Vì sao biết mình thuộc kiểu hạnh phúc nào lại quan trọng đến vậy? - Tạp chí Đẹp

Vì sao biết mình thuộc kiểu hạnh phúc nào lại quan trọng đến vậy?

Sống

Nói nôm na thì có hai kiểu người hạnh phúc. Một số người trong chúng ta nỗ lực cho một cuộc sống toàn vẹn về mọi phương diện. Những người khác khiêm tốn hơn, phấn đấu cho những điều vừa ý và cố gắng tìm kiếm mục đích của cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy một kiểu hạnh phúc tự thân thứ 3.

Có hai loại hạnh phúc

Ngày nay, chúng ta được gợi ý nhiều bí quyết để đạt được hạnh phúc, như thực hành lòng biết ơn, biết cho đi, xây dựng thói quen ăn uống đi kèm một thời gian biểu lành mạnh… hay chỉ đơn giản là chăm chỉ kiếm tiền. Và khi nói về hạnh phúc, chúng ta sẽ phát hiện có 2 cách được hai nhà triết gia nổi tiếng người Hy Lạp – Epicurus (341-270 B.C.) và Epictetus (khoảng 50-135 A.D.) gợi mở trước đó.

Epicurus tin rằng một cuộc sống hạnh phúc cần có 2 điều: ataraxia (thoát khỏi sự xáo trộn về tinh thần) và aponia (không có đau đớn về thể xác). Nếu điều gì đó đáng sợ hoặc đau đớn, đơn giản là hãy cố gắng tránh nó. Triết lý của Epicurus coi sự khó chịu nói chung là tiêu cực, và do đó việc loại bỏ các mối đe dọa và những vấn đề là chìa khóa để có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Đối với Epicurus, bất hạnh đến từ những suy nghĩ tiêu cực, bao gồm cảm giác tội lỗi không đáng có, nỗi sợ hãi về những điều chúng ta không thể kiểm soát và tập trung vào những phần khó chịu không thể tránh khỏi của cuộc sống. Giải pháp là trục xuất chúng khỏi tâm trí. Để đạt được mục tiêu này, ông đã đề xuất một phương pháp gồm 4 phần: đừng sợ Chúa; đừng lo lắng về cái chết; những gì tốt sẽ dễ dàng có được (bằng cách hạ thấp kỳ vọng về những gì chúng ta cần để được hạnh phúc); những gì khủng khiếp sẽ dễ dàng chịu đựng (bằng cách tập trung vào những điều dễ chịu ngay cả khi đang đau khổ).

Trái ngược với Epicurus, Epictetus là một trong những nhà triết học Khắc kỷ nổi tiếng nhất, người tin rằng hạnh phúc đến từ việc tìm ra mục đích sống, bình tĩnh đón nhận những điều đến sẽ đến, thay đổi những thứ chúng ta có thể để làm cho cuộc sống tốt hơn, đồng thời chấp nhận những điều chúng ta không thể thay đổi. Những người theo phong cách Khắc kỷ coi hạnh phúc là thứ có được nhờ rất nhiều hy sinh. Nên không có gì ngạc nhiên, khi họ là những người lao động chăm chỉ sống vì tương lai, và sẵn sàng chịu chi phí cá nhân đáng kể để đáp ứng mục đích cuộc sống mà không phàn nàn nhiều. Họ xem chìa khóa của hạnh phúc là vượt qua nỗi đau và sự sợ hãi, chứ không phải chủ động trốn tránh.

Trong khoảng 2.000 năm, các triết gia đã không ngừng tranh luận về cách tiếp cận nào dẫn đến hạnh phúc lớn hơn và cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cả hai quan điểm đều có những ưu và khuyết điểm. Nhìn chung, triết học của Epicurus cho rằng chúng ta nên suy nghĩ kỹ về hạnh phúc, trong khi đó, với các nhà Khắc kỷ, nghịch lý của hạnh phúc là để đạt được nó, chúng ta phải quên nó đi; và nếu may mắn thì hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta theo đuổi mục đích sống.

Thế giới tồn tại bởi những sự đối kháng cân bằng và hạnh phúc cũng vậy

Trên thực tế, mỗi người đều theo đuổi các khía cạnh khác nhau của hạnh phúc: phong cách của Epicurus đem lại niềm vui và sự thích thú; phương pháp của Epictetus mang lại ý nghĩa và mục đích thiết thực. Và các học giả nghiên cứu về hạnh phúc đã chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa hai phong cách này sẽ giúp chúng ta có một cuộc sống thực sự hạnh phúc hơn cả.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao để tiếp cập và dung hòa một cách tốt nhất giữa 2 phương pháp này?

1. Biết mình

Có một sự thật rằng, chúng ta sẽ không thể tiến xa hay đạt được sự hài lòng trong cuộc sống nếu không biết mình muốn gì. Để có lời đáp cho bản thân, bạn có thể thử hỏi chính mình rằng mỗi khi tâm trạng xuống thấp, bạn sẽ tự tăng mức độ hài lòng và biết ơn những điều tốt đẹp trong cuộc sống này, hay tập trung vào ý nghĩa và mục đích của cuộc sống? Nếu theo vế đầu, bạn là người theo thuyết Epicurean, và ngược lại, bạn thuộc trường phái Khắc kỷ.

2. Cân bằng

Việc bạn đánh giá cao sự tận hưởng những gì mình có, cũng quan trọng như nỗ lực tìm kiếm mục đích sống. Bạn cần xác định được mình nghiêng về bên nào nhiều hơn để điều chỉnh lại. Bởi mất cân bằng sẽ khiến bạn chệch khỏi đường ray của sự hạnh phúc. Chìa khóa để kết hợp giữa sự thích thú và ý nghĩa không phải là kìm hãm những gì bạn có, mà là lấp đầy những gì đang thiếu.

Vào cuối mỗi ngày, bạn có thể nhìn lại những sự kiện đã trải qua và tự hỏi bản thân những câu hỏi như: “Điều này có mang lại cho tôi sự thích thú không? Nó cũng mang lại ý nghĩa cho tôi chứ?”, “Điều này có làm cho tôi cảm thấy sợ hãi? Tôi có học được điều gì từ nỗi sợ này để ít sợ hãi hơn trong tương lai?”… Bạn cần cố gắng đưa ra các giải pháp đạt được sự kết hợp “Có-Có” cho các câu hỏi này.

3. Xây dựng

Cuối cùng, điều quan trọng là phải theo đuổi các mục tiêu sống, trong đó cách tiếp cận hạnh phúc này củng cố cho cách tiếp cận kia. Hãy đảm bảo rằng cuộc sống của bạn phải hiện diện đầy đủ tinh thần “biết tận hưởng và hướng bản thân thoát khỏi những điều tiêu cực” của Epicurean, đồng thời cũng phải làm việc chăm chỉ và tuân thủ các cam kết mạnh mẽ theo chủ nghĩa Khắc kỷ.

Thực hiện: Huyền My Trương

09/07/2021, 16:04