Vì mẹ luôn đúng... - Tạp chí Đẹp

Vì mẹ luôn đúng…

Sống

Vì lý do cá nhân, người con gái ấy xin được giấu tên trong câu chuyện dưới đây…


Khổ vì được bảo bọc

Trong mắt bạn bè, K là đứa sung sướng vì cô luôn được mẹ bao bọc đủ điều. Nhưng người trong cuộc lại có nỗi khổ riêng…

Nhìn bạn bè được tự thân lập thân, lăn lộn kiếm sống, K không khỏi ghen tị, ao ước giá mà mình cũng được như vậy. Tuy đã 30 tuổi, nhưng K không được phép tự quyết định điều gì. Chuyện gì mẹ cũng sắp xếp, bày sẵn, cô chỉ việc đi trên con đường mẹ đã chọn. Cô thèm khát được lăn lộn với đời, được có tiếng nói riêng. Nhưng mới chỉ “hắng giọng” chứ chưa kịp “hát”, cô đã vấp phải sự phản đối gay gắt của mẹ.

K cảm thấy hoang mang vì mẹ luôn la mắng rằng tại sao cô không tự tin như người khác, nhưng chính bà lại không cho cô cơ hội được tự làm, tự quyết định. Mẹ luôn cho rằng bà là đấng sinh thành, lại là một nhà giáo lâu năm nên rất hiểu K. Nhưng K thì lại cảm thấy bà hoàn toàn không hiểu gì về cô, bà chỉ áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình lên cô. Chẳng hạn, dù K học về ngành quản trị du lịch nhưng khi quản lý quán cà phê được xây dựng trên mảnh đất của mẹ, cô không được áp dụng các kiến thức đã học. Mẹ K can thiệp từ chuyện bày trí cho đến quản lý nhân viên, phong cách phục vụ. Mỗi lần K đề nghị được tự quyết là một lần lại xảy ra tranh cãi lớn. Mẹ bắt đầu kể về việc bà đã vì cô mà chịu thiệt khoản thu nhập đáng lẽ có được từ việc cho thuê mảnh đất cô đang mở quán, rằng bà là mẹ của cô, bà có quyền yêu cầu nhân viên làm theo ý mình… K muốn thấy nhân viên thân thiện, thoải mái khi tiếp đón khách nhưng mẹ luôn là người phá hỏng tâm trạng của họ. Quan điểm khác biệt khiến cả hai mẹ con K rơi vào những cuộc tranh luận gay gắt và K luôn phải nhường bước vì mẹ đã quen với việc mình luôn đúng.

Biết con gái hay chia sẻ với bạn bè, mẹ K thường lân la thăm dò các thông tin về K. Nhiều cô bạn của K vô tình trở thành “điệp viên” cho mẹ, ngược lại, cũng có không ít người tỏ ý khó chịu. Chính vì thế, để tránh phiền hà, dần dà K không dám chia sẻ nhiều với các bạn nữa. Thậm chí K đã phải đốt thư từ của một người bạn thân ngay sau khi đọc vì không muốn nội dung câu chuyện lọt vào mắt mẹ mình. Ngay cả việc K tâm sự với người dì, mẹ K cũng khó chịu vì bà luôn muốn mình phải là người đầu tiên, người duy nhất biết mọi chuyện của con gái. Đến khi K đi du học, mẹ vẫn luôn tìm cách theo dõi lịch học, sinh hoạt, chuyện kết bạn của con và bà tự hào với điều đó. Nhiều khi, một câu nói vu vơ trên Facebook của K cũng bị mẹ xăm xoi rồi gọi điện trách cứ, phân tích thiệt hơn. Bà đã làm K cảm thấy ức chế, còn trong mắt bà cô lại là người “cứng đầu, nổi loạn”.

Thôi đành thỏa hiệp

Có lẽ mọi điều mà mẹ K làm đều xuất phát từ tình yêu dành cho con gái. Tuy nhiên, cách thể hiện của bà lại không khiến cô cảm thấy hạnh phúc. Không ít lần K chảy nước mắt khi nhìn thấy mẹ con ai đó vui vẻ nắm tay nhau đi mua sắm, trò chuyện tâm đầu ý hợp. Lý giải cho mâu thuẫn với mẹ, K cho rằng, trước hết, do tính cách của hai mẹ con quá khác nhau. Cô là người đơn giản, bộc trực nhưng mẹ thì lại quá phức tạp, bà luôn làm mọi thứ trở nên nghiêm trọng theo ý mình. Cô thích sống chan hòa với bạn bè, gần gũi với nhân viên còn mẹ lại luôn muốn thể hiện quyền uy của mình và cảm thấy hạnh phúc khi điều khiển được ai đó. Mẹ thường nói với K rằng “nước mắt chảy xuôi”, rằng việc bà lo lắng, chăm sóc cho K là bổn phận, trách nhiệm nhưng bà không quên nhắc lại những điều bà đã làm, đã cho.

Thứ đến, mẹ K lớn lên trong thời kỳ xã hội còn khó khăn, được dạy dỗ tại cái nôi văn hóa của cố đô nên bà không thể nào chấp nhận được nếp nghĩ đơn giản của người miền Nam hay tư duy phóng khoáng của văn hóa phương Tây mà K được ảnh hưởng trong 4 năm du học. Mẹ khó chấp nhận một đời sống xã hội khác mà con mình là một nhân tố. Vì thế xung đột càng dữ dội.

Dẫu không hài lòng nhưng K đã chấp nhận thỏa hiệp bởi mẹ cũng đã lớn tuổi, K muốn thực hiện nghĩa vụ của một người con – làm cho mẹ vui lòng bằng cách làm theo mong muốn, yêu cầu của bà. K để mẹ quản lý quán cà phê – đứa con tinh thần mà cô dành nhiều tâm huyết, dù nhìn thấy hiện trạng của quán cô không nén được tiếng thở dài. K cũng hạn chế tranh luận với mẹ, cô không giải thích, thanh minh như trước, vì càng nói càng xung đột.

Rút kinh nghiệm từ bản thân, K tự nhủ sau này sẽ cho con cái một môi trường sống thoải mái. Ở đó, con được có thế giới riêng, được ba mẹ tôn trọng và được tự lựa chọn hướng đi. K sẽ chấp nhận nhìn con vấp ngã, chịu đựng vất vả để trưởng thành, rắn rỏi và tự tin. Sự thất bại không phải là một đáp án tồi, đó có thể là ngã rẽ mới hứa hẹn nhiều điều thú vị mà khi dấn thân khám phá con sẽ học hỏi được nhiều điều. K sẽ không nhân danh tình yêu thương con cái mà tước đoạt quyền được sống hết mình của con, biến con thành bản sao của mẹ.

Bài: Nguyên Hải

 

Hai thế hệ

Dù yêu thương nhau, nhưng xung đột giữa cha mẹ và con cái dường như luôn tồn tại. Đó là bởi khoảng cách thế hệ đã khiến họ khó tìm được tiếng nói chung. Có người con không thể hòa hợp được với cha mẹ nên phải ra riêng trong buồn bã. Cũng có người con đã thiết lập “bức tường Berlin” ngay trong gia đình. Thế hệ những người mẹ hiện đại, văn minh của Đẹp cần phải đối diện với điều đó như thế nào?

Tổ chức: Vũ Thủy

Bài đã đăng:

>> Vì mẹ luôn đúng…

>> Phải lùi lại và học vẫy tay

>> Vẫn còn một sợi dây

Thực hiện: depweb

01/12/2012, 11:34