Lý giải từ Sao Hỏa
L. Tuân (đại gia một thời bị “nhiễu”, không chọn được ý trung nhân)
P. Hùng (hướng dẫn viên du lịch, một thời ế vợ)
Vì chính “gái Việt” cũng không lãng mạn, cũng “đầu tiên – tiền đâu”. Kinh tế thị trường đã gieo mầm cho một thế hệ chị em – người tiêu dùng sành điệu, biết mua bán tình cảm…
Đ. Minh (tiểu chủ)
Vì phái nữ bây giờ đâu còn là phái yếu. Mình với đối tác nữ giờ đây bình đẳng giới. Ai “ngoắc” trước cũng được, thấy ngon là bắt liền, chỉ cần lưu ý sao cho tình dục an toàn.
N. Quang (lập trình viên ở nước ngoài về tìm vợ)
Thấy một em e lệ, định nói chuyện để tìm hiểu, em bảo: “Anh định ‘cưa’ em chứ gì. Chơi bời chán rồi định tìm bến đậu thì khai thật đi!”.
T. Đoàn (tư vấn bảo hiểm)
Ba cái cô lấy được chồng Tây, thấy họ lịch sự không thèm vọc vào chuyện cô hay đi shopping tiêu vớ vẩn thì bảo là trai Tây họ lãng mạn hơn…
P. Phương (hưu trí, “nội tướng”)
Ngày xưa phải lấy nhau mới được biết vị đàn bà. Ngày xưa người ta lãng mạn vì không có… sex.
H. Hoàng (tốt nghiệp đại học, chưa có việc)
Vì bây giờ có mốt “máy bay bà già”…
V. Quỳnh (trí thức, Việt kiều Pháp, vốn dân phố Hàng Đào)
Nếu cứ định hướng kim tiền kiểu kiếm nhanh, kiếm nhiều, kiếm bằng mọi giá, e “mai cốt cách, tuyết tinh thần” của Hà Nội thanh lịch sẽ mai một, tan đi…
Đáp án của Sao Kim
L. Thúy (nữ viên chức, đã ly thân)
Vì thế giới quan và nhất là nhân sinh quan đã thay đổi. Trai lãng mạn, tinh tế thời này chắc không sống nổi. Những người giỏi hoạt động bề nổi (ca hát, thể thao) mà vô tư như ba tôi đã trở thành “hiện tượng lịch sử”. Tôi đang kiếm hoài không có (cười).
Linh Cẩm (chủ tiệm)
Vì hôm nay cái gì cũng đắt đỏ, cứ phải tính toán. Đàn ông người ta làm gì vô tư thì nghi ngờ, moi tìm động cơ xem anh này có đang “giả chết bắt quạ” không.
P. Nguyệt (nhân viên văn phòng)
Phải có tình yêu mới nói chuyện lãng mạn trữ tình được chứ. Thời nay phái nữ toàn bảo nhau xem cậu với anh ấy có “hạp” về “make love” không thì hẵng tính chuyện lâu dài (cười).
V. Huyền (nữ kế toán, đã ly hôn)
Thời cạnh tranh, bon chen thế này chọn một ông lãng mạn, tâm hồn bay bổng về để mà nuôi báo cô à. Mà không khéo vớ ông vờ vịt phong nhã hào hoa bề ngoài… là xong phim luôn.
L. Hoan (em gái của P. Chung, bạn tôi)
Thạch Sanh thì ít, Lý Thông thì nhiều… Mấy cái ông hay giúp người, lại khái tính, tế nhị, như ông anh tôi… nay bạc đầu vẫn phòng không.
M. Thu (nhà soạn kịch nữ, “Miss” trọn đời)
Con trai Việt lãng mạn à? Thôi đi, toàn lũ dở ông dở thằng…
T. Nguyện (nghiên cứu văn học Nga, nữ giám đốc một công ty du học)
Gorky nói: “Sinh ra làm bò sát thì không biết bay”. Lãng mạn hay không là tính trời, giáo dục chỉ căn chỉnh, làm phong phú.
N. Hương (họa sĩ)
Lúc yêu thì anh nào cũng cố ga lăng, đến lúc vợ mang bầu mới tỏ mặt ai là ai. Tình yêu mù quáng, hôn nhân sẽ hoặc thắp sáng, hoặc làm cho “tắt đèn” luôn.
Ý kiến của học giả
M. Hương (nữ biên tập viên một nhà xuất bản của tuổi trẻ)
N. Khanh (nữ ký giả, nhà văn)
Thường phải là đất học, hay ít nhất cũng là đất văn vật, hoặc nơi có cảnh thiên nhiên hùng vĩ “lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi”… Muốn hào hoa phong nhã thì không có trí cũng phải có nhân. Đầu óc tiểu nông chật hẹp, thế độc canh dễ đẻ ra những nhân cách hay kèn cựa, nghi kị, thậm chí keo bẩn… Có được một tý kiến thức, kỹ năng thì đem dùng để bắt chẹt, ăn chặn (kiểu thợ điện cắt điện để bòn tiền, thợ nước đánh pan máy bơm để bom xu của dân… Chưa nói đến những kẻ “mặt sắt cũng ngây vì tình”). Đời sống nửa tỉnh nửa quê cũng đẻ ra văn hóa tứ chiếng, bế tắc trong ghen ghét lẫn với cộng sinh bầy đàn kiểu chia thành “quân ta, quân nó”. Một thời kỳ dài chịu đựng “hành là chính” dẫn đến xu thế “đánh hội đồng”, hè nhau đưa người vào thế kẹt để bắt họ làm “con tin” (bắt học thêm vô tội vạ, người bệnh chỉ được mua thuốc ở hiệu quen của bác sĩ)… Có tiền nhưng tâm hồn dần thành miếng da lừa.
Bà T. Nga (nhà giáo lão thành)
Thời chống Pháp chúng tôi cũng ẩn hiện mốt lấy các anh “côn bạt, ngựa hồng” (cán bộ chỉ huy). Nhưng phụ nữ có học vẫn thích đàn ông phong trần, hàn sĩ. Tôi đọc sách Tây thấy nói phụ nữ thường mê những người trai có máu văn chương, cũng là một cách nói về tính lãng mạn kiểu đàn ông. Đàn ông lãng mạn mới là có nam tính, không nhất thiết cứ phải có “râu hùm, hàm én”. Nhưng hôm nay phụ nữ hình như hơi nhiều nam tính hơn, đàn ông thì lại vay mượn nhiều thứ trước đây bị coi là nữ tính. Các ranh giới nhòa đi, nên cái sự phong nhã hào hoa, như một nét nam tính, cũng nhạt đi. Việt Nam lại thường trọng nam khinh nữ, thích sinh con gái đầu trai sau để chị “hầu” em. Con trai được chiều thường hoặc cậu ấm sứt vòi (ý nói hung hãn), hoặc “em chã”… Con trai Việt vì thế thường “trẻ con” hơn bạn gái cùng trang từ 3 – 4 tuổi, tầm nhìn cũng “ngắn” hơn…
Ông N. Phương (cựu học sinh Hà Nội, chỉ huy binh đoàn thời kháng chiến chống Mỹ, nhà văn)
Thời chống Pháp chúng tôi chỉ có mo cơm, mác búp đa vẫn vừa xung phong vừa hát, hát cả bài cách mạng, kháng chiến của Pháp. Sống được qua trận nào về thì “đêm mơ Hà Nội bóng kiều thơm”…
Rồi đến thời chống Mỹ, đoàn cán bộ quân sự đầu tiên Nam tiến được gọi là Đoàn Phương Đông (kỷ niệm việc phóng thành công tàu vũ trụ Vostok). Chuyên gia Liên Xô bảo: đi vào “cửa tử” mà các đồng chí lãng mạn quá!… Rồi cung đường Trường Sơn đầu tiên thì gọi là đường 20. Đây không đơn thuần là con số thứ tự, mà bởi vì thanh niên xung phong, dân công, công binh làm đường dưới bom B52, toàn là thanh niên, biết bao người đã “mãi mãi tuổi 20”… Có lý tưởng, sẽ sống lãng mạn, sẽ “tin ở hoa hồng” dù giữa chiến tranh tàn khốc.
Lê Đỗ Huy (thực hiện)
Bài viết cùng chủ đề: