1. Lầm tưởng về sự giảm cân
2. Không uống đủ nước
Khi uống nước bạn sẽ giảm cảm giác thèm ăn. Bên cạnh đó, việc uống nhiều nước còn ngăn chặn sự tích mỡ trong cơ thể. Nếu thiếu nước, các chức năng của thận sẽ hoạt động không đầy đủ. Từ đó, một phần công việc của thận được chuyển cho gan, làm giảm hiệu suất chuyển hóa chất béo của gan. Kết quả là cơ thể tích tụ chất béo ngày càng nhiều khiến chúng ta tăng cân.
Với một người lớn khỏe mạnh, lượng nước cần uống mỗi ngày là 8 ly, mỗi ly có dung tích khoảng 250ml. Đặc biệt nếu bạn đang thực hiện chế độ ăn kiêng nhiều chất xơ, hãy uống thêm 0,5 lít nước so với tiêu chuẩn trên.
3. Kiêng thức ăn chứa protein
Một số người thường nghĩ rằng việc giảm ăn thịt cá sẽ giúp cơ thể giảm cân. Điều này là sai vì một trong những chế độ ăn kiêng giúp giảm cân phổ biến nhất chính là low-carb. Nguyên tắc của ăn kiêng low-carb là giảm lượng carbonhydrat và tăng cường protein. Protein giúp kéo dài cảm giác no và ngăn ngừa việc mất cơ trong quá trình mất chất béo. Ngoài ra, cơ thể cần dùng năng lượng nhiều hơn để xử lý thức ăn giàu protein so với thức ăn chứa chất béo hoặc tinh bột. Vì vậy, một khẩu phần ăn với lượng protein cao giúp cơ thể bạn đốt cháy nhiều calo hơn.
4. Ngồi quá lâu
Theo một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Wisconsin (Mỹ), việc ngồi hàng giờ một chỗ khiến cơ thể ngừng sản xuất một loại enzyme ức chế chất béo tên là Lipsase. Điều này sẽ làm bạn bị tăng cân nhanh chóng. Thay vì ngồi một chỗ, hãy đứng dậy và đi lại hai phút sau mỗi giờ ngồi. Động tác này giúp bạn đốt cháy thêm 59 calo mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tận dụng tối đa việc di chuyển và vận động bất cứ lúc nào bằng những thói quen nhỏ nhất như đi thang bộ thay vì thang máy, đỗ xe xa trung tâm mua sắm để dành thêm thời gian đi bộ tới đó.
5. Ăn bù quá nhiều sau khi tập luyện
Tập thể dục là cách giảm cân mà rất nhiều chuyên gia khuyên dùng. Tuy nhiên trên thực tế, những người mới bắt đầu tập luyện thường có khuynh hướng ăn nhiều hơn vì họ có tâm lý đánh giá quá mức lượng calo đốt cháy được trong quá trình luyện tập.
Một lý do khác là tập luyện thường dẫn đến mất nước. Khi đó, cơ thể chúng ta sẽ tự động sinh ra cơ chế giữ nước đồng thời làm cân nặng tăng lên. Giải pháp cho vấn đề này là luôn uống đủ nước trong quá trình tập luyện. Khi đó, bạn không cần phải lo lắng về cân nặng của mình nữa.
6. Stress
Khi chúng ta bị căng thẳng, một loại hormone chuyên kích thích sự thèm ăn có tên là cortisol sẽ hoạt động mạnh. Đồng thời, não bộ sẽ sản xuất ra một loại chất có tên neuropeptide Y, làm tăng cảm giác thèm ăn đối với các loại thức ăn chứa carbonhydrate. Hệ quả tất yếu là cân nặng sẽ tăng lên.
Hoài Thu
Biên dịch từ Fitness
Ảnh: Mind Body Green, The Huffington Post