Đại diện đoàn làm phim “Spotlight” lên nhận giải Oscar (Nguồn: NPR)
Chiến thắng bất ngờ nhưng xứng đáng
Trong một mùa giải Oscar rất khó dự báo, phim “Spotlight” đã khiến nhiều người, cả các fan điện ảnh lẫn giới phê bình, ngạc nhiên khi giành giải Phim xuất sắc nhất.
Bộ phim – nói về cuộc điều tra của tờ Boston Globe nhằm vào việc Giáo hội Công giáo che giấu các linh mục phạm tội ấu dâm – gây tiếng vang và được yêu mến khi ra mắt sớm tại các liên hoan phim Telluride và Toronto hồi năm ngoái.
Nhưng khi bắt đầu vào mùa giải, nhiều người phỏng đoán rằng “Spotlight” không đánh bóng đủ tốt và hoạt động làm phim cũng thiếu sức nặng như các đối thủ, khiến nó khó có cơ hội giành giải Phim xuất sắc nhất. Cảm giác này được củng cố khi một số dấu hiệu thường liên quan tới các tác phẩm giành giải Phim xuất sắc nhất đã không xuất hiện cùng “Spotlight.”
Đơn cử như “The Revenant” đã giành giải Quả cầu vàng cho Phim chính kịch xuất sắc nhất và đồng thời giật luôn giải của Hiệp hội các nhà sản xuất. Trong khi đó, “The Big Short” giành giải thưởng cao nhất của Hiệp hội đạo diễn.Về phần mình, “Spotlight” chỉ giành một giải nhỏ của Hiệp hội các diễn viên, không đủ để lấn át các đối thủ.
Dù vậy, đạo diễn Tom McCarthy vẫn kiên trì vận động các giám khảo, đồng thời phát đi thông điệp của bộ phim: Nhận trách nhiệm là điều quan trọng. Ông cùng dàn sao của “Spotlight”, gồm Michael Keaton, Mark Ruffalo và Rachel McAdams, đã đi quảng bá cho bộ phim cùng đội điều tra gốc của tờ Boston Globe.
“Spotlight” cũng được hưởng lợi khi bắt đầu hình thành những luồng quan điểm chống lại hai đối thủ lớn của nó là “The Big Short” (của đạo diễn Adam McKay) và ”The Revenant”. Người ta cho rằng “The Big Short” không mang tới cảm giác nó là một bộ phim xuất sắc nhất, cần phải xem. Việc phim giải thích quá nhanh rất nhiều hoạt động tài chính phức tạp cũng khiến không ít thành viên Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ phải gãi đầu.
Và “The Revenant,” dù được ca ngợi nhiều, về cơ bản vẫn chỉ chứa một câu chuyện báo thù đơn giản. Đúng là bộ phim này rất đẹp, nhưng nó có vẻ hơi dễ dãi trong nội dung và dài lê thê. Một thành viên Viện Hàn lâm, người từng đoạt giải Oscar, tiết lộ với báo chí rằng bộ phim mang tới cảm giác như một chuyến thăm Bảo tàng lịch sử tự nhiên của Mỹ, nhưng “ít thú vị hơn.”
Ngoài ra, dư luận đã nhận thấy sự mệt mỏi trong chiến dịch vận động của “The Revenant,” nhằm cho thấy hoạt động sản xuất phim khó khăn như thế nào. Ngay cả khi hướng vận động này thành công, vẫn rất khó để thuyết phục các thành viên Viện Hàn lâm rằng bộ phim là tác phẩm xuất sắc nhất.
Cũng phải tính tới việc Viện Hàn lâm không muốn trao cho đạo diễn Alejandro G. Iñárritu – nhân vật không phải được tất cả mọi người trong ngành điện ảnh yêu mến – giành thêm một giải Oscar Phim xuất sắc nhất (dù ông có thu về giải Đạo diễn xuất sắc nhất.)
Cuối cùng, như đánh giá của tờ New York Times, các thành viên Viện Hàn lâm không muốn New Regency, công ty giải trí đứng sau các phim “Birdman” và “12 Years a Slave,“ giành chiến thắng 3 năm liên tiếp.
Tiếp nối một truyền thống đẹp
Trong bối cảnh ấy, chiến thắng đã tìm tới với “Spotlight.” Nhưng giới quan sát cho rằng bộ phim không ăn may và việc giành giải là xứng đáng.
“Bộ phim này mang tới tiếng nói cho các nạn nhân (bị lạm dụng tình dục) và giải Oscar đã khuếch đại tiếng nói đó. Chúng tôi hy vọng tiếng nói sẽ tiếp tục được cộng hưởng và phát tới tận Vatican,” Michael Sugar, người nắm vai trò đồng sản xuất bộ phim, nói với các khán giả tại nhà hát Dolby Theatre ở Hollywood.
Một cảnh trích từ phim “Spotlight” (Nguồn: Midiamax)
“Giáo hoàng Francis, đã tới lúc để bảo vệ trẻ em và khôi phục niềm tin,” ông nói tiếp.
Ngoài giải Phim xuất sắc nhất, tác phẩm này còn mang về giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất, sau khi nhận tới 6 đề cử. Các nhà phê bình ca ngợi bộ phim đã xử lý rất tốt một chủ đề gai góc. Trang web đánh giá phim Rotten Tomatoes nói rằng các nhà sản xuất “Spotlight” đã cưỡng lại được khao khát ca ngợi “những người anh hùng trong cuộc” và cho ra đời một bộ phim chính kịch “tôn vinh khán giả cùng các chủ đề ngoài đời thực của bộ phim.”
Có tin nói Tom McCarthy và đồng tác giả kịch bản Josh Singer đã dành rất nhiều năm nghiên cứu trước khi làm phim. Singer đã ca ngợi nạn nhân bị lạm dụng Phil Saviano khi ông nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất, tại lễ trao giải của Hiệp hội các nhà biên kịch hồi đầu tháng 2 năm nay.
“Ông đã cố gắng kể lại câu chuyện của mình trong thời gian rất dài. Cuối cùng câu chuyện ấy đã được kể lại và tôi tin rằng người ta cần phải kể tiếp về nó,” Singer nói.
Ngoài việc là một tác phẩm khảo sát vấn nạn các linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, “Spotlight” đã tiếp nối truyền thống đẹp của các bộ phim chuyên tôn vinh giới phóng viên điều tra, thể hiện qua những tác phẩm như “All the President’s Men”– bộ phim kể lại cuộc điều tra của tờ The Washington Post vào vụ bê bối Watergate.
Tại buổi trình chiếu ra mắt phim ở Paris hồi tháng 1 năm nay, McCarthy cho biết ông muốn nêu bật một thực tế là hoạt động của phóng viên điều tra kiểu cũ đang trở thành điều xa xỉ, trong thời đại mà ngành báo chí lao đao vì suy giảm doanh số và ngân sách eo hẹp.
Cá nhân McAdams đã ca ngợi nhân vật của cô, Sacha Pfeiffer – người phụ nữ duy nhất trong đội “Spotlight” ngoài đời thực, tại một bữa tiệc dành cho những người được đề cử giải Oscar tổ chức ở Beverly Hills vào đầu tháng này.
“Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được thủ diễn vai bà ấy. Bà đã trở thành một hình mẫu tuyệt vời và tôi chỉ phải bước vào đôi giày bà để lại. Tôi mắc nợ sự đề cử này với bà,” cô nói. “Bà là một người hùng lặng lẽ.”
Theo VietnamPlus