Vì sao nàng cưới sớm? - Tạp chí Đẹp

Vì sao nàng cưới sớm?

Sống
Mặc dù theo nghiên cứu của các nhà xã hội học, độ tuổi kết hôn trung bình đối với nữ giới ở Việt Nam là 22,8 tuổi và đang có xu hướng tăng lên, nhưng thực tế thì có không ít những cô dâu trẻ đã vội lên xe hoa về nhà chồng dù chưa tốt ngiệp cấp 3, bỏ mặc tất cả để hí hửng đón chào một tương lai xán lạn. Thực tế không biết sẽ có được bao nhiêu phần trăm cô dâu đạt được  những điều như mong đợi, chỉ biết rằng nhìn vào tốp những lý do “cưới ngay kẻo lỡ” của các nàng thì ai nấy đều lắc đầu ngao ngán…

Dính…!

Không thể phủ nhận thực tế là có quá nhiều đám cưới của các bạn gái trẻ chỉ để “chạy” cái bụng bầu lùm xùm. Ở các lớp học, nhiều nữ sinh vừa lấy chồng đã “cáo bệnh” xin nghỉ học mà thực chất là nằm nhà chờ ngày sinh nở. B. Trân và T. Nam (cùng 19 tuổi, Q. Bình Thạnh, TP. HCM) lại éo le hơn một chút. Gia đình Trân vốn gia giáo nên khi biết con gái mình quen một anh thợ cắt tóc, ba mẹ cô đã khăng khăng không chấp nhận.

Hai người vì quá yêu nhau nên đã quyết định mang tờ siêu âm thai 4 tháng về để ép phụ huynh. Đám cưới diễn ra mà thông gia hai bên mặt méo xệch, chẳng cười nổi vì bị đặt vào thế đã rồi; để mặc tân lang – tân nương chỉ mới 19 tuổi vô tư karaoke chí chóe trên sân khấu cùng bạn bè, quan khách thì thở dài cáo lui sớm. Sau cưới, nàng dâu khổ một đằng, anh-chồng-trẻ cũng chẳng khá khẩm hơn là bao khi sớm bị trói chân bất đắc dĩ trong khi chúng bạn còn vô tư “trêu hoa ghẹo nguyệt”. Bố mẹ hai bên lại còng lưng gánh luôn cả con lẫn cháu – nỗi niềm 3 trong 1 mà chẳng biết tỏ cùng ai.

Rút ngắn khoảng cách chênh lệch tuổi tác

Bạn gái hoàn toàn có thể thư thả để tận hưởng tuổi trẻ trước khi chính thức lên xe hoa nếu như ông xã tương lai cũng còn muốn rong chơi đôi chút, vì chênh lệch tuổi tác không nhiều. Thế nhưng, nếu chỉ có anh chồng là ngoài 40 còn bạn gái vẫn còn ở tuổi phồng má chu môi pose ảnh tự sướng thì đích thị là một cặp cần phải cưới sớm để chạy… tuổi như trường hợp của T. Anh – sinh viên năm hai Đại học Dân lập Đông Đô, Hà Nội. T. Anh và người yêu vốn là thanh mai trúc mã, được gia đình hai bên ủng hộ, lại hơn nhau tới 12 tuổi nên khi cô nàng tròn 19 đã đính hôn, năm 20 tuổi chính thức lên xe hoa. Đám cưới tưng bừng vừa xong, cô dâu chỉ biết mải mê tag hình trên facebook, còn anh chồng thì mệt mỏi sau hai ngày tiệc tùng khách khứa, vừa đặt lưng xuống giường đã ngủ khì.

Chồng 32 tuổi, vợ 20 tuổi nên có nhiều chuyện dở khóc dở cười như “choảng” nhau về tư tưởng, cách sống… khi về dưới một mái nhà. Thế nhưng, đám cưới là điều mà gia đình hai bên mong muốn nên cả hai phải tập làm vợ chồng. Tư tưởng “có bầu là nghỉ học luôn” cũng được “mặc định” cài vào trí nhớ T. Anh, nên việc tiếp tục học hết đại học có lẽ cũng “phiêu” lắm. Và thú thực là ở tuổi 20, T. Anh khá vất vả với nhiệm vụ làm dâu, quán xuyến mọi thứ liên quan đến hai chữ gia đình, không vô tư như các bạn cùng lứa được.

Tình “già” mà tuổi lại trẻ

Câu tục ngữ này của ông cha ta đã trở thành “lý luận kinh điển” của những cặp cưới sớm, mà đằng sau đó có uẩn khúc gì thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu được. Có thể đây là một động tác “đặt cục gạch” để giữ gìn một nàng dâu mơ ước, hoặc có khi là lời đính ước giữa hai bên gia đình, không loại trừ việc tình cảm hai bên đã đến thời điểm chín muồi và cảm thấy không thể sống xa nhau được nữa.

Như đám cưới của N.T và Đ.Q (22 tuổi, Q. 7, TP. HCM) – một đôi bạn trẻ đã thích nhau từ năm lớp 10. Rồi chàng vào đại học còn nàng học trung cấp kế toán. Khi chàng vừa tốt nghiệp cử nhân thì hai người đã phát thiệp hồng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè. Lý giải cho ly rượu mừng sớm, họ chỉ cười vui: “Thì tụi này muốn song hỷ lâm môn để còn ăn cư lạc nghiệp, không được sao?”. Nhưng nhẩm tính thì cả hai đã yêu nhau 7 năm rồi, một mối tình “già” dù tuổi đời vẫn trẻ, có lẽ đám cưới cũng là đích đến tất yếu.

“Quy chung cũng vì chữ… Tiền”

Chẳng biết là có quá phũ phàng không khi trường hợp cô dâu X. T ở Cần Thơ “bị nhà chồng trả lại” từ năm ngoái đã bị cư dân mạng gán cho nhũng lời bình luận như trên. Thông cảm cũng nhiều mà trách móc cũng không ít, không biết rồi đây, tương lai của T sẽ đi về đâu khi danh tính đã công bố rộng rãi mà tiếng oan thì chưa biết đến cơ quan nào mới giải quyết được?

Thực tế, có nhiều cô dâu trẻ hài lòng với việc “nhà trai” giàu có. Cuộc hôn nhân này thực ra đôi bên cùng có lợi. Cha mẹ hai nhà – người thì muốn có con dâu “quản” cậu quý tử, phía thì muốn con mình sẽ được hạnh phúc khi sống trong nhung lụa giàu sang nên mới dễ dàng đồng ý với đám cưới. Nhưng tất cả đều không đơn giản, vì chuyện gì mà chẳng có cái giá của nó, đúng không bạn?

Có lẽ thực tế “không như là mơ” với những cô dâu, chú rể trẻ tuổi, nhưng không ít bạn trẻ vẫn hào hứng với đám cưới của mình. Pháp luật quy định tuổi kết hôn của nữ là 18, nam là 20 cũng có lý do. So với sự phát triển về thể chất và trí tuệ của người Việt Nam thì tuổi 18 là thời điểm cơ thể cũng như tâm sinh lý của bạn nữ phát triển tương đối đầy đủ để có thể sẵn sàng cho một gia đình mới.

Thế nhưng, trình độ học vấn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc tương lai. Bao nhiêu cô dâu trẻ tự tin rằng mình sẽ là một người vợ, người mẹ tốt? Bao nhiêu gia đình sẽ bền vững với tuổi đời của vợ – chồng cộng lại không quá 40? Con số ấy vẫn là một câu hỏi phải chờ thời gian trả lời, tuy nhiên, hãy tự mình quyết định tương lai và tạo ra hạnh phúc chứ đừng để bất kỳ yếu tố ngoại cảnh nào làm mờ mắt mà quyết định quá vội vàng nhé 18+.

Theo Thế giới Gia đình

Thực hiện: depweb

11/08/2012, 22:58