Theo chuyên gia, sự thay đổi ánh sáng vào mùa Đông có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của chúng ta nên ngủ nhiều hơn có thể giúp bạn tỉnh táo trước lịch trình yêu cầu bạn phải ra ngoài khi trời tối.
Trong tiết trời lạnh, con người ta thường có xu hướng ngủ nhiều hơn so với bình thường. “Nếu bạn muốn ngủ nhiều hơn vào mùa Đông, bạn không đơn độc” – Tiến sỹ Raj Dasgupta, Phó Giáo sư Y học Lâm sàng tại Bệnh viện Huntington Memorial ở Pasadena, California (Mỹ), cho biết.
Ông trích dẫn nghiên cứu cho thấy ít nhất một phần ba số người Mỹ trưởng thành cho biết họ ngủ nhiều hơn vào mùa Đông.
Dasgupta, đồng thời là Phó Giám đốc Chương trình Nội trú tại Huntington, cho biết: “Nhu cầu ngủ của hầu hết người trưởng thành là từ bảy đến chín giờ mỗi đêm, và điều đó luôn ổn định cho dù bên ngoài trời lạnh hay tối đến mức nào.”
“Tuy nhiên, bạn thường có cảm giác như mình ngủ nhiều hơn trong mùa Đông vì thực tế là chúng ta mất đi một giờ ánh sáng ban ngày khi bước vào giờ tiêu chuẩn. Điều này có liên quan đến việc bóng tối bắt đầu sớm hơn.”
Theo CNN, một nghiên cứu được công bố hồi tháng Hai năm ngoái cho thấy giấc ngủ của con người thay đổi theo mùa. Theo nghiên cứu về giấc ngủ của 188 bệnh nhân tại Bệnh viện St. Hedwig ở Berlin (Đức), giấc ngủ của họ trong mùa Đông dài hơn khoảng một giờ so với mùa Hè.
Những người tham gia cũng có thêm 30 phút giấc ngủ “Rapid Eye Movement” (REM) (tạm dịch: chuyển động nhanh của mắt), khi ngủ trong mùa Đông.
Giai đoạn REM của giấc ngủ là “điểm ngọt ngào” của chu kỳ giấc ngủ, được đặc trưng bởi nhiều giấc mơ hơn, với nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn so với các giai đoạn khác của chu kỳ.
“Đó là giai đoạn thiết yếu của giấc ngủ giúp tăng cường trí nhớ, sự tập trung, điều chỉnh tâm trạng và chức năng miễn dịch” – chuyên gia Dasgupta cho biết.
Ông cho biết thêm cảm giác muốn ngủ nhiều hơn vào mùa Đông có thể liên quan đến sự thay đổi của ánh sáng hoặc những thay đổi về hành vi và sức khỏe tâm thần.
Dasgupta nói: “Nói đến nhịp sinh học, cơ thể chúng ta nhận tín hiệu từ Mặt Trời – nghĩa là khi trời sáng chúng ta có xu hướng năng động, nhưng khi Mặt Trời lặn, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi. Việc giảm ánh sáng Mặt Trời làm tăng melatonin – một loại hormone được cơ thể tạo ra để điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức.”
Tiến sỹ Carleara Weiss, Trợ lý Giáo sư Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Điều dưỡng tại Đại học Buffalo, cho biết với việc cơ thể sản xuất melatonin sớm hơn trong mùa Đông, “việc một người khỏe mạnh cũng cần ngủ nhiều hơn trong mùa Đông là điều tự nhiên.”
Và ánh sáng không chỉ ảnh hưởng đến số lượng giấc ngủ mà còn cả chất lượng giấc ngủ.
Tiến sỹ Joshua Tal, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về các vấn đề giấc ngủ tại Thành phố New York (Mỹ), cho biết: “Giấc ngủ REM bị ảnh hưởng nhiều bởi ánh sáng và bóng tối, vì vậy trong những tháng mùa Đông, chúng ta có ít ánh sáng hơn, nên về cơ bản cơ thể sẽ bù đắp bằng cách ngủ nhiều hơn.”
Các chuyên gia cho biết việc ngủ nhiều hơn trong mùa Đông cũng có thể do hiện tượng “lệch múi giờ xã hội” – nghĩa là những đêm muộn “vui chơi” trong suốt mùa Hè có thể là lý do khiến bạn cảm thấy khó ngủ sớm vào mùa Đông, hoặc cảm thấy cơ thể mình như được “bù đắp quá mức” khi ngủ nhiều hơn.
“Đồng hồ của bạn bị trễ” – Tal nói.
Theo Weiss, con người không cần ngủ Đông, chúng ta cũng không đủ khả năng để làm điều đó do các nghĩa vụ xã hội và nghề nghiệp. “Nhưng chúng ta có thể điều chỉnh để hoạt động tốt hơn và nghỉ ngơi tốt hơn trong mùa Đông” – cô nói.
Tal cho biết do sự thay đổi ánh sáng vào mùa Đông có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của chúng ta nên ngủ nhiều hơn một chút có thể giúp bạn tỉnh táo hơn trước lịch trình yêu cầu bạn phải ra ngoài khi trời tối.
Ngoài ra, đẩy thời gian bắt đầu đi làm hoặc đi học muộn hơn cũng sẽ hữu ích vì chỉ cần ra ngoài vào ban ngày sẽ giúp mọi người cảm thấy tỉnh táo hơn.
Weiss cho biết: “Để giúp cơ thể chúng ta thực hiện quá trình chuyển đổi từ ngủ sang thức, điều quan trọng là phải tiếp xúc với ánh sáng vào buổi sáng trong những tháng mùa Đông. Cùng với đó, cần duy trì thời gian đi ngủ và thức dậy nhất quán.”
Nếu lịch trình của bạn không cho phép tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên trước khi làm việc, bạn có thể thử liệu pháp ánh sáng – phương pháp điều trị chính cho chứng rối loạn cảm xúc theo mùa.
Việc điều trị bao gồm việc bạn tiếp xúc với hộp đèn có độ sáng tối thiểu 10.000 lux trong ít nhất 30 phút (lux là đơn vị đo cường độ ánh sáng).
Tiến sỹ Jennifer Martin, Giáo sư Y khoa tại Trường Y David Geffen tại Đại học California-Los Angeles (UCLA) và là cựu Chủ tịch của Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ, cho biết: “Đảm bảo môi trường ngủ của bạn có lợi cho giấc ngủ là điều quan trọng.”
“Và hãy liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy hoặc trực tiếp với chuyên gia sức khỏe tâm thần nếu bạn nhận thấy mình đang phải vật lộn với chứng trầm cảm theo mùa.”.