Vì sao phụ nữ hòn đảo Đài Loan rủ nhau đi làm đông lạnh trứng?

Nhiều phụ nữ Đài Loan chọn làm đông lạnh trứng để sau này có thể sinh con, khi mà họ muốn sống độc lập, tập trung vào sự nghiệp và không tìm chồng chỉ để phục vụ mục đích sinh con.

Vừa ngồi duỗi chân trên sàn phòng khách, cô Vivian Tung vừa bóp bụng để tìm một chỗ thích hợp cho việc tiêm Rekovelle, một loại thuốc nội tiết tố kích thích quá trình sản xuất trứng.

Cô Vivian Tung (phải) chỉ cho mẹ cô vùng bụng nơi cô tiêm hormone hàng ngày, tại nhà riêng ở thành phố Tân Bắc. (Nguồn: The Straits Times/Ảnh chụp màn hình)
Một hợp đồng bảo hiểm đặc biệt

Nữ giám đốc tiếp thị thương hiệu 33 tuổi người Đài Loan (Trung Quốc), này đã phải tự tiêm loại thuốc nêu trên mỗi ngày trong suốt hai tuần qua. Cô đang trong quá trình làm đông lạnh những quả trứng của mình.

Cô Tung, hiện còn độc thân, là một trong số nhiều phụ nữ Đài Loan chọn làm đông lạnh trứng để sau này có thể sinh con.

“Đó là hợp đồng bảo hiểm của tôi,” cô giải thích, cho biết nhiều phụ nữ ở Đài Loan muốn sống độc lập, tập trung vào sự nghiệp và không tìm chồng chỉ để phục vụ mục đích sinh con.

“Gia đình rất ủng hộ và tôn trọng sự lựa chọn của tôi. Khi gia đình nghe tin tôi mua bảo hiểm (trứng) cho bản thân, họ cũng cảm thấy rất vui,” cô chia sẻ.

Hòn đảo Đài Loan có tỷ lệ sinh chỉ 0,89 trẻ em trên một phụ nữ. Con số này thấp hơn một nửa so với tỷ lệ sinh thay thế là 2,1. Đây cũng là một trong những vùng lãnh thổ có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, chỉ đứng sau Hàn Quốc và đặc khu Hong Kong.

Không giống như ở Trung Quốc đại lục, phụ nữ độc thân Đài Loan có thể làm đông lạnh trứng của họ. Hoạt động tương tự bị cấm ở đại lục.

Tuy nhiên, phụ nữ Đài Loan chỉ được sử dụng trứng đông lạnh trong các cuộc hôn nhân dị tính. Phụ nữ chưa kết hôn và các cặp kết hôn đồng giới không được phép sử dụng trứng đông lạnh để có con.

Các bác sỹ ở Đài Loan cho biết hạn chế này là một trong những lý do chỉ khoảng 8% phụ nữ ở hòn đảo sử dụng trứng sau khi đông lạnh. Để so sánh, tỷ lệ này ở Mỹ là khoảng 38%.

Những thay đổi về luật

Cô Tung hy vọng rằng chính quyền Đài Loan thay đổi các quy định luật pháp để phụ nữ chưa kết hôn có con trong tương lai.

Trước cuộc phẫu thuật làm đông lạnh trứng, cứ hai đến ba ngày, cô Tung phải đến bệnh viện để xét nghiệm máu và kiểm tra nồng độ hormone xem trứng phát triển như thế nào.

Tung thường chỉ tới viện vào những khung giờ khá “oái oăm” như 21h vì bận việc.

Nhưng cô ấy nói rằng những khó khăn mà mình phải trải qua là hoàn toàn xứng đáng với thành quả nhận được.

“Trong một vài năm tới, luật pháp của hòn đảo Đài Loan có thể cởi mở hơn theo các xu hướng thời đại, hoặc việc người dân tăng nhận thức về vấn đề này có thể khiến chính quyền đưa ra những thay đổi,” Tung nói.

Đài Loan trở thành vùng lãnh thổ đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm 2019. Tháng Năm vừa qua, hòn đảo đã cho phép các đôi vợ chồng đồng giới quyền nhận nuôi con.

Chính sách chặt chẽ dường như là lý do khiến cho tỷ lệ trẻ sinh ngoài giá thú ở Đài Loan chỉ chiếm khoảng 4%, so với mức 40% ở Mỹ, nơi quan điểm của dư luận thoáng hơn với chuyện này.

Bà Li Yi-ping, Giám đốc Trung tâm Y tế Sinh sản tại Bệnh viện Shin Kong Wu Ho-Su ở Đài Bắc, cho biết có khả năng cao sẽ xuất hiện những thay đổi về chính sách liên quan tới việc sử dụng trứng.

Triển vọng này xuất hiện sau các cuộc tiếp xúc giữa Hiệp hội Sinh sản Đài Loan và chính quyền hòn đảo. Nhưng câu hỏi đặt ra là phải mất bao lâu, sự thay đổi mới xuất hiện.

“Đây là một vấn đề rất quan trọng liên quan tới an ninh của hòn đảo. Điều chúng ta cần bây giờ là sự đồng thuận từ xã hội,” bà Li nói.

Còn theo bà Chen Li-chuan, chuyên gia chính sách của Cơ quan Y tế và Phúc lợi Đài Loan, hòn đảo có kế hoạch đánh giá toàn diện trước khi quyết định mở rộng đối tượng được thực hiện hoạt động sinh sản nhân tạo hay không. Lý do là bởi đây là một vấn đề phức tạp về mặt đạo đức, pháp lý và y tế, có liên quan tới nhiều bên.

Một trào lưu đang lên

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Đại học Vùng lãnh thổ Đài Loan, nhu cầu đông lạnh trứng ở hòn đảo đã tăng rất mạnh. Số lượng phụ nữ trong độ tuổi từ 35-39 lựa chọn sử dụng công nghệ này tăng tới 86% trong ba năm qua.

Bác sỹ Lai Hsing-hua, người sáng lập Phòng khám Stork Fertility – ngân hàng trứng đầu tiên của Đài Loan, cho biết hơn mười trung tâm cung cấp dịch vụ đông lạnh trứng đã đi vào hoạt động trong năm vừa qua.

Cô Tung hy vọng rằng chính quyền Đài Loan thay đổi các quy định luật pháp để phụ nữ chưa kết hôn có con trong tương lai. (Nguồn: The Straits Times/Ảnh chụp màn hình)

Bác sỹ Lai cho biết số lượng bệnh nhân mới tại các phòng khám của Stork ở hai thành phố Đài Bắc và Tân Trúc đã tăng 50% mỗi năm. Cơ sở y tế này đã làm đông lạnh trứng cho hơn 800 phụ nữ.

“Cơn sốt” làm đông lạnh trứng xuất hiện sau khi hai chính quyền địa phương ở hòn đảo là Tân Trúc và Đào Viên bắt đầu triển khai hỗ trợ tài chính cho hoạt động này.

Tuy nhiên, mỗi năm ở hai địa phương chỉ cung cấp tổng cộng 1.400 suất hỗ trợ. Với việc trung bình thu nhập thường niên tại hòn đảo nằm ở mức dưới 19.000 USD, có thể thấy rằng đông lạnh trứng sẽ nằm ngoài tầm với của nhiều phụ nữ.

Việc lấy trứng từ cơ thể phụ nữ cũng như tiền thuốc men và thăm khám gây tốn kém từ 2.600-3.900 USD. Ngoài ra mỗi người làm đông lạnh trứng sẽ phải trả khoản phí lưu thường niên từ 160-320 USD.

Cô Tung đã tự chi trả tất cả những chi phí kể trên. Cha mẹ đẻ chở Tung đến bệnh viện vào buổi sáng ngày thực hiện phẫu thuật lấy trứng và cô vẫn làm việc trên xe cho tới sát giờ lên bàn mổ.

Tung được gây mê toàn thân để chuẩn bị cho ca phẫu thuật kéo dài 40 phút. Cô ở lại phòng hồi sức trong hai giờ sau khi phẫu thuật thành công.

“Tôi chịu nhiều đau đớn sau ca phẫu thuật,” Tung chia sẻ khi đã ở nhà. “Nhưng đổi lại tôi cảm thấy rất yên tâm. Trong tương lai nếu muốn có con, ít nhất tôi vẫn còn cơ hội.”


From the same category