Vì sao sản phẩm dưỡng da không hương liệu luôn là "chân ái"? - Tạp chí Đẹp

Vì sao sản phẩm dưỡng da không hương liệu luôn là “chân ái”?

Dẫu đem tới hương thơm và cảm giác dễ chịu khi sử dụng, song không phải mỹ phẩm có chứa hương hiệu nào cũng tốt như bạn nghĩ. Ngược lại, lựa chọn an toàn hơn cả chính là những sản phẩm không màu, không mùi nhưng lại mang đến hiệu quả bất ngờ cho làn da.

Hương thơm có thực sự dễ chịu?
Hương liệu nhân tạo có mặt trong mỹ phẩm giúp tăng thêm sức hút của sản phẩm, có thể đem tới những trải nghiệm tuyệt vời khi sử dụng. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm dưỡng da có chứa hương liệu lại gây dị ứng, kích ứng cũng như lên mụn. Bác sĩ Helen M. Torok tại Ohio (Mỹ), chia sẻ với trang Prevention: “Tôi chỉ sử dụng các sản phẩm không chứa mùi hương nhân tạo. Trên thực tế, hương liệu là một trong những chất gây kích ứng hàng đầu. Hãy cố gắng tránh những thành phần như lanolin, wool wax alcohol, cinnamic aldehyde, cồn, hương liệu và formaldehyde”.

Bác sĩ Fatima Fahs tại Michigan (Mỹ) cũng cho biết thêm: “Kích ứng có thể biểu hiện thành tình trạng da mẩn đỏ, khô tróc, ngứa ngáy,… Một số người thực sự bị dị ứng với các thành phần trong nước hoa. Tuy nhiên hầu hết mọi người chỉ nhận ra hương liệu là nguyên nhân gây mẫn cảm sau khi các triệu chứng đã bộc phát”. 

Bác sĩ da liễu Jaishree Sharad (Ấn Độ) chia sẻ với HealthShots: “Hương liệu trong các sản phẩm dưỡng da có chứa các chất gây mẫn cảm nghiêm trọng như geraniol, eugenol, citronellol, phthalates. Những chất này có thể gây dị ứng da, nổi mề đay, ngứa, phát ban, hắt hơi, thở khò khè và tăng sắc tố da. Chúng cũng có thể làm trầm trọng thêm các vết chàm và sắc tố da hiện có. Phthalates và xạ hương tổng hợp như styrene, methyl eugenol thậm chí còn được cho là có thể làm thay đổi nội tiết tố”.

Tệ hơn, chất phthalate (một loại chất hóa học nhân tạo, được sử dụng nhằm mục đích thay đổi tính chất sản phẩm) cũng có thể gây ung thư, là nguyên nhân của các vấn đề nội tiết, dị tật bẩm sinh và các vấn đề về hô hấp. Các nhà sản xuất không bắt buộc phải liệt kê chúng trên nhãn dán, do đó, không phải ai cũng biết rằng các chất gây hại này có mặt trong sản phẩm mà họ đang sử dụng hàng ngày, hàng giờ.

Làm sao để tránh kích ứng da do hương liệu

Thử nghiệm sản phẩm ở một vùng nhỏ trên da trước khi sử dụng là cách an toàn nhất nhằm tránh kích ứng. Vị trí tốt nhất để thoa sản phẩm là sau tai hoặc bên trong cổ tay – vùng da mỏng manh nhất. Nếu có phản ứng dị ứng hoặc mẩn đỏ, bạn nên ngừng ngay việc sử dụng. Nếu bạn lo lắng mình có thể có phản ứng khi thử bất kỳ sản phẩm chăm sóc da nào, chuyên gia khuyên bạn nên tham khảo những người có cùng loại da với bạn và từng sử dụng sản phẩm trước đó. 

Trong trường hợp gặp các triệu chứng mẫn cảm, bạn nên chuyển sang dùng sản phẩm không chứa hương liệu nhân tạo nhằm cải thiện được tình trạng da nhạy cảm, nổi mụn… Bạn cũng nên đến ngay các cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa da liễu nếu các triệu chứng trở nặng, hay cảm thấy chóng mặt, buồn nôn,… 

Suy cho cùng, việc ưu tiên các loại mỹ phẩm không hương liệu là cách tốt nhất để giảm thiểu các tác dụng phụ do chất tạo mùi gây ra. Từ đó, làn da không còn phải đương đầu với những rào cản tới từ hoá chất, dần trở nên khỏe mạnh hơn và chống chọi tốt với những tác động tiêu cực từ phía bên ngoài.

Danh sách một số hương liệu gây kích ứng phổ biến:

– Fragrance (Chất tạo hương thơm)
– Parfum / Perfume / Aroma (nước hoa)
– LinaloolCitronellolLimoneneGeraniol
– Dầu hoa oải hương
– Chiết xuất hoa hồng
– Dầu Bergamot
– Quế (Cinnamomum)
– Dầu Ylang-ylang
– Chanh (Citrus limon)
– Chanh cốm (Citrus aurantifolia hay Citrus medica)
– Cam (Citrus sinensis)
– Quýt (Citrus tangerine)
– Bạc hà (Mentha piperita)
– Bạch đàn

Nguồn: Tổng hợp

Tác giả: Mạnh Hải

06/09/2023, 13:00