình có vẻ nhiều màu sắc quá! Làm thế nào để nhận ra nội dung chính?

– Văn chương tình tự cùng âm nhạc. Chính xác là như vậy! Đó là trục chính xuyên suốt của chương trình, được thể hiện bằng kịch nghệ, ballet, sắp đặt…. Sẽ có khói ở cao trào, và hiệu ứng ánh sáng đặc biệt. Giám đốc hình ảnh Lê Thiết Cương khẳng định, từ chiếc ghế cho nghệ sĩ ngồi đến mọi chi tiết trên sân khấu đều được trang bị mới tinh. Đẹp và sang trọng.

– Tôi hình dung ra một Nhật thực lần thứ 2. Chị có nghĩ đến một giải Cống hiến cho đêm diễn lần này?

– Tôi không làm nhằm đoạt một giải thưởng cụ thể, bởi vì bản thân chương trình của tôi đã là một cuộc cống hiến ngoạn mục. Giải thưởng mà tôi nhận được là sự tán thưởng của 600 khán giả, là sự cháy vé khiến tôi ù tai khi nghe điện thoại đòi trách, giận dỗi; là sự chộn rộn khó kiểm soát.

Tôi cũng không làm vì những kỉ lục mà vì những đồng nghiệp của tôi. Những bạn văn của tôi dường như đã quá nhiều mặc cảm, nhiều yếu đuối và hình như có cả tủi thân nữa. Họ không bao giờ nghĩ đến việc muốn làm một cái gì đó “sang”. Đây không phải là một sự ồn ã mà là sự tối giản sang trọng.

– Chị có thể mô tả chi tiết về một tiết mục trong chương trình?

– Tôi cho rằng NSND Hoàng Cúc sẽ “hạ gục” khán giả trong nhà hát. Trong vai một người đàn bà thành thị tiếc nuối những cánh đồng, bà đã đầu tư thiết kế bộ váy tím sang trọng để thể hiện “Cánh đồng cứu rỗi” của tôi. Và bà đã tìm ra một cách diễn hiện đại/ sâu sắc nhất, sẽ có khóc, cười… Và lần đầu tiên trong lịch sử, tuỳ bút sẽ được diễn kịch.

– Là tuỳ bút nào sẽ trình diễn thưa chị? Có thể tiết lộ được không?

– “Cánh đồng cứu rỗi”, “Bình minh thiên đường”, “Tháng 4 thương tháng 8” và “Hà Nội dấu hương” – tác phẩm cuối cùng, là cao trào có sự tham gia của tất cả các nghệ sĩ. Chúng tôi quyết tâm làm một cuộc chấn động.

Hoàng Cúc là diễn viên chịu đọc văn học nhiều nhất ở Hà Nội mà tôi biết. Chúng tôi gắn bó và đồng cảm tâm hồn, thôi thúc chinh phục những gì lớn hơn mình. Bà có thể phân tích về văn học như một nhà phê bình, nhờ vậy tôi không cần phải diễn giải mà chỉ cần đưa văn bản cho bà. Bà nắm bắt tinh thần và thể hiện nó một cách xuất sắc. Tổng đạo diễn Phạm Việt Thanh và tôi đều đặt niềm tin vào phần tái xuất của Hoàng Cúc.

– Chị sẽ ra sân khấu trong tiết mục đầu tiên?

– Tôi sẽ không xuất hiện, chỉ có tiếng nói thôi. Tuy có chút hồi hộp, song tôi phấn khích trước đám đông, nhất là đây là cuộc quần anh hội, đặc biệt khi biết rằng trước mặt mình là những người yêu mến. Có được những khán giả sang trọng là thành công đầu tiên. Họ là nguồn hứng khởi cho chúng tôi, cũng là thử thách lớn, một cuộc thử trọng yếu về tài năng và bản lĩnh mà chúng tôi muốn tự tin cùng chinh phục.

Nhưng đừng chờ đợi năng lực diễn xuất của Vi Thuỳ Linh như một tài năng kịch nghệ, vì nghề của tôi là ngôn ngữ. Nên tôi chỉ có thể biểu cảm bằng xúc cảm của một nhà thơ.


Hồ Hương Giang (thực hiện)

Ảnh : Hải Lê 

(Theo Vietnamnet)

Thực hiện: depweb

30/11/2012, 11:53