Không có lời tỏ tình, không có lời chia tay, không phải bạn bè, cũng chẳng phải người yêu – những mối quan hệ “mập mờ” cứ thế trôi qua đời chúng ta một cách lặng lẽ mà sâu sắc. Điều kỳ lạ là, so với mối tình chính thức, những mối quan hệ không tên ấy lại khiến người ta day dứt, khó buông bỏ hơn. Vậy, vì sao một điều chưa từng rõ ràng lại có thể ám ảnh đến như thế?
Nếu đã từng trải qua một mối quan hệ mập mờ, chắc hẳn bạn sẽ hiểu cảm giác này: Không đủ gần để gọi là yêu, không đủ xa để coi nhau như người lạ. Mọi cảm xúc và hành động chỉ duy trì ở mức lưng chừng, lúc nóng lúc lạnh, lúc tưởng như sắp thành đôi, rồi lại tan vào khoảng không vô định. Dù mối quan hệ chẳng rõ ràng, không ai trong mối quan hệ dám hứa hẹn điều gì, nhưng nó lại khó quên đến mức ám ảnh, dai dẳng hơn cả một mối quan hệ rõ ràng. Vì sao vậy?
Bạn có bao giờ để ý rằng, những công việc chưa hoàn thành, những bộ phim xem dở lại khiến bạn bứt rứt hơn những gì đã được xử lý xong hoàn toàn? Tâm lý học gọi đây là Hiệu ứng Zeigarnik – chỉ ra rằng con người có xu hướng ghi nhớ những điều bị gián đoạn hoặc chưa hoàn thành nhiều hơn những điều đã xong.
Trong mối quan hệ mập mờ, mọi thứ đều dang dở, không có một khởi đầu cụ thể hay một cái kết rõ ràng. Những tin nhắn cuối cùng còn bỏ ngỏ, những cuộc hẹn bị hủy bỏ đột ngột, những cảm xúc không được gọi tên,… khiến bạn liên tục quay lại để cố gắng lắp ghép, lý giải, và tìm kiếm một lời giải đáp. “Liệu có thể tiến thêm bước nữa không?”, “Có phải họ cũng có tình cảm nhưng vì lý do nào đó nên chưa nói ra?”, “Nếu lúc đó mình làm khác đi thì mọi chuyện có khác không?”… Hàng loạt câu hỏi không lời đáp đó lại càng khắc sâu hình bóng đối phương vào tâm trí, khiến việc quên đi trở nên vô cùng khó khăn. Bạn cứ mãi bị mắc kẹt trong những giả định và kịch bản chưa bao giờ xảy ra.
Trong những mối quan hệ mập mờ, có một điều dễ gặp phải: bạn không yêu người đó – bạn đang yêu hình ảnh của họ mà chính bạn tự vẽ ra trong đầu.
Họ chỉ cho bạn thấy những khoảnh khắc hoàn hảo, mới mẻ và thú vị nhất của họ. Không có áp lực của sự cam kết, họ không cần phải thể hiện con người thật, họ dễ dàng che giấu những vùng xám trong tính cách của mình. Và bạn – trái tim khao khát được yêu thương và gắn bó, sẽ vô thức tự vẽ ra một viễn cảnh lý tưởng về mối quan hệ đó. Bạn tô hồng mọi thứ, tưởng tượng về một tương lai tươi sáng cùng đối phương, dù trên thực tế, những điều đó chưa bao giờ thực sự tồn tại.
Sự thật là, rất có thể con người thật của họ không hề giống với hình dung lý tưởng trong đầu bạn. Bạn yêu một phiên bản hoàn hảo do chính mình tạo ra, một ảo ảnh lung linh mà bạn kỳ vọng sẽ trở thành sự thật. Khi mối quan hệ không đi đến đâu, bạn không phải đau khổ vì mất đi một người thật sự, mà là mất đi một giấc mơ, một viễn cảnh đẹp đẽ mà bạn đã vun đắp trong tâm trí. Chính vì thế, sự hụt hẫng và nỗi tiếc nuối càng trở nên sâu sắc hơn, bởi bạn đang tiếc nuối một điều chưa bao giờ thực sự thuộc về mình.
Trong một mối quan hệ chính thức, dù chia tay đau đớn đến mấy, bạn cũng có một cái kết rõ ràng. Có thể là một cuộc nói chuyện thẳng thắn, một lời chia tay, hoặc ít nhất là một dấu hiệu của sự kết thúc. Điều này giúp bạn có thể đóng lại cánh cửa quá khứ, chấp nhận sự thật và bắt đầu quá trình hồi phục.
Ngược lại, mối quan hệ mập mờ không có bất kỳ ranh giới rõ ràng nào. Không có lời chia tay, không có sự chấm dứt. Sự thiếu vắng một cái kết chính thức này khiến chúng ta luôn nuôi dưỡng một tia hy vọng mong manh. Chúng ta tự đặt ra câu hỏi “Liệu có cơ hội nào không?”, “Liệu mọi thứ có thay đổi không?”. Chính sự không rõ ràng này khiến chúng ta mãi mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự chờ đợi và hy vọng, dù biết rằng cơ hội là rất mong manh. Nỗi đau không đến từ việc mất đi, mà đến từ việc không biết liệu có mất đi hay không, không biết liệu có nên tiếp tục hy vọng hay nên từ bỏ.
Rất nhiều người không thể thoát khỏi một mối quan hệ mập mờ, hay thậm chí tình nguyện đắm chìm vào kiểu mối quan hệ này, mặc cho những tổn thương giày xéo trong lòng. Có thể vì họ sợ hãi sự cô đơn, né tránh sự cam kết, hay chỉ đơn giản là cảm thấy bị hấp dẫn bởi sự khó đoán của mối quan hệ mập mờ. Vậy làm thế nào để biết rằng, mối quan hệ không rõ ràng ấy liệu có đáng để bạn tiếp tục bỏ công sức không? Nếu không, làm thế nào để vượt qua được mối quan hệ ấy?
Bạn thật sự thích người đó, hay bạn chỉ đang cuốn vào một gắn kết độc hại (trauma bonding)?
Bạn có thực sự yêu họ không, hay bạn chỉ không thể thoát khỏi trauma bonding – sự gắn bó đầy bất an, nơi cảm xúc lên xuống thất thường khiến bạn nghiện cảm giác hồi hộp, chờ đợi, rồi lại thất vọng? Mối quan hệ mập mờ thường tạo ra sự bất ổn và căng thẳng, và đôi khi, chính những cảm xúc lên xuống thất thường đó lại khiến bạn cảm thấy mình được “sống”, từ đó bạn “gắn bó” một cách sai lầm.

Hãy dành thời gian để phân tích cảm xúc của mình. Bạn có cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe, và được là chính mình trong mối quan hệ đó không? Hay bạn thường xuyên cảm thấy lo lắng, bất an, và luôn phải cố gắng để làm hài lòng đối phương?.
Bạn và đối phương có thật sự phù hợp?
Một khi đã xác định được những cảm xúc không lành mạnh, hãy gạt bỏ những mơ mộng và thẳng thắn nhìn nhận về đối phương. Bạn sẽ nhận ra: Một người thực sự quan tâm đến bạn sẽ không để bạn phải lơ lửng trong sự mơ hồ. Họ sẽ cho bạn một vị trí rõ ràng, hoặc ít nhất là một lời cam kết về mối quan hệ của cả hai.
Việc đối phương lảng tránh, không xác định rõ ràng chỉ chứng tỏ rằng, bạn và đối phương không phù hợp với nhau. Người phù hợp với bạn phải là người khiến bạn cảm thấy yên tâm về vị trí của mình trong cuộc đời họ, chứ không phải người đẩy bạn vào thế đoán mò.
Bạn có đang đối xử tử tế với chính mình không?
Cuối cùng, điều quan trọng nhất: Bạn xứng đáng có được một mối quan hệ rõ ràng, minh bạch, nơi bạn được yêu thương, tôn trọng và trân trọng. Bạn không cần phải chấp nhận những điều mập mờ, những lời hứa hẹn trống rỗng, hay những cảm xúc không được gọi tên.
Nếu đã nhận ra điều gì xứng đáng với mình, hãy để bản thân được bước tiếp, bởi cuộc sống ngoài kia còn rất nhiều mối quan hệ tử tế đang chờ đón bạn – những mối quan hệ không khiến bạn phải tự hỏi: “Liệu mình là ai trong cuộc đời người ấy?”