Vì sao người ta thích "ăn vụng" ? - Tạp chí Đẹp

Vì sao người ta thích “ăn vụng” ?

Sống

“Ăn vụng” thuộc dạng đề tài muôn thuở, nói hoài không bao giờ mất tính thời sự vì bản thân nó “chỉ sinh ra và chết đi cùng với hôn nhân”. Và với những người đã lập gia đình, gần như ít nhất một lần trong đời họ bị bạn đời (hoặc cho bạn đời) nếm mật đắng của hai chữ CẮM SỪNG.
 
Theo điều tra ở Mỹ, có đến hơn 50% số người có vợ có chồng đã phải nếm cái vị đắng “bị cắm sừng”, tỷ lệ 1:2! Câu hỏi đặt ra: tại sao người ta lại cứ làm cái chuyện đó để gây đau đớn cho nhau ? 
 
Chỉ cần nghe 2 chữ “ăn vụng” là đã cảm giác đến những vị cay, chua, ngọt, nồng, tê tê đầu lưỡi, dịch vị tiết ra đầy hứng khởi, kèm theo cơn rùng mình thú vị bởi cảm giác hồi hộp như sắp thực hiện một cú nhảy vượt rào đầy hiểm nguy, băng qua sự kiểm soát của lý trí và mọi chuẩn mực đạo đức! Khoái cảm của ăn vụng khác hẳn với khoái cảm của “ăn” trong sự được phép hay đương nhiên. 
 
Khoái cảm phạm tội:

Cái cảm giác tê rần khi nhấn nút qua mặt người khác, hay vượt sự cấm kỵ để làm thỏa cơn khao khát và cái khẩu vị bất thường của con người, xem ra cũng thật ấn tượng! 

Thế nên chuyện vì sao ăn vụng, khi đã trót là nhà có chủ quyền cũng lắm nỗi nhiêu khê. Có những người bản tính thích ăn vụng, trái tim dễ bị lay động trước món ngon vật lạ, cái đẹp và những thú vui mới.

Họ rất dễ rơi vào một quan hệ ngoài luồng đầy tính phiêu lưu, gay cấn, bởi sự “không được phép” thường tạo hưng phấn căng thẳng khiến ái tình gia tăng mùi vị.

Dẫu có mười lần kết hôn, mười lần ly dị vì tội ăn vụng, thì lần kết hôn sau cùng cũng không ngăn được họ lại tiếp tục “ăn mảnh ngoài luồng” như một thói quen! Với những người này, “ăn vụng, uống trộm” là bản chất. Họ thích ngoại tình như người ta thích nghe nhạc, thích chơi bóng đá, thích shopping v.v…

Xem việc “ngoại tình” như một cuộc chơi đầy tính kích thích hấp dẫn, họ chấp nhận trả giá và không đặt mình vào tư thế bị động trước dư luận hay lương tâm. Những vấn đề thuộc phạm trù đạo đức không mấy thu hút sự quan tâm của họ.
 
Cũng có những người rơi vào hoàn cảnh “bất khả tiên liệu”, tự nhiên “món khoái khẩu” rơi đùng trước mắt! “Nhất ẩm, nhất thực giai do tiền định”, quay lưng không đành, nuốt nước miếng nhịn thèm cũng khổ, “cơm nhà” lại thiếu hẳn vị nồng cay ngây ngất của cảm giác bất an, hồi hộp trong lúc nhấm nhá mảnh tình phiêu!

Những con người tội nghiệp này thường không định vị được mình trong lúc dấn thân vào “tình mới”. Họ có thể bị hành vi ngoại tình của chính mình tác động đến mất lý trí, mất định hướng, không nhận ra đúng sai trong cơn ngây ngất bởi những cảm xúc bất thường. Họ có thể rất bướng bỉnh khi bị phát hiện, thậm chí cố chấp một cách ngoan cường để bảo vệ cho sự thay lòng đổi dạ của mình.

Yêu đương cũng như nghệ thuật, luôn phải là sự lập lại tinh tiến hơn những cái đã hiển nhiên. Nếu tổ chim câu nào cũng biết tự làm mới mình mỗi phút giây, dù chỉ trên phông nền cũ, thì chuyện ngoại tình-tình ngoại cũng không còn là vấn đề chưa bao giờ nguội của hôn nhân.

Nhưng, chính vì thế họ là những con người lương thiện. Sự bướng bỉnh, cố chấp đó như một cách phản kháng của lòng tự trọng bị tổn thương, của một giá trị bị sụp đổ. Họ sẽ là người đau đớn, ê chề nhất khi tỉnh cơn.

Cũng có những người thích chọn phở thay cơm như một qui luật bất thành văn. Đối với họ: “Nếu cơm nhà ngày một xuống cấp, không có những món ngon vật lạ để hấp dẫn khẩu vị thì ta đi ăn phở !”. Phở bình dân hay phở “24” còn tùy thuộc khả năng thưởng thức của đương sự. Với họ, tình ngoại chưa hẳn ngon hơn tình nội, chẳng qua chỉ là thay đổi cho đời tăng hương vị.

Những người chán cơm tìm phở hầu như không phản ứng gay gắt khi bị phát hiện ở “quán phở”, họ chỉ chống chế chiếu lệ và nhanh chóng phục hồi khẩu vị, châu về hợp phố. Lương tâm cũng không tự dằn vặt cấu xé vì tự thân họ cũng cho việc “sính phở” là chuyện không có gì mà ầm ĩ! 

Một số người lại có khuynh hướng xem việc ăn mảnh ngoài luồng là một cung cách sống, một kiểu “hôn nhân thời thượng”. Với họ, chồng hay vợ chỉ là người sống chung. Cùng góp gạo thổi cơm, cùng chung vốn làm ăn, cùng chia lợi nhuận, cùng gọi cha gọi mẹ… cùng đẻ, cùng nuôi, cùng dạy con đến trưởng thành, đủ nghĩa vụ và… hết! 

Với họ, ngoại tình-tình ngoại chỉ là việc không nên nói trước mặt con cái, còn ngoài ra mọi thứ đều được phép. Chàng ăn vụng kiểu chàng, nàng ăn mảnh kiểu nàng, cả hai cùng có những “quan hệ ngoài luồng” một cách “tế nhị”! 

Còn có những trường hợp “tội danh không rõ ràng”. Chỉ vì họ là những con người quá đáng yêu, quá thông minh, duyên dáng, hấp dẫn và trên cả tuyệt vời. Họ như thỏi nam châm, thu hút tất cả sự chú ý, quan tâm của mọi người xung quanh. Tựa một cơn lũ cảm xúc, họ tràn đến đâu là cuốn trôi tất cả theo dòng chảy mạnh mẽ của mình.

Việc trở thành “sở hữu” của riêng một con người gần như là nhiệm vụ bất khả thi. Ai cũng có thể khát khao chiếm hữu hoặc đơn giản là được yêu một con người như thế, bản thân người đàn ông hay đàn bà đáng yêu đó cũng khó tránh khỏi đôi lúc xao lòng trước sự ngưỡng mộ và ưu ái, mặc dù họ vẫn không quên vai trò của mình trong gia đình. 

Có quá nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi ăn vụng. Không kể chuyện ăn vụng có vẻ như luôn cảm thấy ngon, vì chẳng ai ăn đến no kềnh, ngán mứa. Nhưng khi chuyện ăn vụng được hợp thức hóa thì tính hấp dẫn đầy tội lỗi tự biến mất! Chính vì thế, không mấy ai dại đi đến cùng trong cuộc chơi “ngoài luồng” đầy bất trắc. Nhưng khổ thay, khi phát hiện “đối tác” ngoại tình, hay khi chính bạn thủ vai chính, bạn thường mất bình tĩnh, khủng hoảng, hoặc thất vọng…

Hãy nghĩ, yêu đương cũng như nghệ thuật, luôn phải là sự lập lại tinh tiến hơn những cái đã hiển nhiên. Nếu tổ chim câu nào cũng biết tự làm mới mình mỗi phút giây, cho dù chỉ trên phông nền cũ, thì chuyện ngoại tình-tình ngoại cũng không còn là vấn đề chưa bao giờ nguội của thế giới hôn nhân./.

Các tin liên quan:

Ăn vụng có ngon không?
Những câu chuyện về khoái cảm phạm tội

Thực hiện: depweb

29/12/2005, 18:30