Ông Hội cho biết: “Năm 2010 tàu này được Vinashin chuyển giao cho PVN và được định giá là 28 triệu USD. Sau đó, DQS ký thêm một hợp đồng 504 tỉ đồng (khoảng 25 triệu USD) với chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (PV Trans) để hoàn thiện, tính ra khoảng 63 triệu USD. Tuy nhiên, nếu tính đầy đủ các chi phí của cả chủ đầu tư, tổng giá trị con tàu này có thể lên đến 70-80 triệu USD. Từ sau khi hạ thủy vào tháng 6-2012 đến nay, tàu Dung Quất 01 đã chạy thử hai lần ra biển Đông khoảng 700 hải lý, rồi trở về neo đậu tại phao số 0 vịnh Dung Quất cho đến nay. Ngày 8-11, tàu được lai dắt trở lại nhà máy”.
* Vì sao phía PV Trans không nhận bàn giao, thưa ông?
– Tàu đã được đăng kiểm ở VN và đăng kiểm quốc tế ABS (Mỹ) cấp chứng nhận, có thể vận chuyển trong nội địa lẫn tuyến từ VN đi Mỹ và ngược lại. Tôi cho rằng khi Mỹ đã công nhận thì tàu có thể hoạt động các tuyến quốc tế, cả thế giới công nhận. Tuy nhiên, khi DQS đang xử lý các vấn đề “lặt vặt” thì tháng 8-2012, PV Trans thuê đơn vị tư vấn VMS (Singapore). Sau khi khảo sát kỹ thuật con tàu, VMS đã yêu cầu bổ sung bốn chi tiết để tàu vận hành tối ưu hơn với kinh phí khoảng 4 triệu USD. DQS và PV Trans đang đàm phán hợp đồng nhưng vẫn chưa ngã ngũ. PV Trans bảo rằng phía DQS cứ làm đi rồi sẽ tính, trong khi để hoàn thiện được tàu DQS đã dồn hết lực vào đó, muốn bàn giao cho nhanh, bây giờ ôm lại mỗi ngày chi phí cho con tàu mất 200 triệu đồng. Sự việc này đã hơn hai tháng nay chưa có kết quả. Bây giờ lại đến đơn vị tư vấn của Singapore nên mới chậm tiến độ, dây dưa và kéo dài.
Tàu chở dầu 104.000 tấn nằm gần nhà máy đóng tàu Dung Quất trưa 9-11 – Ảnh: V.Hùng
* Nhưng thiết kế theo VMS thì tàu mới được vận chuyển quốc tế?
* Có thông tin cho rằng tàu Dung Quất 01 sử dụng máy cũ bị ngập nước biển hồi cơn bão số 9-2009, không đảm bảo yêu cầu do chủ đầu tư đặt ra?
– Năm 2009, sau sự cố vỡ đê quây ụ nổi, tàu 104.000 tấn đang đóng bị nước biển tràn vào, ngập toàn bộ thân tàu và máy. DQS đã phải đem toàn bộ máy chính qua Hàn Quốc để sửa chữa, khắc phục, nhưng chỉ tận dụng được vỏ máy, còn bên trong máy thay toàn bộ các chi tiết như máy mới hoàn toàn để lắp vào tàu. Còn máy cũ đó giờ là đống sắt vụn, không biết để làm gì.
* Tàu chưa hoạt động đã bị hỏng bánh lái, hoen gỉ vỏ tàu, thực hư thế nào thưa ông?
– Thời điểm bão số 7 hồi tháng 10-2012, chân vịt vận hành với công suất lớn để chống chọi sóng biển nên trục chân vịt bị cháy lớp bạc bảo vệ, cái đó đã thay thế. Thông tin trên một số báo cho rằng thân tàu bị hoen gỉ là không đúng. Những vết đen hai bên mạn dưới của tàu không phải là hoen gỉ mà do lốp xe được gắn vào mạn tàu dịch vụ vận chuyển công nhân sau khi cập vào mạn tàu, tiếp xúc cọ xát vào nhau đã dính các vết đen lên vỏ tàu. Không thể gỉ sét được do lớp sơn vỏ tàu được bảo hành trên 10 năm, chất lượng rất tốt, nếu bị gỉ sét thì làm sao chủ đầu tư chịu.
Tôi khẳng định tàu Dung Quất 01 đã vận hành tốt, chỉ đợi chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thống nhất bổ sung kinh phí để bổ sung bốn chi tiết như trên nhằm vận hành tối ưu con tàu hơn.
Ngày 9-11, khi chúng tôi liên hệ, ông Đinh Xuân Vinh – phó chủ nhiệm dự án tàu 104.000 tấn (PV Trans) – đã từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến con tàu này với lý do không có thời gian và không thuộc thẩm quyền. Trước đó, ngày 8-11, trao đổi với báo chí liên quan đến tàu 104.000 tấn, ông Vinh cho biết ban đầu kiểm tra các điều kiện cần thiết, tàu đã cơ bản đáp ứng. Tuy nhiên, do thiết kế cũ của Ba Lan nên một số vấn đề nhỏ cần khắc phục, phía đơn vị tư vấn yêu cầu bổ sung để vào một số trạm quốc tế. Ông Vinh cũng thừa nhận việc đàm phán về chi phí bổ sung chưa rõ ràng nên hai bên cần trao đổi với nhau. Vấn đề này tập đoàn mới quyết định được vì phải bóc tách các chi tiết, làm gì và làm thế nào. |
20 triệu USD cải hoán tàu chở dầu thành kho chứa dầu Trưa 9-11 tại ụ nổi nhà máy, chiếc tàu chở dầu thô 105.000 tấn (khác tàu Dung Quất 01) đang đóng dở dang, chỉ mới hoàn thành phần vỏ. Tàu này được Vinashin khởi công hồi tháng 2-2008 để chở dầu thô do PV Trans làm chủ đầu tư, vốn đầu tư ban đầu 63 triệu USD. Từ tháng 7-2010, dự án được chuyển giao cho DQS. Theo ông Nguyễn Văn Hội, tàu này tạm dừng từ tháng 9-2012 đến nay. Ông cho biết theo chủ đầu tư, với năng lực tàu và sản lượng chuyên chở hiện nay, nếu đưa tàu này vào hoạt động sẽ bị thừa, không hiệu quả nên PVN đang có chủ trương chuyển công năng tàu này thành kho chứa dầu nổi tự hành để phục vụ ở mỏ dầu Đại Hùng. Nếu được chấp thuận, dự án này phải đầu tư thêm 20 triệu USD để cải hoán, đến cuối năm 2014 sẽ đưa vào hoạt động. |
Theo Tuổi trẻ