Sau 30 năm “nâng lên đặt xuống”, kiệt tác truyện tranh kỳ ảo của Neil Gaiman cuối cùng cũng đã được đưa lên màn ảnh nhỏ. Bộ phim nhanh chóng thu hút được sự chú ý từ công chúng và trở thành “siêu sao” của Netflix trong tháng Tám này.
“The Sandman” (tạm dịch: “Người cát”) kể câu chuyện về Morpheus – Vua của những giấc mơ, sau nhiều năm bị giam cầm, đã bắt đầu một cuộc hành trình xuyên qua các thế giới để tìm lại những gì đã bị đánh cắp và khôi phục sức mạnh của bản thân. Phim được chuyển thể từ bộ truyện tranh kinh điển của DC Comics, do nhà văn Neil Gaiman chấp bút từ những năm 80s. Không được đầu tư quá nhiều vào khâu PR, tuy nhiên, bộ phim vẫn đạt được thành tích xuất sắc. Trong tuần đầu tiên có mặt trên Netflix , “The Sandman” đã nhận được 127,5 triệu giờ xem, dẫn đầu lượt xem của các phim mới ra mắt trên cùng nền tảng, và tiếp tục duy trì sức hút vào những tuần sau đó. Series phim kỳ ảo hiện vẫn đang là chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn, fanpage phim ảnh, trở thành cú “hit” tiếp theo của hãng phim Warner Bros tại địa hạt phim dài tập.
“The Sandman” không chỉ là thành công cho Netflix hay Warner Bros, mà còn cho người đồng sáng tạo, nhà sản xuất Neil Gaiman. Sự thành công đó được tạo dựng nhờ vô số yếu tố, mà nổi bật nhất có thể kể đến một số điểm sau.
Luật bất thành văn quyết định thành công của một tác phẩm chuyển thể, chính là mức độ trung thành với nguyên tác của nó. Từ “Trò Chơi Vương Quyền” cho đến “Chúa Nhẫn”, sự bám sát nguyên tác đã giúp những siêu phẩm phim ảnh này nổi danh toàn cầu. Và “The Sandman” cũng không phải ngoại lệ. Bản thân cốt truyện gốc đã được đánh giá rất cao bởi sự huyền bí và ẩn chứa nhiều triết lý đáng suy ngẫm của nó. Đội ngũ sản xuất, bao gồm chính tác giả, đã nỗ lực hết mình để truyền tải tốt nhất tinh thần của nguyên tác thông qua từng chi tiết, khung hình. Mỗi tập trong số 10 tập phim có xu hướng tương ứng với các vấn đề mà truyện tranh gốc đề cập, cụ thể: từ câu chuyện mở đầu (“Sleep of the Just”) về cách Morpheus bị bắt bởi một pháp sư hắc ám, cho đến cuộc chiến với một cơn lốc đe dọa nuốt chửng vương quốc của anh ta (“Lost Hearts”). Bên cạnh đó, kịch bản phim vẫn được thêm thắt và thay đổi nhiều tình tiết để tránh gây rối cho khán giả, cũng như tạo nên sự đặc sắc riêng cho bộ phim.
Đối với một bộ phim thần thoại kỳ ảo thành công, thì kỹ xảo hình ảnh chắc chắn phải là điểm sáng quan trọng. Đội ngũ sáng tạo của “The Sandman” đã xuất sắc hiện thực hóa thế giới kỳ ảo của Neil Gaiman với những sắc màu và hiệu ứng vô cùng mãn nhãn. Khung cảnh huyền hoặc, đồ sộ của Cõi mộng, Địa ngục hay vương quốc của Tham vọng đều được xây dựng chân thật qua từng thước phim. Màu phim là sự trung hòa hoàn hảo giữa sắc đen tăm tối của Chúa tể Cõi mơ và những gam màu thần tiên huyền ảo, đem đến ấn tượng về một thế giới bí ẩn, u ám nhưng vẫn ngập tràn phép màu. Đặc biệt, đội ngũ kỹ xảo thậm chí đã xóa nhòa ranh giới giữa thực tại và mộng mơ của “The Sandman”, bằng cách bẻ cong tỷ lệ khung hình. Người xem dễ dàng nhận thấy những hình ảnh méo mó với dàn diễn viên có khuôn mặt thon dài và hình ảnh trải dài, tạo cảm giác siêu thực cho bộ phim.
Bên cạnh kịch bản và kỹ xảo, thì dàn diễn viên cũng đóng vai trò quan trọng làm nên thành công của “The Sandman”. Tom Sturridge đã thành công đem đến một Chúa tể của những giấc mơ với ngoại hình và phong thái như bước ra từ trang sách: dáng hình dong dỏng, gò má cao, nước da trắng. Đặc biệt, nam diễn viên đã luyện tập để có chất giọng nhẹ, nhiều âm mũi, mang khí chất vừa tăm tối, vừa nghiêm trang của một vị Chúa tể thâm trầm. Ngoài Morpheus, thì Lucifer Morningstar – Chúa tể Địa ngục được “chọn mặt gửi vàng” cho nữ diễn viên Gwendoline Christie. Việc đi ngược lại những hình dung thông thường của công chúng về “Quỷ Satan” đã gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng fan, nhưng đồng thời cũng tạo được điểm nhấn mới lạ và khẳng định bản chất phi giới tính của nhân vật này, điều mà chính “cha đẻ” của bộ truyện đã xác nhận.