“Không còn những cuộc xâm lăng”
Thuyết Great Man (thuyết về người dẫn đầu, cũng có thể hiểu là xu hướng dẫn đầu) chỉ ra rằng, mỗi thời điểm chúng ta đều có một khoảnh khắc văn hóa, nó là thứ tượng trưng cho một thời. Nhìn vào khoảnh khắc đó, biểu tượng đó, người ta có thể hình dung ra văn hóa đại chúng của một thời kỳ. Những người dẫn đầu ảnh hưởng tới công chúng nói chung từ thời trang, lối sống và văn hóa, tạo ra một trào lưu sống. Chẳng hạn, mái tóc bồng bềnh, những bộ cánh chỉn chu của những chàng trai
The Beatles từng là mốt của thanh niên thập kỷ 1970. Đó là thời kỳ đâu đâu người ta cũng nghe thấy những ca khúc của The Beatles. Những chàng trai đến từ thành phố cảng Liverpool đã tạo ra một cuộc xâm lấn văn hóa từ Mỹ đến Châu Âu, tràn sang Châu Á. Thậm chí, thể loại rock and roll mà họ theo đuổi đã tạo thành một làn sóng Beatlemania ở Mỹ, khi mà thứ âm nhạc này vốn đã “nguội lạnh” ở xứ cờ hoa từ lâu. Đài CBS những năm 1960 gọi sự ảnh hưởng của The Beatles là “cuộc xâm lăng của nước Anh”.
Ngày nay, nếu phải chọn ra một biểu tượng của thời đại mình, sẽ có người ủng hộ
Lady Gaga – như biểu tượng của sự tự do, người lại “bỏ phiếu” cho Beyonce, và rất có thể cả một ngôi sao Hàn Quốc nào đó. Điều đó có nghĩa, không còn biểu tượng văn hóa nào, không còn nhóm hoặc cá nhân ưu tú nào có sức ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ như những thập niên trước. Và nói gì thì nói, ngay cả những cái tên kể trên cũng chỉ đại diện cho một nhóm người yêu thích, chứ không tạo thành làn sóng đủ mạnh, một trào lưu sống ảnh hưởng cả một thời kỳ. Vì vậy, những con người đặc biệt cũng phải luôn tìm cách biến mình, sao cho phù hợp với thị hiếu công chúng. Thứ giá trị mà họ theo đuổi cũng ngày một ngắn hạn hơn.
Thời nay, những “cuộc xâm lăng văn hóa” liên tục thay đổi diện mạo và ngày càng ở bình diện rộng. Từ đầu thế kỷ 21, tại châu Á, làn sóng Hallyu đã đâm xuyên vào nhiều quốc gia có nền tảng văn hóa lâu đời như Nhật Bản, Trung Quốc,… Tuy nhiên, dù gọi là “làn sóng”, nhưng những cuộc xâm lấn đó thực sự ảnh hưởng thế nào đến văn hóa đại chúng lại là một câu trả lời không có mẫu số chung.
Cảnh trong phim “Hậu duệ mặt trời”
Khi biểu tượng mất thiêng
Trước đây, văn hóa Mỹ một cách không cố tình vẫn trở thành thứ áp đặt hoặc ảnh hưởng lên nhiều quốc gia từ Đông sang Tây, trừ các quốc gia Châu Âu có sự kiêu hãnh riêng. Nhưng giờ đây, Hàn Quốc, Trung Hoa, Nhật Bản đều có thế đứng độc lập hoặc ảnh hưởng lẫn nhau. Trên thế giới, các làn sóng văn hóa đổ dồn lên nhau, con sóng này trùm lên con sóng khác, tạo thành lớp lớp liên tục thay đổi. Những làn sóng văn hóa đó ngày càng lớn mạnh khiến chính Mỹ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng trở lại.
Giờ đây nhạc Âu, nhạc Mỹ không còn như một thứ của hiếm. Người Việt Nam không còn ngồi canh trước radio để nuốt trọn từng lời bình và thông tin về bảng xếp hạng MTV như những năm 2000. Rõ ràng, khi cuộc sống ngày càng đưa đến cho con người nhiều lựa chọn, thì sự “tự do hóa” trong mỗi cá nhân ngày càng mạnh, và những biểu tượng cá nhân ảnh hưởng lên các cá thể khác dễ bị xóa nhòa. Ở chừng mực nào đó, cuộc tìm kiếm nhắm vào những giá trị bên trong mỗi cá nhân là thứ được đề cao hơn. Nhưng con người vì thế cũng ngày càng cô đơn và ít tính gắn kết cộng đồng hơn.
Ca sĩ Lady Gaga
Bản thân một biểu tượng bao giờ cũng cần sự “linh thiêng” và bí ẩn riêng của nó. Nhưng sự bùng nổ của internet, mạng xã hội tạo ra thứ gọi là “thế giới phẳng”, ngày càng làm “trần trụi hóa” và phá vỡ tính linh thiêng của các biểu tượng, khiến cho đời sống của chúng ngày càng ngắn lại.
Sẽ có người hỏi: Vậy cơn sốt “
Hậu duệ mặt trời” vừa qua thì sao? Xin thưa, đã hạ nhiệt. Chỉ một tháng trước đó, người ta còn nghĩ, “sức nóng” của “
Hậu duệ mặt trời” có thể tạo thành… xung đột, và thực tế nó cũng đã tạo ra vô vàn cuộc bút chiến trên các diễn đàn, báo chí. Bộ đồ của người lính Hàn trong Thế chiến Thế giới thứ hai đã trở thành “mốt” của nhiều người trẻ, dù chỉ trong những bức hình “chế”… Nhưng rồi, ngay cả “
Hậu duệ mặt trời” cũng bị lãng quên nhanh. Rồi người ta sẽ lại đón chờ những phiên bản khác cũng nóng không kém từ làn sóng Hallyu, hay Trung Quốc, Nhật Bản.
Nhìn vào “tuổi thọ” những làn sóng, sẽ thấy ngay cả làn sóng hay biểu tượng văn hóa cũng cần những cú “kích cầu” đầy tính mục đích. Khi mà tự thân các vấn đề văn hóa không còn là cuộc chơi của nghệ thuật hay để truyền cảm hứng, thì nó sẽ sớm nở tối tàn.
Thành ra, những “cuộc xâm lăng văn hóa” là đáng lo, nhưng với cái đầu tỉnh táo thì những cuộc “xâm lăng” đó vẫn khó lòng “xâm chiếm”. Câu chuyện của công nghệ ở mặt nào đó lại tỏ ra có giá trị trong trường hợp này, bởi nó cung cấp cái nhìn đa chiều và sự lựa chọn mang tính lý trí hơn.
Nhưng một mặt, nó cũng cho thấy một cuộc chơi không còn vô tư.
Bài:
Hoài Thương